Xuất khẩu điện tử hướng tới mốc 140 tỷ USD

Xuất khẩu ngành hàng điện tử của Việt Nam trong năm 2024 có thể coi là “bùng nổ” khi thu về gần 126,5 tỷ USD, tăng 17 tỷ USD so với năm 2023. Năm 2025, ngành hướng tới mốc xuất khẩu 140 tỷ USD trở lên.

Đóng góp lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu

Ngành điện tử đã có một năm bội thu khi mang về kim ngạch xuất khẩu 126,5 tỷ USD, đóng góp hơn 1/3 vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (405 tỷ USD) trong năm 2024.

Trong đó, ngành hàng máy tính, điện tử và linh kiện đạt 72,56 tỷ USD, tăng 26,6%; còn điện thoại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2023.

So với mức thực hiện yếu của năm 2023 (gần 110 tỷ USD), xuất khẩu điện tử khởi sắc trở lại, đồng nghĩa đã tăng thêm gần 17 tỷ USD trong năm qua, ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu tiêu dùng và khả năng tiếp nhận đơn hàng, chứng minh năng lực sản xuất của các nhà cung ứng trong nước.

Sự bứt phá trong xuất khẩu điện tử, sản phẩm công nghệ của Việt Nam phần lớn nhờ vào các tập đoàn nước ngoài. Hiện, Việt Nam là điểm đến đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Apple…

Những nhà máy từ vài chục triệu đến hàng tỷ USD sản xuất hàng công nghệ điện tử của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến từ Hàn Quốc, Mỹ và các quốc gia khác đã đóng vai trò then chốt, giúp Việt Nam duy trì kim ngạch xuất khẩu công nghệ vượt ngưỡng 100 tỷ USD/năm trong những năm gần đây.

Đáng chú ý, thị trường điện thoại di động Việt Nam đã trở thành một điểm sáng với sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng khổng lồ, trong đó Apple ghi nhận thành công vượt bậc. Ba đối tác lớn của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek cũng liên tục mở rộng quy mô đầu tư sản xuất điện tử.

Các thị trường xuất khẩu chính của ngành điện tử là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc. Riêng năm qua, xuất khẩu máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại sang châu Âu - châu Mỹ đạt 56,9 tỷ USD, chiếm gần 45% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đo lường tương lai tăng trưởng

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển khi nước ta có vị trí địa lý nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Thêm vào đó là thị trường nội địa hơn 100 triệu dân và khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường 600 triệu dân của khu vực ASEAN. Thị trường xuất khẩu quốc tế rộng lớn nhờ tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nguồn: Bộ Công thương

Tương lai tăng trưởng của lĩnh vực điện tử công nghệ được nhận định còn lớn, bất chấp những biến động về kinh tế, thương mại và xung đột địa chính trị toàn cầu tác động tới chuỗi cung ứng và giao nhận. Hiện các nguồn lực đầu tư vào sản xuất trong ngành này tại Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Dòng vốn FDI đổ vào sản xuất thể hiện qua các dự án đang đầu tư, sắp đi vào vận hành và cả các dự án đang chuẩn bị vào Việt Nam.

Đơn cử, Foxconn với khoản đầu tư nửa tỷ USD sẽ đi vào sản xuất, kinh doanh chính thức từ tháng 5/2027, hay nhà máy thứ ba tại Việt Nam của Tập đoàn Pegatron (Đài Loan) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD dự kiến được đầu tư tại Hải Phòng giai đoạn 2025 - 2026…

Những dự án này sẽ tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm xuất khẩu sản phẩm công nghệ trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, đồng thời là động lực giúp cho tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của lĩnh vực này có thêm nhiều tỷ USD.

Bên cạnh điểm sáng về con số xuất khẩu điện tử, nhìn lại, việc chủ động đầu vào cho lĩnh vực sản xuất này vẫn chưa cải thiện, mức độ phụ thuộc nguyên liệu đầu vào nhập khẩu hiện vẫn lên tới cả trăm tỷ USD mỗi năm.

Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện năm 2024 lập kỷ lục, với 107 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2023.

Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn ngành năm qua đã tăng lên 233,5 tỷ USD, thặng dư toàn ngành chưa đầy 20 tỷ USD.

Được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp. Năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành vẫn hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường.

Trong bản đồ công nghệ thế giới, Việt Nam đứng thứ 5 về xuất khẩu máy tính, linh kiện và thứ 2 về xuất khẩu điện thoại di động. Tuy nhiên, trong chuỗi cung ứng của ngành, các doanh nghiệp Việt Nam đứng ở vị trí đáy - khâu sản xuất với giá trị gia tăng thấp.

Năm 2025, nếu duy trì được tăng trưởng như năm 2024, xuất khẩu điện tử có thể cán mốc 140-145 tỷ USD. Trở ngại lớn là những chỉ dấu không thuận tại Mỹ, với các chính sách thương mại mới dự kiến được ban hành. Nguy cơ bị vào tầm ngắm phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ sẽ lớn hơn, trong đó lĩnh vực điện tử cũng không ngoại lệ.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục