Xuất khẩu lên kịch bản ứng phó với Brexit

Việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) được giới doanh nghiệp cho rằng, sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đó không quá lo ngại và các doanh nghiệp đã có kịch bản đối phó với ảnh hưởng này.     
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần lên kế hoạch, phương án để thực hiện chiến lược kinh doanh, tìm kiếm thị trường hậu Brexit Các doanh nghiệp xuất khẩu cần lên kế hoạch, phương án để thực hiện chiến lược kinh doanh, tìm kiếm thị trường hậu Brexit

Trong 5 năm trở lại đây, Anh đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong EU, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch bình quân là 22,5%/năm. Với 4,65 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu sang Anh bằng 2,4% GDP của Việt Nam, trong khi tỷ lệ này tính bình quân các nền kinh tế Đông Á chỉ là 0,7%. Đó là lý do khiến giới truyền thông quốc tế cho rằng, Việt Nam sẽ bị tác động lớn nhất trong khu vực Đông Á từ Brexit.

Để hạn chế tác động của Brexit, nhiều doanh nghiệp đã lên kịch bản ứng phó. Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Da giày Việt Nam cho biết, với các đơn hàng đã ký kết, công ty ông thương thảo cùng đối tác dùng đồng USD giao dịch để tạo sự ổn định cho cả hai bên.

“Chiến lược sắp tới của chúng tôi sau sự kiện Brexit là sẽ đẩy mạnh kinh doanh tại thị trường nội địa, vì thị trường nội địa có gần 40 triệu dân số trẻ, trong khi các doanh nghiệp của mình lại chủ yếu tập trung vào xuất khẩu mà lơ là thị trường này, đây là dư địa lớn để doanh nghiệp phát triển”, ông Huy nói.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, Vitas đã đề ra 3 giải pháp với cộng đồng doanh nghiệp dệt may. “Một là, chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp phát triển thị trường sang một số nước khác như Mỹ. Hai là, các doanh nghiệp phát triển sang một số thị trường lớn khác như Nga, Đông Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chúng tôi cũng đang kiến nghị với Bộ Công thương thúc đẩy xúc tiến thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước trong khu vực Trung Đông. Cuối cùng, chúng tôi xây dựng chiến lược về công nghệ và quản trị để năng suất lao động tốt hơn nhằm cạnh tranh về giá, thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm”, ông Giang nói.

Công ty TNHH Thủy sản Hùng Hậu (An Giang) cho biết, Công ty có hợp đồng xuất khẩu thủy sản qua Anh từ lâu. Khi vấn đề Brexit diễn ra, Công ty đã liên hệ với đối tác của mình ở Anh để bàn bạc và đàm phán vấn đề xuất khẩu, cũng như tiền thanh toán chuyển sang USD.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, Anh rời khỏi EU không phải ngay lập tức, mà sẽ phải mất một thời gian khá dài để thực hiện các thủ tục cần thiết, do đó, đây là thời gian các doanh nghiệp có thể lên kế hoạch, phương án để thực hiện chiến lược kinh doanh, tìm kiếm thị trường.

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục