Theo dữ liệu từ Kpler, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 81,9 triệu thùng trong năm nay, giảm 46% so với mức 150,6 triệu thùng của năm ngoái. Điều này đã khiến Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ sáu trong số những nước mua dầu thô lớn nhất của Mỹ, từ vị trí thứ hai của năm ngoái.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và việc sử dụng ngày càng nhiều xe điện và các nguồn năng lượng như khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang làm giảm nhu cầu dầu thô của nước này, với lượng nhập khẩu dầu thô từ tất cả các quốc gia trong năm nay đã giảm 7,2% so với một năm trước đó. Nhu cầu yếu đi ở Trung Quốc đã góp phần đẩy giá dầu xuống thấp hơn trong năm nay và triển vọng nhu cầu dầu của nước này cho năm 2025 là trọng tâm hàng đầu của thị trường dầu.
Dữ liệu của Kpler cho thấy Trung Quốc cũng đang chuyển hướng nguồn cung cấp dầu mỏ và nhập khẩu khoảng 26% dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga, Iran và Venezuela trong năm nay, tăng so với mức 24% của năm trước. Nhìn chung, quốc gia này vẫn chủ yếu dựa vào Trung Đông, chiếm khoảng 60% lượng dầu nhập khẩu bằng đường biển.
Trong khi đó, châu Âu đã trở thành điểm đến ngày càng quan trọng đối với dầu thô của Mỹ, một phần là do dầu WTI được thêm vào rổ dầu Brent. Vào tháng 6/2023, dầu thô WTI đã được dùng để xác định giá dầu Dated Brent giao đến Rotterdam - trung tâm giao dịch và lưu trữ dầu thô lớn ở Hà Lan. Châu lục này cũng là điểm đến hàng đầu của dầu thô Mỹ trong ba năm kể từ khi thay thế châu Á trở thành khu vực mua lớn nhất sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Dữ liệu của Kpler cho thấy Hà Lan tiếp tục nhập khẩu nhiều dầu thô nhất từ Mỹ với 194 triệu thùng vào năm 2024, tăng 12% so với năm ngoái. Hàn Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Mỹ vào năm 2024 với khoảng 166 triệu thùng. Hàn Quốc đang nỗ lực bù đắp cho sự mất mát một số dầu thô từ Kazakhstan sau khi quốc gia này bắt đầu vận chuyển nhiều dầu hơn đến Ý.