Xuất khẩu: Hy vọng bứt phá năm 2010

(ĐTCK-online) 11 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đạt 51,4 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù rất cố gắng, song đến thời điểm này có thể khẳng định xuất khẩu năm 2009 không thể đạt được mục tiêu. Rút kinh nghiệm công tác xuất nhập khẩu năm nay, các bộ, ngành và DN đang gấp rút chuẩn bị cho đơn hàng năm 2010.
Xuất khẩu hàng dệt may khá khả quan so với bức tranh chung. Xuất khẩu hàng dệt may khá khả quan so với bức tranh chung.

Lùi xa đích

Tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,8 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng 10, trong đó có ảnh hưởng đáng kể từ giảm xuất dầu thô (giảm 424.000 tấn, tương đương với 218 triệu USD, dùng để phục vụ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất). Trong 24 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có 8 mặt hàng có kim ngạch tăng, gồm hoá chất và sản phẩm hoá chất, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, chất dẻo, rau quả, cà phê, hạt tiêu, sắn và sản phẩm sắn, điện tử máy tính; 15 mặt hàng khác có kim ngạch sụt giảm, trong đó ngoài dầu thô còn có cao su, giày dép, dây điện và cáp điện. Nguyên nhân chính được nhìn nhận là do đơn giá xuất khẩu hầu hết mặt hàng đều giảm so với cùng kỳ, có loại giảm mạnh đến 15%. Đơn cử như xuất khẩu hạt tiêu tăng 52,3% về lượng nhưng giá trị chỉ tăng 11,8%; xuất khẩu gạo tăng 33,5% về lượng nhưng giá trị giảm 5,8%... Nếu tháng 12, xuất khẩu chỉ duy trì như tháng 11, thì cả năm kim ngạch chỉ đạt 56,2 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra.

Về nhập khẩu, kim ngạch tháng 11 đạt 6,55 tỷ USD (giảm 1,1% so với tháng 10). Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu tới 61 tỷ USD. Trong các mặt hàng nhập khẩu, nhóm thiết bị máy móc, nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh (lúa mỳ, tăng tới 98%, phân bón tăng tới 35%, chất dẻo tăng 27,6%, giấy tăng 12%, sợi dệt tăng 19%, bông tăng 4,4%, sắt thép tăng 16,3%, đặc biệt ôtô nguyên chiếc tăng cao tới 37%). Nhập siêu tháng 11 ở mức 1,75 tỷ USD (tăng 9,4% so với tháng 10), với mức nhập siêu như trên và có thể còn cao hơn trong tháng 12 tới thì cả năm có thể vượt qua mức 12 tỷ USD.

 

Huy động cho năm 2010

Đã có thể khẳng định, năm 2009 xuất khẩu không đạt chỉ tiêu. Bên cạnh lý do khách quan, thị trường thu hẹp do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính trên thế giới, có rất nhiều lý do chủ quan mà các ngành nghề đang triển khai rút kinh nghiệm cho năm 2010. Theo Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Việt Nam, các DN xuất khẩu gạo cần liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và kinh doanh; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm; đảm bảo giá bán phù hợp với thị trường, không để bị ép giá và không cạnh tranh phá giá. Năm 2009, chính sự cạnh tranh không lành mạnh trong ngành xuất khẩu gạo đã khiến gạo Việt Nam nhiều thời điểm bị ép giá thấp.

Trong ngành thủy sản, từ ngày 1/1/2010, quy định của EC về hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) sẽ chính thức có hiệu lực. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc CTCP Thuỷ sản Bình Định (BIDIFISCO) cho biết, thị trường EU chiếm tới 70 - 80% tổng xuất khẩu của Công ty. Trong đó, chủ yếu là các loài cá biển như cá ngừ, cá thu... Mặc dù biết được thông tin EU đã thông qua quy định này từ năm ngoái, nhưng Công ty vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này. Đây sẽ là một rào cản mới đối với xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, gây lo ngại cho các DN xuất khẩu thuỷ sản. Để chuẩn bị cho việc thực hiện quy định này, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (Nafiqad) hoàn thiện Quy chế Chứng nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác. Dự kiến, đầu tháng 12/2009, quy chế này sẽ được phê duyệt và ngày 3/12/2009, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì tổ chức Hội thảo triển khai tại Hà Nội.

Với ngành dệt may, kết quả tương đối khả quan trong năm 2009 (dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 1 - 2% so với năm 2008, đạt 9,2 tỷ USD) là động lực để đặt ra kế hoạch năm 2010 khoảng 10,2 - 10,5 tỷ USD. Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong cuộc họp mới đây đã chủ trương yêu cầu các thành viên trong Tập đoàn tăng cường liên kết đưa sản phẩm của DN bạn tiêu thụ tại các thị trường mình đã có truyền thống nhằm tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại. Phân tích cung cầu trên thị trường, Tập đoàn cũng thường xuyên đưa ra những khuyến nghị về chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu trong năm 2010, tranh thủ tận dụng cơ hội giá tốt trên thị trường.

Ở góc độ DN, bà Dương Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc Tổng công ty May Nhà Bè (NBC) cho biết, năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Tổng công ty dự kiến đạt trên 240 tỷ đồng. Với sản phẩm chủ lực là veston cao cấp, NBC đã thành lập Trung tâm thiết kế và chuyên nghiệp hóa hệ thống phân phối sản phẩm theo hướng mỗi cửa hàng cao cấp chỉ trưng bày và bán chuyên về từng dòng sản phẩm.

Thùy Linh
Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục