Xuất khẩu 9 tháng, khu vực trong nước cải thiện, FDI bắt đầu chậm lại

Tăng trưởng xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 7,4% trong 9 tháng đầu năm, thấp hơn mục tiêu điều hành 10%, do vậy khó có thể “cứu” tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.     
Có một sự cải thiện đáng kể khi khu vực trong nước đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu 5%. Ảnh: Đ.T Có một sự cải thiện đáng kể khi khu vực trong nước đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu 5%. Ảnh: Đ.T

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 128 tỷ USD, tăng 6,7% (tương đương 8,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực đầu tư trong nước ước đạt 37 tỷ USD, tăng 5,0% (tương đương 1,8 tỷ USD); khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 91,1 tỷ USD, tăng 7,4% (6,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn vào con số thống kê này, có thể thấy, đã có một sự cải thiện đáng kể khi mà khu vực trong nước đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu 5%, tuy không cao nhưng đã khá hơn nhiều so với mức giảm 3,3% của cùng kỳ năm trước. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI lại đang chậm lại, chỉ ở mức 7,4% - thấp hơn cả mục tiêu điều hành của Chính phủ trong năm nay, đó là đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10%.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, những năm gần đây, trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước gặp khó, tăng trưởng xuất khẩu liên tiếp sụt giảm, thậm chí là âm, thì khu vực FDI đã trở thành “cứu cánh” cho nền kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Đơn cử, năm 2015, trong khi khu vực trong nước chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 47,3 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm trước, làm giảm 1,2 điểm phần trăm của mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2015, thì khu vực FDI đã đạt 115 tỷ USD, tăng trưởng 13,8% so với năm trước. Thậm chí, nếu không tính dầu thô, thì mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI sẽ lên tới 18,5%. Chính sự đóng góp này của khu vực FDI đã “kéo” tăng trưởng xuất khẩu của cả nước lên.

Xuất khẩu của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10% năm nay là “bất khả thi”

Nhưng năm nay, tình hình có vẻ sẽ không còn “sáng sủa” như năm trước, khi mà tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI sau 9 tháng thậm chí còn thấp hơn mục tiêu đặt ra cho cả năm.

Việc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sau 9 tháng chỉ đang dừng ở mức 6,7%, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chủ yếu là do giá xuất khẩu bình quân giảm 3,14%. Trong đó, nhóm hàng nông sản thực phẩm giảm 5,8%, nhóm hàng nhiên liệu giảm tới 29,6%. “Nếu loại trừ yếu tố giá, thì kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 10,2% so với cùng kỳ 2015 thay vì chỉ 6,7%”, ông Lâm nhận xét.

Nhưng thực tế, không chỉ do giá, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã giảm cả lượng và giá. Chẳng hạn, gạo giảm 16,3% về lượng và 12,4% về trị giá, tương đương 735.000 tấn và 235 triệu USD; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 11,4% về lượng và 24,8% về trị giá, tương đương 364.000 tấn và 251 triệu USD; dầu thô giảm 25% về lượng và 43,3% về trị giá, tương đương 1,7 triệu tấn và 1,3 tỷ USD.

Rõ ràng, xuất khẩu của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10% năm nay là “bất khả thi”. Và nguyên nhân được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là do việc ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra những cơ hội, nhưng cũng gây ra những thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam; cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn không chỉ trên thị trường thế giới, mà ngay cả ở thị trường trong nước.

Trong bối cảnh đó, sự kiện Brexit, sự giảm giá của đồng bảng Anh và đồng euro cũng được cho là sẽ “góp phần” làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh và EU. Nếu có hiệu ứng “domino” xảy ra với các vùng của nước Anh và cả khu vực EU, thì những tác động đến xuất khẩu Việt Nam còn lớn hơn.

Thậm chí, theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, dù vẫn là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, với mức thặng dư thương mại hàng hóa lớn, ước tính tương đương 8,2% (trong 9 tháng đầu năm là 2,7 tỷ USD - PV), song khó khăn phía trước là không hề nhỏ.

“Thành tích này có thể bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm hơn nữa của các nền kinh tế công nghiệp chủ đạo, hoặc mức tăng trưởng thấp ngoài dự kiến của Trung Quốc - một đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam”, ông Eric Sidgwick đã nói như vậy khi công bố báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, vào hôm qua (27/9).

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục