Xuất hiện thêm nhiều “điểm nóng” Covid-19 mới, thế giới tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine

0:00 / 0:00
0:00
6 triệu liều vaccine trong 2 ngày tại Mỹ hay gần 850.000 liều chỉ trong vòng 24 giờ tại Anh là những con số kỷ lục cho thấy các nước đang tăng tốc chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 để bắt kịp với tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Người dân ở thủ đô London của Anh đeo khẩu trang ngừa dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. Người dân ở thủ đô London của Anh đeo khẩu trang ngừa dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 3, thứ 4, cùng việc xuất hiện thêm những điểm nóng mới về dịch bệnh tiếp tục đặt các chính phủ trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ hôm qua (21/3) cho biết hơn 3 triệu người dân tại nước này đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 chỉ trong vòng 24 giờ qua.

Trên Twitter cá nhân, Giám đốc Dữ liệu Covid-19 của Nhà trắng Cyrus Shapar đã gọi đây là một bước tiến lớn trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia.

Như vậy tới nay, 24,5% dân số Mỹ đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine và 13,3% đã được tiêm chủng đầy đủ các mũi. Ba loại vaccine được cấp phép tại Mỹ là Johnson& Johnson (với một liều duy nhất), Pfizer- BioNTech và Moderna với 2 liều.

Hiện, Mỹ đã đặt đủ liều lượng cần thiết để có thể tiêm chủng ngừa cho tất cả người trưởng thành tại nước này từ nay đến cuối tháng 5/2021.

Trong khi đó, số ca mắc mới tại Anh đã giảm nhẹ, với tổng cộng hơn 38.000 ca mắc mới trong 7 ngày qua, tức giảm 4% so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, Anh vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh với hơn 126 nghìn người tử vong.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh: “Chúng ta đã tiếp tục chứng kiến thêm một ngày tiêm chủng kỷ lục nữa, gần 850.000 liều chỉ trong vòng 24 giờ. Vì vậy, nếu bạn nhận được yêu cầu từ Dịch vụ Y tế quốc gia, thì hãy nhanh chóng đi tiêm và cũng đảm bảo rằng bạn sẽ tiêm mũi thứ hai đúng lịch. Bởi tiêm chủng là cách tốt nhất để chúng ta giải quyết cuộc khủng hoảng này. Vaccine bảo vệ bạn, người thân và những người xung quanh bạn”.

Còn tại Đức, giống như nhiều quốc gia láng giềng đang phải đối mặt với nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 3, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đang cân nhắc kéo dài thời gian áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch đến tháng 4 tới.

Theo số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch, tỷ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân trong 7 ngày đã vượt mốc 100 ca, đồng nghĩa với việc phải kích hoạt các biện pháp hạn chế mới.

Tại châu Á, Philippines đang nổi lên như một điểm nóng của dịch Covid-19. Bất chấp các biện pháp kiểm dịch và cách ly nghiêm ngặt, sự lây lan của virus SARS-CoV-2 dường như đang vượt tầm kiểm soát, với số ca mắc mới vượt 7.000 ca trong 3 ngày liên tiếp.

Trước tình hình này, bắt đầu từ ngày hôm nay, toàn bộ các nhà thờ tại thủ đô Manila đều phải đóng cửa, trong khi mọi chuyến đi không thiết yếu đến và đi từ thủ đô cũng bị cấm.

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh căng thẳng trở lại ở nhiều nước, thì cuộc chiến vaccine giữa Anh và Liên minh châu Âu cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm qua cảnh báo, sẽ phản tác dụng nếu Liên minh châu Âu áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với Hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca.

Nhấn mạnh bản chất của hợp tác trong sản xuất vaccine giữa các quốc gia trên thế giới, Bộ trưởng Ben Wallace nhấn mạnh, bất kỳ bước đi sai lầm nào của Liên minh châu Âu cũng sẽ gây nguy hiểm cho không chỉ công dân của họ, mà còn ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm phòng của nhiều quốc gia khác và gây tổn hại cho danh tiếng của Liên minh châu Âu.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục