Xử lý nợ xấu, trước hết phải "xử lý" niềm tin

(ĐTCK) Keith Pogson, Tổng giám đốc điều hành dịch vụ tài chính ngân hàng Ernst & Young, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra những gợi ý cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng ở Việt Nam.
Xử lý nợ xấu, trước hết phải "xử lý" niềm tin

Tiếp nối bài viết về kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng của Trung Quốc đã được đăng trong số trước, ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn ông Keith Pogson, Tổng giám đốc điều hành dịch vụ tài chính ngân hàng Ernst & Young Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từng tham gia tư vấn và làm việc với các cơ quan quản lý của Chính phủ Trung Quốc trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Ông Keith đã đưa ra những gợi ý chính để quá trình tái cấu trúc ở Việt Nam thành công. Hồng Dung thực hiện.

 

Một trong những khó khăn trong quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam là xử lý nợ xấu, nợ dưới chuẩn. Ông có thể chia sẻ đôi chút kinh nghiệm về vấn đề này?

Khó khăn lớn nhất trong việc xử lý nợ xấu, nợ dưới chuẩn là luật pháp của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đều không cho phép bán tài sản quốc gia dưới mức giá trị sổ sách, nên rất khó có thể đàm phán để mua lại các khoản nợ xấu dưới giá trị.

Tôi cũng đã có kinh nghiệm tham gia tư vấn và làm việc cùng với các cơ quan quản lý của Trung Quốc để giải quyết các khoản nợ xấu, nợ dưới chuẩn trong giai đoạn khủng hoảng 1999 - 2001.

Trong quá trình này, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp như: Thứ nhất, thành lập những ngân hàng chuyên xử lý nợ xấu, nợ dưới chuẩn; Thứ hai, thành lập các tổ chức với những quyền đặc biệt, không chịu sự áp dụng chung của quy định luật pháp, để có thể xử lý những khoản nợ xấu, nợ dưới chuẩn, đại diện cho các ngân hàng liên quan cũng như là lợi ích hợp pháp của quốc gia.

Điều này rất quan trọng vì các ngân hàng có những khoản nợ xấu, nợ dưới chuẩn luôn lo lắng và tập trung sức lực để giải quyết các khoản nợ xấu thay vì tập trung vào mục tiêu tăng trưởng của ngân hàng và có lợi cho nền kinh tế.

 

Vậy, vấn đề nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam có điểm gì cần phải lưu tâm?

Việc giải quyết các khoản nợ xấu, nợ dưới chuẩn ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác đều rất phức tạp và khó khăn, vì đây thực chất là các cuộc thảo luận, đàm phán giữa con người với nhau, và khi họ bị đưa ra sức ép “sống hay chết” thì vấn đề càng trở nên phức tạp.

Thực ra, đối với các khoản nợ xấu, nợ dưới chuẩn cũng chỉ có hai vấn đề: thu hồi được hay không thu hồi được vốn. Tuy nhiên, muốn xử lý nợ xấu, việc đầu tiên là cần phải phân loại để xác định xem những khoản nợ nào được xem là nợ xấu, nợ dưới chuẩn. Về vấn đề này, có chính phủ lựa chọn cách tiếp cận tương đối thận trọng, phân rất nhiều nhóm nợ vào nợ xấu, nợ dưới chuẩn; có chính phủ bớt thận trọng hơn với hy vọng các khoản nợ này sẽ được cải thiện thì họ sẽ xếp ít nợ vào nhóm này.

Theo tôi, vấn đề cốt lõi ở đây là phải có được niềm tin của công chúng, niềm tin của thị trường vào hệ thống ngân hàng. Do đó, quan điểm của tôi là nên thận trọng.

 

Hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại nợ của Việt Nam vẫn chưa theo chuẩn quốc tế và nếu theo thì nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam còn cao hơn nhiều?

Nhiều người nghĩ rằng, nên áp dụng một tiêu chuẩn thống nhất về phân loại nợ, nhưng vấn đề là… Việt Nam khác Đức rất nhiều. Việt Nam có một hệ thống pháp lý, kinh tế, ngân hàng, con người và văn hóa rất khác. Điều đó dẫn đến các loại nợ, khoản vay ở Việt Nam không thể nào giống như ở các quốc gia khác được.

Khi phân loại nợ, ở nhiều nước, chỉ trả lời câu hỏi như khoản nợ này đã được thu hồi trong vòng 30 hay 90 ngày hay chưa, chứ không đặt vấn đề tài sản đảm bảo. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam, giống Trung Quốc, khi cho vay đều yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo.

Cho nên ở Việt Nam, nếu áp dụng chuẩn quốc tế trong việc phân loại nợ thì có thể rất nhiều nhóm nợ sẽ bị đưa vào nợ xấu, nợ dưới chuẩn, nhưng tỷ lệ thu hồi khá cao vì tài sản đảm bảo cũng khá tốt. Do đó, vấn đề không phải là cách phân loại nợ, mà là cách xử lý các khoản nợ xấu, nợ dưới chuẩn.

Ví dụ, tôi cho vay để xây dựng một trung tâm mua sắm, trung tâm đó đã xây gần xong nhưng họ không trả được lãi suất vay. Trong trường hợp này, tôi chỉ có thể giải quyết nợ xấu bằng cách đòi lại hết tiền, nhưng tài sản ở đây là một trung tâm mua sắm đã xây gần xong, chỉ cần đầu tư thêm một chút thì sẽ có khoản sinh lời tuyệt vời, còn không thì chỉ có toàn đất và bê-tông, chẳng để làm gì.

Nếu ở Úc hay Đức thì có thể ngân hàng sẽ cho vay thêm để xây xong hẳn, đưa vào hoạt động. Khi đó, tất cả đều thoải mái, bên vay cũng có nguồn thu để trả nợ. Còn ở Việt Nam, pháp luật hiện hành lại không cho phép như vậy.

Tôi cho rằng, về vấn đề này, cần phải hết sức linh hoạt, nếu không, nhiều trường hợp, giá trị của các tài sản đảm bảo qua thời gian sẽ giảm xuống, khiến các khoản nợ này càng trở nên xấu hơn.

Ở các thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam thì đây là một hiện tượng rất thú vị. Có thể các khoản nợ bị coi là xấu, là dưới chuẩn trong một thời điểm nào đấy, nhưng khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thì các tài sản đó lại trở thành các tài sản rất giá trị, sinh lời tốt.

 

Ông có gợi ý gì trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Có thể bán các khoản nợ xấu đó cho các ngân hàng đầu tư, họ sẽ biết phải làm gì và định giá nó như thế nào, đưa khoản nợ đó ra đấu giá để thị trường tự xác lập mức giá phù hợp. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, họ chuyển tất cả những khoản nợ xấu, nợ dưới chuẩn cho các công ty quản lý tài sản.

Người ta thường nghĩ rằng, các công ty này chỉ toàn quản lý những tài sản rất xấu, nhưng không phải vậy, vì những khoản nợ xấu này 10 năm trước có thể rất xấu nhưng bây giờ có thể sinh lời rất tốt và những công ty này rất dồi dào về tài chính và thậm chí họ còn muốn niêm yết nữa.

Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở bất kỳ quốc gia nào đều rất khó khăn, phức tạp và phải có thời gian. Chính phủ cũng như NHNN Việt Nam cần tạo ra được môi trường thuận lợi, trong đó chú ý đến các vấn đề: tăng trưởng tín dụng, sự ổn định của thị trường ngoại hối và tỷ giá, kiểm soát lạm phát hiệu quả cũng như quản lý được rủi ro của quá trình này.

Hồng Dung thực hiện
Hồng Dung thực hiện

Tin cùng chuyên mục