Xử lý nợ xấu trái phiếu, quá khó!

(ĐTCK) Làn sóng rầm rộ đầu tư vào trái phiếu DN của nhiều ngân hàng đang để lại nhiều ám ảnh về nợ xấu cho các đơn vị này, khi các DN phát hành trái phiếu làm ăn thất bát. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC xung quanh việc làm thế nào để xử lý những khoản nợ này.
Luật sư Trương Thanh Đức. Luật sư Trương Thanh Đức.

Thưa ông, cho dù Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã đi vào hoạt động, các khoản nợ xấu vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng. Ồng nhìn nhận lượng nợ xấu xuất phát từ các khoản đầu tư vào trái phiếu DN ra sao?

Đến nay, tôi chưa thấy một thống kê hay số liệu nào về dư nợ xuất phát từ đầu tư trái phiếu DN của toàn ngành ngân hàng được công bố. Chỉ biết là trong thời kỳ cao điểm về đầu tư trái phiếu DN, một số ngân hàng có dư nợ từ trái phiếu DN chiếm tới trên dưới 40% tổng dư nợ. Từ đó có thể thấy lượng nợ xấu xuất phát trái phiếu DN không ít.

 

Theo quan điểm cá nhân ông, trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư trái phiếu DN có những rủi ro ra sao?

Khi cho vay theo các gói tín dụng thông thường, các ngân hàng thường thu hồi nợ gốc và lãi theo định kỳ hàng tháng hoặc quý, do vậy cũng kiểm soát việc sử dụng vốn chặt chẽ, thường xuyên hơn và các DN cũng dễ dàng trả nợ từng khoản nhỏ hơn. Trong khi đó, nợ lãi trái phiếu thì thường trả theo năm và nợ gốc thì trả vào cuối thời hạn, do vậy rủi ro khả năng thu hồi vốn cao hơn, vì dồn nghĩa vụ trả nợ lớn vào một thời điểm. Ngoài ra, rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, quá hạn trả nợ, nợ xấu, mất vốn… cao tương tự như với hoạt động cho vay, thậm chí còn cao hơn.

Khi DN không trả được nợ gốc và lãi cho các khoản vay tín dụng, thì việc xử lý trái phiếu càng đau đầu hơn. Khi nhận khoản vay mà tài sản bảo đảm là cổ phiếu thì đã khó cho ngân hàng xử lý khi khách hàng không trả được nợ, nhưng dù sao so với trái phiếu vẫn dễ mua, dễ bán hơn. Trái phiếu DN khó trao đổi, khó mua, khó bán, bởi vì mua bán trái phiếu không khác gì mua bán nợ. Mà khi mua bán nợ phải dựa vào tình hình công ty, dựa vào tài sản bảo đảm, nhưng với trái phiếu thì hầu hết không có tài sản hoặc là tài sản không đảm bảo. Nói chung, đã đến tình trạng không trả được nợ thì khả năng trả nợ, sức khỏe, tình hình tài chính DN rất tồi tệ và khoản nợ rất khó bán.

 

Vậy thực tế ngân hàng xử lý ra sao với các khoản đầu tư trái phiếu quá hạn mà DN không trả được nợ?

Vẫn là đảo nợ, gia hạn nợ, điều chỉnh hạn nợ, một số ngân hàng đành phải chấp nhận chuyển thành vốn góp, vốn điều lệ hoặc chuyển thành khoản đầu tư hợp tác kinh doanh, tiếp tục theo đuổi mạch dự án cũ, DN có đất, có giấy phép, ngân hàng kiên trì thêm vài năm, hy vọng sau này DN phát hành trái phiếu có cơ hội phục hồi thì xử lý sau. Sự dồn nén này đem lại rủi ro rất cao.

Về nguyên lý, khoản vay thì được gia hạn nợ, còn trái phiếu thì không. Tuy nhiên, trong các quy định về phát hành trái phiếu, không nói rõ là được gia hạn nhưng cũng không cấm, vì vậy các ngân hàng mặc nhiên thừa nhận không cấm thì vẫn được làm.

 

Đầu tư trái phiếu có nhiều rủi ro hơn so với cấp tín dụng, vậy tại sao ngân hàng lại lựa chọn hình thức tài trợ này?

Nguyên nhân là quy định hoạt động ngân hàng đầu tư vào trái phiếu của DN đã bị bỏ ngỏ trong nhiều năm. Do đó, đã xảy ra tình trạng rất phổ biến là mua trái phiếu để né quy định về điều kiện và giới hạn cho vay. Trong khi việc cấp tín dụng có nhiều quy định ngặt nghèo về điều kiện, giới hạn cho vay, thẩm định hồ sơ, phê duyệt… thì mua trái phiếu không có những ràng buộc đó, dư nợ từ đầu tư trái phiếu không được tính vào tổng dư nợ cấp tín dụng cho đến khi Thông tư 28/2011/TT-NHNN ra đời. Do đó, trong rất nhiều trường hợp, các ngân hàng đều đầu tư trái phiếu thay vì cấp tín dụng và điều này dẫn đến tình trạng là dư nợ từ đầu tư trái phiếu DN của nhiều ngân hàng có thể lên tới vài chục phần trăm.

 

Vậy việc kiểm soát đầu tư trái phiếu hiện giờ ra sao?

Tháng 9/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 28/2011/TT-NHNN “Quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu DN”, quy định tổng mức đầu tư vào trái phiếu do khách hàng phát hành phải được tính vào mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng. Do đó, hoạt động đầu tư trái phiếu của DN được quản lý khá chặt chẽ, thậm chí còn chặt hơn cả việc cho vay.

Cụ thể, ngân hàng mua trái phiếu DN phải có Hệ thống và thực hiện xếp hạng tín dụng nội bộ, trong đó có xếp hạng tín dụng đối với DN phát hành trái phiếu, đồng thời phải ban hành Quy định về mua trái phiếu DN, trong đó có nội dung: Quy trình, thủ tục thẩm định và quyết định mua trái phiếu; trách nhiệm và thẩm quyền của cá nhân, đơn vị trong việc xét duyệt, quyết định mua trái phiếu; các loại và đặc điểm trái phiếu được tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài mua; điều kiện của trái phiếu DN mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua; các chính sách và giới hạn quản lý tín dụng, hệ thống đo lường và quản trị rủi ro, biện pháp và quy trình xử lý rủi ro; thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh; kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu.

Có lẽ chỉ còn thiếu mỗi việc vi phạm trong hoạt động này sẽ không bị xử tội như hoạt động cho vay, vì Điều 179, Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định về “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

 

Với những điều kiện như vậy, hoạt động đầu tư trái phiếu DN chắc chắn sẽ bị hạn chế?

Trước đây, ngân hàng đầu tư trái phiếu là một biện pháp kỹ thuật, có lợi thì cứ làm chứ không phải là vì thị trường hay là vì DN muốn phát hành. Giờ đây, khi trái phiếu vẫn bị tính vào tổng dư nợ thì ngân hàng sẽ ít quan tâm hơn, nếu có cũng được kiểm soát cẩn trọng, hoặc thực hiện theo những mối quan hệ đặc biệt.

Hoàng Duy thực hiện.
Hoàng Duy thực hiện.

Tin cùng chuyên mục