TS. Đặng Quang Vinh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, điều kiện kinh doanh lĩnh vực này rất ngặt nghèo.
Theo đó, để có thể được cấp phép xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện như: có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục…
"Vinafood 1 và Vinafood 2 dù có lợi thế chính sách, nhưng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Quan trọng hơn, họ được giao đàm phán hợp đồng tập trung, nhưng không có động cơ nâng giá xuất khẩu của gạo Việt Nam"
- TS. Nguyễn Đình Cung.
Dẫn số liệu nghiên cứu, TS. Vinh cho biết, sau khi Nghị định 109 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp được xuất khẩu gạo đã giảm từ 200 doanh nghiệp xuống còn 145 doanh nghiệp, thậm chí thực tế còn thấp hơn.
Theo ông Vinh, đây là thực trạng đáng lo ngại, bởi các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có cơ hội “chen chân”, khi mà hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp lớn và đã tham gia thị trường từ lâu.
Trường hợp của Công ty Cỏ May là một ví dụ. Ông Phạm Hải Bằng, Giám đốc Công ty cho biết, Cỏ May có khách hàng ở Singapore, nhưng do vướng quy định của Nghị định 109 nên không được cấp phép xuất khẩu gạo sang thị trường này, mà phải ủy thác cho một đơn vị khác để nhập gạo của chính mình từ Việt Nam. Điều này không chỉ làm tăng chi phí của Công ty, mà còn khiến khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam bị suy giảm.
“Chính sách trên gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ có liên kết với nông dân để sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đặc sản địa phương, doanh nghiệp có thị trường đầu ra ổn định, lợi nhuận và tính cạnh tranh cao, nhưng lại không thể trực tiếp xuất khẩu do không đủ điều kiện về kho chứa, hệ thống xay xát…”, ông Vinh phân tích.
Mặt khác, theo TS. Vinh, quy định hiện hành dường như đang “thiên vị” cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nắm vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo. Cụ thể, theo quy định của Nghị định 109, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sau khi ký hợp đồng xuất khẩu phải đăng ký với VFA trong vòng 3 ngày làm việc, phải báo cáo tiến độ thực hiện hợp đồng với VFA. Trong khi VFA có quyền đề nghị Sở Công thương các tỉnh xác minh lượng thóc, gạo đã báo cáo.
Thêm vào đó, cơ chế Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo do Bộ Công thương phê duyệt cũng “mở đường” cho cơ chế xin-cho, đồng thời tiếp tục duy trì mô hình sản xuất gạo “sản lượng cao, chất lượng thấp, giá thấp” vốn đã rất lạc hậu.
“Cơ chế hiện tại đang tạo ra lợi thế lớn cho các doanh nghiệp nhà nước trong xuất khẩu gạo, làm hạn chế khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp…”, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung bình luận.
Một rào cản lớn khác đối với các doanh nghiệp tư nhân là cơ chế đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu tập trung được áp dụng phổ biến hiện nay. Cụ thể, Bộ Công thương giao cho 2 doanh nghiệp nhà nước lớn là
Vinafood 1 và Vinafood 2 làm đầu mối giao dịch và thực hiện hợp đồng xuất khẩu.
“Vinafood 1 và Vinafood 2 dù có lợi thế chính sách, nhưng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Quan trọng hơn, họ được giao đàm phán hợp đồng tập trung, nhưng không có động cơ nâng giá xuất khẩu của gạo Việt Nam. Cần phải thay đổi cơ chế này để tạo ra một cấu trúc thị trường mới, một cơ chế lợi ích mới…”, ông Cung nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị xuất khẩu và tăng thu nhập cho chuỗi giá trị lúa gạo trong nước, CIEM đề xuất bỏ các điều kiện xuất khẩu như quy định tại Nghị định 109. Thay vào đó là các điều kiện về chất lượng cho từng loại gạo theo một bộ tiêu chuẩn về chất lượng, gắn với thương hiệu quốc gia.
Cùng với đó, cần cho phép doanh nghiệp nhỏ xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, với khối lượng nhỏ, để họ có thể khai phá các thị trường mới và khó tính, thị trường ngách, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong ngành lúa gạo.