Xu thế này bao gồm đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giảm khí thải, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn của sự phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, blockchain và tầm nhìn thế giới siêu thực (metaverse). Những xu thế này sẽ được cụ thể hóa qua các chính sách khuyến khích, chế tài, cũng như những thay đổi trong chuyển giao thế hệ tạo ra.
Sản xuất xanh
Phát thải ròng bằng không (net zero) trở thành một mệnh lệnh, thay vì chỉ là từ khóa thời thượng.
Ở Anh từ trường đại học, công ty xây dựng, công ty kiểm toán, cơ quan chính phủ cho đến các quỹ đầu tư, ngân hàng đều nhận được “chỉ thị” phải tìm cách đạt phát thải ròng bằng không. Các ngân hàng sẽ chấm dứt tài trợ cho một số dự án mà lượng phát thải vượt quá một mức quy định. Các quỹ đầu tư bị buộc phải tìm cách chạy những mô hình định lượng đòi hỏi tốn ít năng lượng hơn, và ngay cả tới các quỹ đầu tư vào lĩnh vực tiền mã hóa cũng đang khuyến khích cộng đồng tìm ra những cách thức mới để tạo ra những đồng “crypto xanh”.
Đôi khi sự việc đạt đến mức điên rồ là một bạn của tôi làm ở quỹ định lượng ở Đức bị yêu cầu dừng chạy chương trình dự đoán độ biến động tỷ suất sinh lợi cổ phiếu của mình vì hao tốn quá nhiều năng lượng về đêm và buộc phải tính toán lại sao cho phù hợp với hạn mức phát thải mà quỹ đầu tư đã cam kết. Quỹ đầu tư này phải làm gương vì họ đang yêu cầu những công ty mà mình đầu tư vào cũng phải làm mọi cách để thực thi được cam kết phát thải của mình.
Nếu như đầu tư xanh là một phần trong xu thế ESG (môi trường, xã hội và quản trị), thì phần còn lại cũng thu hút nhiều dòng vốn chính là việc đầu tư vào xu hướng công nghệ đã định hình trong năm 2021. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như xe tự lái, tự động hóa dựa trên học sâu (deep learning) tiếp tục tìm thấy các cơ hội ứng dụng trong nhiều ngành kinh doanh.
Đây không phải chỉ là chuyện ở châu Âu xa xôi. Ngay tại Việt Nam, tại Diễn đàn Quản trị công ty thường niên 2021 gần đây, Chủ tịch Dragon Capital, ông Dominic Scriven đã chỉ ra rằng, các quỹ sẽ giảm đầu tư vào những công ty thiếu chiến lược giảm phát thải.
Nhưng liệu giảm phát thải có làm tăng chi phí và do đó làm giảm tăng trưởng? Có thể nhưng không nhất thiết. Sẽ có cơ hội mới từ đầu tư vào các ngành công nghiệp tạo ra ít phát thải và đó có thể là những ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất thép.
Những chương trình đầu tư hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp chống biến đổi khí hậu ở châu Âu đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp thép “xanh” ở châu Âu. Thụy Điển là một trong những quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp này để tạo ra thép “xanh”, sản phẩm thép được sản xuất bằng công nghệ thân thiện với môi trường (ví dụ hydrogen), nhưng không thực sự khác biệt với thép thông thường. Ông Henrik Henriksson, Giám đốc điều hành H2 Green Steel, một công ty khởi nghiệp trong mảng thép “xanh” cho biết, sản xuất thép bằng hydrogen sạch thải ra ít carbon hơn 95% so với than cốc.
Giá thành của thép xanh hiện tại là đắt đỏ, nhưng với những chương trình đầu tư vào hạ tầng xanh ở châu Âu (mà thực tế là trợ giá cho ngành công nghiệp xanh ở khu vực này), thì các công ty áp dụng công nghệ xanh vẫn tìm được thị trường. Ông Henriksson cho biết, khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn 25% để mua thép “xanh”. Theo S&P Global, sự chuyển dịch sang thép “xanh” sẽ là một xu hướng quan trọng trong ngành công nghiệp thép toàn cầu trong năm 2022 khi các các nước phải làm mọi cách để chuyển đổi một ngành công nghiệp chiếm 7% lượng CO2 toàn cầu. Trung Quốc cũng đang bắt đầu những chuyển đổi tương tự.
Sự chuyển đổi trong những ngành công nghiệp như thép “xanh” sẽ kéo theo những ngành công nghệ xanh khác phát triển. Ví dụ, đầu tháng 12/2021, Tập đoàn điện lực Iberdrola của Tây Ban Nha, nhà sản xuất điện gió lớn nhất châu Âu, và H2 Green Steel của Thụy Điển đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 2,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo sản xuất nhiên liệu hydrogen sạch bằng cách điện phân. H2 Green Steel sẽ dùng “điện sạch” để sản xuất “thép xanh”.
Tăng trưởng mới chính là từ việc ứng dụng công nghệ mới do Iberdrola và H2 Green Steel tạo ra chứ không đâu khác. Họ tất nhiên tạo ra sản phẩm có chi phí cao hơn, nhưng các đối tác của họ chấp nhận, một phần vì cam kết môi trường của chính họ, một phần vì các ngân hàng và quỹ đầu tư của chính phủ sẽ vui lòng tài trợ cho những dự án tạo ra phát thải thấp.
Điều đó cho thấy chính phủ không thể đưa ra những lời kêu gọi suông về công nghệ xanh mà không có hành động, cụ thể là các chính sách và những gói hỗ trợ đầu tư vào hạ tầng xanh, công nghệ xanh trong nền kinh tế. Những gói hỗ trợ kinh tế hậu Covid-19 cần nhắm vào khu vực này. Chúng ta có thể huy động vốn từ nước ngoài thông qua phát hành các trái phiếu xanh với lãi suất thấp để kêu gọi nguồn vốn khổng lồ vừa được cam kết bởi các nhà tài trợ quốc tế chính sau Hội nghị COP26 ở Anh trong năm 2021.
Trí tuệ nhân tạo, blockchain, thế giới metaverse
Nếu như đầu tư xanh là một phần trong xu thế ESG (môi trường, xã hội và quản trị), thì phần còn lại cũng thu hút nhiều dòng vốn chính là việc đầu tư vào xu hướng công nghệ đã định hình trong năm 2021. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như xe tự lái, tự động hóa dựa trên học sâu (deep learning) tiếp tục tìm thấy các cơ hội ứng dụng trong nhiều ngành kinh doanh, bao gồm cả xây dựng.
Sự thiếu hụt của nhân lực trong ngành xây dựng ở nhiều nước do tác động của Covid-19 cũng như làn sóng nghỉ việc và về hưu tạo ra một khoảng trống nhân lực trong nhiều ngành lao động và bài toán thay thế bằng công nghệ tự động hóa đang được tính đến. Người lao động được giải phóng khỏi các công việc buồn chán, rủi ro cao chưa chắc là điều xấu. Công nghệ tự động hóa có thể đưa ra một phần lời giải cho bài toán do trào lưu đại nghỉ việc (Great Resignation) đang gây ra. Những công ty dẫn đầu trong công nghệ tự động hóa và khai thác dữ liệu cho máy học vẫn đang thu hút nhiều vốn đầu tư.
Không chỉ như vậy, những mảng phát triển mới của trí tuệ nhân tạo cũng đang tạo ra những công cụ thay thế một phần công việc cao cấp hơn như Github Copilot đang tạo ra một “con robot” biết viết phần mềm để hỗ trợ các lập trình viên. Tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ do các lập trình viên đã tải lên Github, robot của Github đã có thể viết được những đoạn chương trình giải quyết những vấn đề tầm trung bình hay những câu hỏi lập trình được dùng trong tuyển dụng của một vài công ty công nghệ. Tương lai của lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục mở rộng và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Bên cạnh những công nghệ được xem là “cứng” như vậy, cũng có những công nghệ hướng theo xu hướng tiêu dùng, từ vật chất tới nội dung, mà sự nổi lên của trào lưu web 3.0, các vật phẩm NFT do các công ty thời trang và vật dụng thể thao nổi tiếng như LV, Dolce & Gabbana, Nike phát hành, cho đến xu thế metaverse đang thu hút nhiều tiền đầu tư mạo hiểm.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm truyền thống như chuỗi quỹ thành viên của Sequoia Capital đã nộp hồ sơ thay đổi mô hình hoạt động để được tư vấn và nhận tiền đầu tư vào những lĩnh vực này. Thay vì đầu tư vào một startup hay công ty tư nhân truyền thống trong thế giới thực, họ đang đầu tư vào những startup trên metaverse, bán các vật phẩm độc nhất, đặc biệt, hay thậm chí là những thứ mà đa số cho rằng không đáng một xu ngày hôm trước, nhưng một ngày sau bán được hàng chục ngàn USD.
Metaverse không còn là nơi mà một vài dự án startup như Sandbox hay Decentraland tạo ra, mà đã thu hút những công ty niêm yết lớn ở Mỹ và Trung Quốc như Meta (Facebook trước đây), Nvidia, Microsoft, Autodesk và Baidu tham gia. Metaverse của Baidu với đồ họa và hình ảnh chiếm được cảm tình của người châu Á và những người yêu thích kiếm hiệp hay phim cổ trang Trung Quốc đang tạo ra một cảm giác mới mẻ, thay vì một thế giới do “dân Tây” thiết kế ra. Những thế giới này có thể tồn tại mà không cần công nghệ blockchain, nhưng chính công nghệ blockchain và những vật phẩm NFT dựa trên nền tảng của nó giúp cho việc trao đổi, mua bán và sở hữu vật phẩm trên thế giới metaverse trở nên dễ dàng và đa dạng hơn. Trong số vật phẩm đó có cả những khu đất NFT đang thu hút những nhà đầu tư bất động sản từ đời thực vào đầu tư trên đó.
Khi một thế giới metaverse song song mở ra cùng với thế giới thực, tiềm năng phát triển của thương mại điện tử cũng được nhân lên. Thay vì mua một đôi giày Nike trên Amazon, người dùng còn có thể bị “chiêu dụ” mua luôn một đôi NFT Nike trên metaverse hợp tác với Amazon. Chiến lược bán hàng song song ở 2 thế giới này đang được đề cập đến như một cách khiến người dùng sẽ tiếp tục mua sắm trên mạng và ngày một mua nhiều hơn. Sự phát triển của các giải pháp mua trước, trả sau (Buy Now Pay Later) càng hỗ trợ cho các xu thế này. Và khi doanh thu có thể tăng trưởng mạnh hơn, định giá các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ ngày càng lớn và vốn đầu tư vào lĩnh vực này vì vậy cũng tăng.
Mặc dù Trung Quốc đang gò ép các công ty công nghệ vào những khuôn khổ chặt chẽ hơn, cấm các đồng crypto, họ lại tỏ ra ủng hộ các dự án metaverse như Xirang của Baidu khi mà cơ quan ngôn luận Global Times của Trung Quốc thể hiện sự ủng hộ và chào đón dự án Xirang. Điều này là một vài tín hiệu đầu tiên cho thấy dù Trung Quốc không muốn chấp nhận các đồng crypto (bị xem là một dạng tiền thanh toán), họ có thể chấp nhận các loại tài sản mã hóa (crypto asset) như NFT và thế giới metaverse.
Đây có thể chỉ là những đồn đoán về chính sách, nhưng nó cũng đủ củng cố niềm tin cho các quỹ đầu tư triệu đô vào lĩnh vực NFT đang gọi vốn ở Mỹ, Anh và Canada gọi được thêm tiền. Ở đâu mà có nhiều tiền đổ vào lĩnh vực này như vậy? Đang có một sự chuyển giao tài sản vài ngàn tỷ USD từ nay tới năm 2050 từ thế hệ Baby Boombers sang thế hệ thiên niên kỷ (Millennials) và Gen Z. Có nhiều số liệu ước tính khác nhau của các ngân hàng đầu tư về con số mà thế hệ thiên niên kỷ sẽ nhận được qua thừa kế trong thập niên tới, dao động trong khoảng từ 24.000 đến 30.000 USD. Có ước tính còn lên đến 68.000 USD và đây là con số chỉ mới tính ở Mỹ mà thôi. Những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ hay Gen Z lại thích đầu tư vào các loại NFT.
(*)Giảng viên Đại học Bristol, Anh