Xuất khẩu rau quả tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi đạt kết quả nổi bật về xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm, rau quả được kỳ vọng tiếp tục tăng tốc để đạt 5,6 - 6,2 tỷ USD trong cả năm 2023.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả tăng tốc qua từng tháng. Kết thúc 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt mốc 4 tỷ USD, không những cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, mà còn vượt qua kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành từ trước đến nay.

Mặt hàng rau quả xuất khẩu năm nay có sự chuyển dịch so với những năm trước. Trong đó, có thể kể đến những điểm sáng như sầu riêng tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả; trái dừa được xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ; chuối xuất khẩu trở lại…

Trong giai đoạn cuối năm, nếu kim ngạch xuất khẩu rau quả bình quân 1 tháng đạt bằng mức của tháng 8 (465 triệu USD), thì 3 tháng đạt 1,4 tỷ USD và cả năm sẽ đạt trên 5,6 tỷ USD. Nếu bình quân 1 tháng trong 3 tháng còn lại đạt bằng mức của tháng 9 (667,5 triệu USD), thì 3 tháng cuối năm đạt khoảng 2 tỷ USD và cả năm sẽ đạt trên 6,2 tỷ USD.

Sự tăng tốc của xuất khẩu rau quả do nhiều yếu tố tác động, trong đó phải kể đến yếu tố: Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại rau quả. Rau quả của Việt Nam có nhiều loại ngắn ngày, dài ngày, với diện tích, sản lượng lớn, trải khắp cả nước, trong cả 4 mùa, với nhiều đặc sản quý hiếm, hợp khẩu vị với khách quốc tế nhiều nước.

Theo số liệu thống kê, năm 2022, diện tích cây ăn quả trên cả nước đạt trên 1,221 triệu ha, trong đó, chuối đạt 158.000 ha; xoài đạt 116.000 ha; bưởi đạt 111.000 ha; cam, quýt đạt 110.000 ha, nhãn đạt trên 82.000 ha; vải, chôm chôm đạt trên 77.000 ha… Các loại trái cây có diện tích vùng trồng lớn còn có sầu riêng, dừa, thanh long, nho…

Sản lượng cây ăn quả lâu năm khá lớn: cam, quýt lên tới trên 2 triệu tấn; bưởi gần 1,15 triệu tấn; xoài trên 900.000 tấn; vải, nhãn gần 700.000 tấn; nhãn gần 630.000 tấn… Một số loại quả có sản lượng lớn hàng trăm ngàn tấn, như sầu riêng, dừa…

Hiện cả nước có hàng chục ngàn doanh nghiệp, cơ sở chế biến, qua đó gia tăng trị sản phẩm. Tuy nhiên, về sản xuất, có một số vấn đề đặt ra. Đối với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, có một số địa phương chuyển dịch tương đối nhanh và rộng, nhưng còn nhiều địa phương chuyển dịch chậm, chưa đủ rộng. Diện tích trồng cây còn phân tán, gây khó khăn cho các công tác có liên quan, từ kỹ thuật sản xuất, đến thu mua chế biến, tạo thành chuỗi cung ứng.

Trong vận chuyển và xuất khẩu tiểu ngạch, vẫn còn tình trạng ùn ứ hàng ở cửa khẩu, đặt ra yêu cầu phát triển đường sắt liên vận… Bên cạnh đó, cần tăng cơ sở bảo quản, chế biến sâu; tăng cường liên kết giữa người sản xuất với các cơ sở khoa học - công nghệ, cơ sở chế biến…

Về thị trường, rau quả của Việt Nam hiện có mặt tại 28 thị trường chủ yếu. Trong 9 tháng của năm 2023, có 18 thị trường đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 7 thị trường đạt trên 100 triệu USD, lớn nhất là Trung Quốc, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan...

Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chiếm tới 65,3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trong thời gian qua một phần do nước này thay đổi chiến lược phòng, chống Covid-19, mở cửa rộng hơn, một phần do Việt Nam và Trung Quốc nâng cấp buôn bán tiểu ngạch lên chính ngạch…

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục