Theo đó, sẽ sử dụng ngân sách để xử lý một phần nợ xấu, nhưng đổi lại, ngân hàng phải chấp nhận bán nợ xấu theo giá thị trường. Một khoản nợ trên sổ sách của ngân hàng là 100 đồng, nhưng giá thị trường hiện chỉ còn 20 đồng, thì ngân hàng cũng cần phải dứt khoát bán và chịu lỗ 80 đồng. Báo Đầu tư Chứng khoán nghi nhận một số ý kiến về nội dung này.
"Không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu"
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Quan điểm của tôi đưa ra trước đây và hiện nay cũng vậy là không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, bởi chúng ta còn cần tiền dành cho nhiều việc khác.
Mặt khác, hiện ngân sách nhà nước đang bội chi thì lấy đâu ra để xử lý nợ xấu, vì vậy, đem vấn đề này ra mổ xẻ trong lúc này là không khả thi. Vả lại, so với thời điểm cách đây khoảng 2-3 năm thì thực trạng nợ xấu của ngành ngân hàng hiện nay đã khác, giảm xuống đáng kể. Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đã được kiểm soát dưới 3% và có tăng lên cũng chỉ ở một số ngân hàng.
Tất nhiên, chúng ta đều mong muốn nợ xấu được xử lý nhanh và triệt để, nhưng cần hiểu rằng, nếu Việt Nam chưa có thị trường mua - bán nợ thì chưa thể kỳ vọng xử lý nợ xấu được một cách triệt để.
Điều quan trọng cần làm trước hết đó chính là gỡ khó trong khâu phát mãi tài sản đảm bảo và hình thành thị trường mua - bán nợ thì mới có thể xử lý triệt để được nợ xấu, chứ không thể bàn tính tới việc dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Kinh tế vẫn chưa hết khó khăn, nợ công tăng nhanh, mà còn dùng ngân sách xử lý nợ xấu thì tôi e không phù hợp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhìn chung, tình hình đòi hỏi cần có những giải pháp hỗ trợ lớn hơn từ Chính phủ, chứ không phải chỉ là việc riêng của ngành ngân hàng, của riêng các ngân hàng.
"Muốn xử lý được nợ xấu đều phải bỏ tiền ra"
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam
Đối với nợ xấu, không có một giải pháp nào thành công nếu không tốn một đồng chi phí nào. Về lịch sử ở các nước trên thế giới muốn xử lý được nợ xấu đều phải bỏ tiền ra. Nguồn tiền này có thể từ ngân sách hoặc từ các nhà đầu tư. Trong đó, ngân sách sẽ phải tham gia một phần nào đó, vì các nhà đầu tư vào để mua lại nợ xấu và tái cơ cấu cũng luôn thận trọng với rủi ro và muốn được đảm bảo quyền lợi.
Trên thực tế, vào giai đoạn 2008 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra đối với thị trường Mỹ và hệ thống ngân hàng của quốc gia này, Chính phủ Mỹ cũng đã có những cam kết mạnh mẽ mới thu hút được các nhà đầu vào lĩnh vực này để vực dậy nền kinh tế.
"Cần phải dùng đến tiền ngân sách để xử lý"
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính, ngân hàng
Nợ xấu đang cầm “chân” không chỉ với tín dụng khó, mà toàn bộ hệ thống ngân hàng. Nợ xấu khó có thể giải quyết được một cách triệt để là do chúng ta còn chần chừ.
Ngân hàng cho vay chần chừ, người đi vay lo ngại và bản thân Chính phủ cũng còn chần chừ trong việc giải quyết nợ xấu khi không rót tiền từ ngân sách để xử lý.
Trong khi đó, ở các quốc gia trên thế giới, khi muốn giải quyết một cách triệt để và nhanh chóng vấn đề nợ xấu cũng phải cần cứu hộ từ nguồn vốn ngân sách Chính phủ. Còn để các ngân hàng tự xử lý thì thời gian qua chúng ta cũng đã thấy được sự nỗ lực từ phía ngân hàng khi gia tăng trích lập dự phòng. Tuy nhiên, nếu để các ngân hàng tự lực thì sẽ khó có thể giải quyết được triệt để nợ xấu, mà cần phải có bóng dáng hỗ trợ của Chính phủ. Vì nếu nợ xấu tất cả được bày ra trên mặt bàn là vấn đề rất lớn và để giải quyết được cần có sự hy sinh. Do đó, nếu chỉ giải quyết kiểu đến đâu hay đến đó thì việc giải quyết nợ xấu sẽ kéo dài hàng nhiều năm nữa và tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế và người dân. Nợ xấu với một quy mô lớn như hiện nay cần phải dùng đến tiền ngân sách để xử lý.
Tuy nhiên, nếu dùng tiền ngân sách cũng chỉ ở một mức độ nào đó, chứ không phải là bỏ ra tất cả để mua nợ xấu. Khi Chính phủ mua nợ xấu không thể mua lại với giá 100%, mà phải có sự chiết khấu xuống mức thấp. Các ngân hàng phải chịu lỗ trung bình là 50% đối với các khoản nợ xấu này. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài chưa được phép mua nợ xấu vì Việt Nam chưa có thị trường mua - bán nợ. Như vậy, người có khả năng mua được khoản nợ xấu này chỉ có Chính phủ.
Cần hiểu rằng, việc bỏ tiền ngân sách chưa hẳn là mất trắng, mà chỉ bằng cách là giúp ngân hàng giải quyết khó khăn về nợ xấu trước mắt, sau đó có thể bán nợ cho các đối tác khác, hay để thu hồi nợ có thể bán những tài sản đảm bảo để thu hồi số tiền đã bỏ ra...