Báo cáo nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 11/2023 của Ngân hàng HSBC cho hay, Việt Nam tiếp tục chứng kiến tăng trưởng xuất khẩu nhờ ngành hàng điện tử.
Theo các chuyên gia HSBC, kể từ quý IV/2023, xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu cải thiện, trong đó, tăng trưởng xuất khẩu tháng 11 đạt mức 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy dệt may và giày dép còn trì trệ, các nhóm mặt hàng khác như linh kiện liên quan đến máy tính (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước) và máy móc (tăng 5% so với cùng kỳ năm trước) cho thấy những dấu hiệu ổn định và đáng khích lệ.
Các mảng mới có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, như nông sản, tiếp tục có dấu hiệu tăng trưởng mạnh hướng tới cuối năm.
Mặc dù vậy, HSBC khuyến cáo, vẫn cần thận trọng về triển vọng thương mại vì nhu cầu hàng hóa ở các đối tác thương mại lớn vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tiếp tục giảm còn 47,3 (dưới 50 phản ánh suy giảm sản xuất) trong tháng 11. Cả sản lượng lẫn đơn hàng mới đều thu hẹp.
Những tín hiệu tích cực về xuất khẩu cũng được Bộ Công thương nêu trong báo cáo mới nhất. Theo Bộ này, xuất khẩu 11 tháng năm 2023 đạt 322,5 tỷ USD, dù vẫn giảm 5,9% so với cùng kỳ song đã tích cực hơn so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.
"5 tháng gần đây (từ tháng 7/2023 đến nay), xuất khẩu hàng hoá của nước ta đều đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân 27,45 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023, cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong xuất khẩu và giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái", Báo cáo nêu.
Hoạt động trong nước tiếp tục là trụ cột vững chắc. Theo HSBC, việc nới lỏng chính sách thị thực từ tháng 8 đã thúc đẩy phục hồi ổn định lượng du khách quốc tế. Riêng tháng 11, Việt Nam đã đón hơn một triệu khách ngoại, tháng thứ năm liên tiếp đạt cột mốc này. Với tổng số 11,2 triệu lượt khách tính từ đầu năm, mục tiêu 12-13 triệu khách năm nay đã đạt được.
Tuy nhiên, sự phục hồi trong nhóm du khách Trung Quốc chưa có sự thay đổi lớn, chỉ phục hồi ở mức 30% của năm 2019. Ngoài ra, sự cạnh tranh trong du lịch ở nội khối ASEAN đang trở nên căng thẳng. Sau khi Thái Lan miễn thị thực cho du khách Trung Quốc và Ấn Độ, Malaysia là nước tiếp theo áp dụng chính sách này.
Theo HSBC, lạm phát duy trì trong mức kiểm soát. Lạm phát toàn phần chỉ tăng 0,2% so với tháng trước kéo theo lạm phát so với cùng kỳ năm trước cũng dịu xuống 3,4% trong tháng 11.
Giá gạo trong nước tiếp tục đối mặt với áp lực lan tỏa từ giá gạo quốc tế tăng lên, giá thịt lợn giảm dư sức bù đắp cho mức tăng giá gạo. Trong khi đó, giá dầu thấp đi cũng giúp kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý nhất trong tháng 11 là chi phí y tế tăng lần đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại là kết quả của những thay đổi trong định giá dịch vụ y tế toàn quốc.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, các dấu hiệu tích cực như lạm phát nằm trong tầm kiểm soát và triển vọng kinh tế, đặc biệt trên phương diện bên ngoài, đang có sự ổn định nhất định.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng điều đó không có nghĩa rủi ro tăng giá đã hoàn toàn biến mất. Điện lực Việt Nam, công ty tiện ích nhà nước, đã tăng giá điện 4,5% trong tháng 11 nhằm giải quyết tình trạng sụt giảm sản lượng thủy điện do hiện tượng El Nino, thay đổi này thường sẽ thể hiện trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chậm một tháng.
Mặc dù cần lưu tâm đến các rủi ro tăng giá như giá thực phẩm và năng lượng, song chuyên gia của HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong toàn năm 2024.