Từ mấy năm nay, Ngân hàng Nhà nước khổ sở vì tái cấu trúc ngành, trong khi ở các nước đó không phải là nhiệm vụ của ngân hàng trung ương mà là của Bộ Tài chính. Xử lý nợ xấu là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang được thực hiện quyết liệt, bước đầu đạt kết quả tốt, như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo trước Quốc hội: “Tạo ra được tiền đề để hiện đại hóa hệ thống ngân hàng”. Chúng ta đã nhìn thấy những chuyển biến về thanh khoản, vốn, chất lượng tài sản, quản trị của các ngân hàng Việt Nam.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Song, để hiện đại hóa được hệ thống ngân hàng, sẽ tiếp tục phải xử lý nợ xấu, củng cố thanh khoản, nâng cao năng lực cạnh tranh với khu vực và quốc tế, đưa ngành ngân hàng trở thành trụ cột tài chính của nền kinh tế. Các ngân hàng phải thay đổi để tuân theo chuẩn mực quản trị rủi ro của OECD, quản lý rủi ro của Basel 2 (trong khi thế giới đã áp dụng Basel 3), không chỉ củng cố vốn cấp 1, vốn cấp 2 mà ngân hàng còn phải có đệm tài chính. Khi khủng hoảng xảy ra, còn vùng đệm này để bảo vệ ngân hàng.
Chuẩn mực thế giới còn đòi hỏi cao về HĐQT ngân hàng. Họ là ai, có đủ phẩm chất và kinh nghiệm để đảm đương công việc hay không? Phiên họp HĐQT cũng được quy định rất rõ, tài liệu đưa ra phải đảm bảo minh bạch, báo cáo HĐQT phải được công bố thường xuyên, đảm bảo tính công khai minh bạch, cổ đông nhỏ phải được bảo vệ.
Muốn hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, Việt Nam phải xử lý được vấn đề sở hữu chéo trong ngành. Cổ đông lớn nhất trong ngân hàng không được sở hữu quá 5% cổ phần, những cái đó chúng ta chưa xử lý rốt ráo được, bởi ông chủ nhiều ngân hàng vẫn có nhiều người đứng tên hộ.
Chúng ta phải đảm bảo nguồn tiền được góp vốn vào ngân hàng là tiền sạch, ở nhiều nước thậm chí họ còn điều tra nguồn gốc tiền góp vốn vào nhà băng từ 3 đời. Làm gì có chuyện ông chủ nhà băng vay vốn của dân, góp vốn vào nhà băng này và nhà băng khác. Có những ngân hàng năm 2005 vốn mới có 5-7 tỷ đồng, đến 2010 đã là 3.000 tỷ đồng. Có những ông chủ làm hợp đồng vay vốn của ngân hàng khác về mua cổ phiếu, sau đó lấy cổ phiếu đó để thế chấp vay lại tiền ngân hàng. Rắc rối, bùng nhùng cũng từ đó mà ra.
Một điểm nữa là chất lượng tài sản, hiện nay, chúng ta thấy nhiều nhà băng mới tuân thủ theo chuẩn mực tài chính Việt Nam, còn chuẩn mực kế toán quốc tế yêu cầu các tài sản nắm giữ như chứng khoán phải được đánh giá lại. Chẳng hạn, ngân hàng mua cổ phiếu giá 20 đồng giờ giá trị chỉ còn 10 đồng thì không thể hạch toán vào sổ sách vẫn là 20 đồng.
Liên quan đến quản trị rủi ro, HĐQT phải giám sát được rủi ro phát sinh hàng ngày cộng vào rủi ro của hệ thống, để từ đó cân đong đo đếm, xử lý cho phù hợp. Hiện nay, chúng ta vẫn có tình trạng trong cùng ngân hàng, một ông bảo rủi ro nhưng ông kia bảo không, vậy là mọi việc để đó. Muốn quản trị được rủi ro, ngân hàng phải xếp hạng được tín nhiệm doanh nghiệp, căn cứ vào đó để ra quyết định cho vay.
Tôi nhớ có lần chúng tôi tham gia cùng Ngân hàng Công thương Ba Đình thực hiện thí điểm việc xếp hạng tín nhiệm khách hàng, kết quả là phần lớn ở mức CCC, các DN liền chạy sang Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy là Ngân hàng Công thương mất khách, phải bỏ việc xếp hạng. Câu chuyện đó cũng cho thấy, muốn thực hiện việc xếp hạng tín nhiệm khách hàng, nâng cao chất lượng quản trị rủi ro cho ngân hàng, cần phải có tiêu chuẩn chung về xếp hạng tín nhiệm trong ngành và áp dụng đồng nhất giữa các ngân hàng.
Gần đây, có một động thái đáng khích lệ từ phía Ngân hàng Nhà nước, đó là đưa những ông chủ không đủ điều kiện, phẩm chất ra khỏi hệ thống tài chính một cách vĩnh viễn. Bằng cách này, ngân hàng trung ương không mất công truy xét sẽ xác định được những ai đứng tên hộ, những ai là chủ cổ phần thực sự của các ngân hàng, để xử lý tình trạng sở hữu chéo. Việc này NHNN cần kiên quyết thực hiện tiếp, vì theo chúng tôi, đó là động thái khôn ngoan, tránh tác động lớn đến hoạt động cả hệ thống, mà vẫn xử lý được những người đã có vi phạm.