Xuất hiện mối lo tái xuất cơ chế tiền kiểm, doanh nghiệp sợ thành quả... biến mất

0:00 / 0:00
0:00
Lo ngại của Bộ Y tế về những hạn chế của cơ chế hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm đang dấy lên mối lo từ doanh nghiệp, nhất là mối lo tái xuất cơ chế tiền kiểm.
Cơ chế hậu kiểm của Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã tiết kiệm cho doanh nghiệp ngành thực phẩm các khoản chi phí rất lớn. Trong ảnh: Sản xuất bánh tại Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO. Ảnh: Lê Toàn Cơ chế hậu kiểm của Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã tiết kiệm cho doanh nghiệp ngành thực phẩm các khoản chi phí rất lớn. Trong ảnh: Sản xuất bánh tại Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO. Ảnh: Lê Toàn

Lo cơ chế hậu kiểm bị lợi dụng, Bộ Y tế muốn sửa đổi

Hơn 10 ngày qua, doanh nghiệp ngành thực phẩm lại nóng lên với các cuộc làm việc, trao đổi với hiệp hội ngành hàng của mình, khi Bộ Y tế có Báo cáo số 313/BC-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm gửi Thủ tướng Chính phủ.

Trong Báo cáo, Bộ Y tế đã nêu ra mục tiêu rất thuyết phục là để khắc phục những hạn chế, bất cập và tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo bộ này, thực tế 4 năm triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, tồn tại, đặc biệt là việc lợi dụng cơ chế hậu kiểm.

“Một bộ phận doanh nghiệp thực hiện không đúng, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn”, Báo cáo của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng, do thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị cần thiết, thiếu kinh phí, nên hoạt động hậu kiểm của cơ quan quản lý chỉ đáp ứng một phần yêu cầu, chưa sát thực tế, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực bị hạn chế, nhất là trong bối cảnh lượng sản phẩm công bố quá lớn và ngày càng phong phú.

Cùng với lo ngại trên, Bộ Y tế đang đặt lại việc cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm thực phẩm theo hướng chỉ công bố và kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của sản phẩm, mà không phải công bố các chỉ tiêu chất lượng, đặc biệt là với thực phẩm bổ sung. Bộ này cho rằng, quy định như vậy gây khó khăn cho hoạt động quản lý, thiếu công cụ kiểm soát, không bảo đảm an toàn về chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường...

Hơn thế, việc cho phép doanh nghiệp không phải công bố lại khi thay đổi công dụng, đối tượng sử dụng, hướng dẫn sử dụng, nhà sản xuất dẫn đến việc ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm thực phẩm quá công dụng thực tế, mà không được kiểm soát kịp thời.

6 bộ, ngành gồm Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Giao thông – Vận tải Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 843 quy định kinh doanh, gồm 541 thủ tục hành chính; 34 chế độ báo cáo; 80 yêu cầu, điều kiện; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành… Nguồn: Văn phòng Chính phủ

6 bộ, ngành gồm Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Giao thông – Vận tải Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 843 quy định kinh doanh, gồm 541 thủ tục hành chính; 34 chế độ báo cáo; 80 yêu cầu, điều kiện; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành… Nguồn: Văn phòng Chính phủ

Doanh nghiệp sợ thành quả... biến mất

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm đang cùng dự thảo một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, dự kiến hoàn tất trong tuần này.

“Các doanh nghiệp lo ngại thành quả to lớn mà Nghị định 15/2018/NĐ-CP đem lại cho doanh nghiệp mất đi khi xuất hiện thêm thủ tục hành chính, tăng cơ chế tiền kiểm...”, ông Cung nói.

Thành quả to lớn này không chỉ là cảm nhận, mà đã được các doanh nghiệp lượng hóa bằng tiền khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP cho phép 90% sản phẩm được áp dụng cơ chế tự công bố, chỉ có khoảng 2% sản phẩm kiểm tra bằng phương pháp lấy mẫu, khoảng 5% còn lại phải kiểm tra, nhưng theo cơ chế kiểm tra giảm... Đặc biệt, nghị định này bổ sung trường hợp miễn kiểm tra, bãi bỏ kiểm nghiệm định kỳ...

So với khoảng thời gian 3-5 tháng và hàng chục triệu đồng cho một lần công bố, 400.000 đồng/sản phẩm/lần kiểm nghiệm định kỳ, thì cơ chế hậu kiểm của nghị định trên đã tiết kiệm cho doanh nghiệp các khoản chi phí rất lớn.

Cũng phải nhắc lại, các con số trên không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà còn là cơ sở thực tiễn để Bộ Y tế ghi nhận việc 98% các lô hàng thuộc 5 mặt hàng của 815 dòng hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý của Bộ Y tế không phải qua kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu - một sự kiện tiêu biểu của ngành vào năm 2018.

Bộ Y tế ước tính, sau khi cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân hơn 8,5 triệu ngày công/năm, khoảng 3.332,5 tỷ đồng/năm, chưa tính các lợi ích khác từ cơ hội kinh doanh.

Trong Báo cáo vào đầu tháng 3/2022 của CIEM về tác động của cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh vẫn lấy Nghị định 15/2018/NĐ-CP làm hình mẫu cho dấu ấn cải cách, thể hiện ở cách thay đổi tư duy quản lý nhà nước.

“Cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu và khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do. Kinh nghiệm thành công của Nghị định 15/2018/NĐ-CP rất đáng để các bộ, ngành, lĩnh vực khác tham khảo”, bà Thảo chia sẻ.

Như vậy, nếu cơ sở để Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP là những hạn chế trong thực thi cơ chế hậu kiểm, thay vì hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực bộ máy, thì mối lo tái xuất cơ chế tiền kiểm của doanh nghiệp có thể hiểu được.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục