Bài học từ biệt thự “chết”
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết, xét về mục đích, việc có chế tài cho các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng là rất cần thiết, nhằm chấn chỉnh và đưa thị trường vận hành theo đúng nguyên tắc của nó.
Vấn đề chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết với người mua nhà, cố tình “lách luật” bàn giao thô sau đó rất lâu mới hoàn thiện hạ tầng đã được đề cập rất nhiều trong những năm qua. Hệ quả của việc này là hình thành nên những căn biệt thự, khu đô thị “ma”.
Điển hình cho tình trạng này trong giai đoạn trước đây là các dự án như Khu đô thị Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Dự án Hanoi Garden City, Khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn (Hoài Đức, Hà Nội), Khu đô thị Lideco, Khu đô thị Quang Minh 1, Quang Minh 2 (huyện Mê Linh), Khu đô thị Dương Nội của Nam Cường…
Theo PGS-TS. Vũ Thị Minh, Trưởng Khoa Kinh tế và Bất động sản, Trường đại học Kinh tế quốc dân, con số gần 35% số biệt thự theo thống kê của cơ quan quản lý tại các dự án bị “bỏ hoang” là minh chứng sống cho điều này. Thậm chí, những căn hộ có giá cả tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang và trở thành không gian lý tương cho cỏ dại mọc um tùm, có biệt thự trở thành chỗ “an cư” của tệ nạn xã hội.
Lăn tăn với quy định mới
Đồng tình với việc cần sớm có chế tài để chấn chỉnh điều này, nhưng các chuyên gia luật và bất động sản lại không đồng tình với mức xử phạt mà Dự thảo đưa ra.
Theo ông Đức, Dự thảo Thông tư quy định phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản nếu giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành việc xây dựng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt; hoặc bàn giao khi chưa bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; hoặc bàn giao khi chưa hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài (đối với trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô) là quá thấp và gần như không có tính răn đe.
Một khi đã bỏ ra hàng trăm tỷ, thậm chí cả ngàn tỷ đồng để triển khai dự án, thì một vài trăm triệu để tránh bị “xăm soi” thực sự không đáng là bao.
“Nếu muốn làm đến nơi đến chốn, thì nên xem xét phạt dựa trên tỷ lệ giá trị của từng căn hộ và theo thời gian doanh nghiệp cố tình chây ỳ làm trái quy định. Như vậy mới có tính răn đe”, ông Đức cho biết.
Ở một góc nhìn khác, một chuyên gia bất động sản chia sẻ với phóng viên: “Việc thay đổi chế tài là một hướng đi đúng, nhưng tại sao lại chỉ cần hoàn thiện mặt ngoài, mà không hoàn thiện tổng thể rồi mới bàn giao”?
Theo vị chuyên gia này, cách đây 5 năm, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đã đề xuất, chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện mặt ngoài, còn bên trong ngôi nhà thì tuỳ chủ sở hữu quyết định. Chính quyền địa phương kiểm tra và xử phạt những chủ nhà để nhà không, đề ra thời hạn nhất định, bắt họ phải hoàn thiện. Nếu hết thời hạn mà chưa làm, thì thu hồi lại, đem đấu giá hoặc Nhà nước mua lại theo giá đã thẩm định để làm nhà ở công vụ, văn phòng...
Tuy nhiên, đó là lúc thị trường đang trong giai đoạn khủng hoảng, đề xuất đó nhằm giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, tạo điều kiện cho thị trường đi lên. Còn thời điểm bây giờ hoàn toàn khác và không thể áp dụng quy định giao nhà chỉ cần hoàn thiện mặt ngoài.
“Đành rằng việc bán nhà như thế nào là thỏa thuận dân sự giữa người mua và người bán. Có nhiều người cũng muốn chủ đầu tư hoàn thiện phần ngoài, còn phần trong mình làm theo ý thích mình. Nhưng thực tế những người đó chỉ là số ít, còn đa phần người mua nhà chí ít cũng muốn thấy cái nhà nó 'ra dáng cái nhà' và hệ thống giao thông, tiện ích, kết nối hạ tầng xã hội phải cơ bản đầy đủ. Và đương nhiên cũng phải thấy cả một vài ông bạn hàng xóm nào đó xung quanh”, vị chuyên gia này nói.
Theo kiến nghị của các chuyên gia, vấn đề xử lý đô thị hoang là rất quan trọng, nêu Dự thảo Thông tư cần phải sửa theo hướng chặt chẽ hơn, răn đe hơn. Còn nếu không thì cần xây dựng một cơ chế riêng để giải quyết vấn đề này sao cho hợp tình, hợp lý.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com