Ông đánh giá thế nào về kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong nửa cuối năm 2016, thưa ông?
Năm 2015 là năm tích cực đối với kinh tế Việt Nam, nhưng lo lắng đã xuất hiện sau 6 tháng đầu năm 2016 khi tăng trưởng GDP chậm lại, mới mức tăng chỉ 5,5%. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vào nửa cuối năm. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra cho năm nay là tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước, nhất là với khối tư nhân, nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Song, bước đầu, đây mới chỉ là mục tiêu “mềm”, trong khi Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra cho năm 2016 là 6,7%. Điều này sẽ tạo áp lực lên các bộ, ngành. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong năm nay và nếu giải quyết được các khó khăn, khả năng đạt được mục tiêu trên là không khó.
TS. Nguyễn Xuân Thành
Còn về chính sách tài khóa, tiền tệ thì ra sao?
Năm 2016, chính sách tài khóa, tiền tệ tiếp tục được giữ ổn định, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục giữ được sự ổn định của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Chính điều này đã tác động tích cực lên lãi suất tiền đồng.
Năm nay, lãi suất tiền đồng khá ổn định. Một phần, do tỷ giá được kiểm soát, đồng thời Việt Nam thu hút được nguồn ngoại tệ lớn từ nước ngoài, khoảng 10 tỷ USD, để tăng dự trữ ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra cơ chế điều hành tỷ giá theo tỷ giá trung tâm. Mặc dù đây không phải là cơ chế mới, nhưng có thể nói đã tác động tích cực lên dòng vốn FII.
Mặt khác, việc NHNN điều tiết một cách hợp lý lượng tiền lưu hành trên thị trường, nên lãi suất tiền đồng khó biến động theo chiều hướng tăng. Lãi suất liên ngân hàng cũng giảm ở mức thấp. Tuy nhiên, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng vẫn còn ở phía trước. Cụ thể, trong ngắn hạn, đó là vấn đề nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu mặc dù đã được kéo về 3% vào cuối năm 2015, nhưng không thể phủ nhận, con số nợ xấu thực tế cao hơn mức này.
Tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu chính thức của ngành ngân hàng là 5,6 tỷ USD, trong đó có khoảng 250.000 tỷ đồng nợ xấu đã được “chuyển” qua cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC (VAMC mua lại nợ xấu từ các ngân hàng). Tuy nhiên, đầu ra của VAMC rất hạn chế và giải pháp bán nợ xấu theo cơ chế thị trường cũng chưa thể đẩy mạnh. Thực chất, việc bán nợ xấu cho VAMC chỉ là “chiêu” để làm sạch sổ sách tạm thời, cũng như giúp các ngân hàng kéo dài thời gian trong xử lý nợ xấu. Nếu sau 5 năm các khoản nợ xấu này không được xử lý triệt để, các ngân hàng sẽ phải thu về.
Khi nợ xấu chưa thể kỳ vọng xử lý nhanh, yêu cầu trước hết đối với các ngân hàng là dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Liệu điều này có thể kéo dài, thưa ông?
Nhìn chung, lợi nhuận của các ngân hàng chưa được cải thiện nhiều trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016. Trong khi đó, lợi nhuận làm ra chủ yếu được các ngân hàng dành để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, nên kết quả đạt được sau trích lập thấp. Vấn đề nợ xấu hiện nay là của toàn nền kinh tế, chứ không phải chỉ riêng ngành ngân hàng. Có thể khẳng định, sẽ không có khủng hoảng tài chính với tình hình hình nợ xấu như hiện nay, nhưng các ngân hàng cũng ít có khả năng và nguồn lực để đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Vì thế, nếu không có sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính công, sẽ rất khó khăn trong xử lý nợ xấu.
Nói vậy, theo ông, cần ngân sách nhà nước để xử lý được nợ xấu?
Hiện đã có đề xuất về việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, nhưng không nhận được sự đồng tình, trong khi Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này. Các khoản nợ xấu ngân hàng bán cho VAMC thực chất vẫn nằm trong ngân hàng. Vì vậy, nếu không được đẩy mạnh xử lý ngay từ bây giờ, tình hình sẽ rất khó khăn sau 5 năm nữa.
Trên thực tế, Chính phủ đã dùng tiền để mua lại một số ngân hàng yếu kém, có nợ xấu tăng cao và không thể tái cơ cấu bằng nội lực, với giá “0 đồng” (CB, OceanBank, GBank) để chuyển đổi từ ngân hàng cổ phần thành ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Tôi cho rằng, vấn đề nợ xấu cần được rốt ráo giải quyết và Chính phủ đang dùng các nguồn lực để xử lý nợ xấu, trong đó bao gồm cả việc dùng ngân sách.
Phương án dùng ngân sách để xử lý nợ xấu liệu có khả thi trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang thâm hụt? Có thể dùng nguồn nào khác để giải quyết, thưa ông?
Tất nhiên, dùng ngân sách để xử lý nợ xấu cũng cần được tính toán một cách hợp lý. Chính phủ có thể bán lại các ngân hàng “0 đồng” cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó chuyển đổi mô hình hoạt động của các ngân hàng này, từ ngân hàng 100% vốn nhà nước sang ngân hàng cổ phần. Đồng thời, Nhà nước có thể dùng nguồn tiền từ việc thoái vốn của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, cũng như từ quá trình cổ phần hóa. Tôi cho rằng, có như vậy tiến độ xử lý nợ xấu mới có thể kỳ vọng dứt điểm, thay vì tiếp tục kéo dài và khó có hướng ra tích cực như hiện nay.
Tiến trình xử lý nợ xấu chậm, trong khi nợ xấu ở nhiều ngân hàng có dấu hiệu tăng lên. Điều này có đáng lo ngại đối với ngành ngân hàng và nền kinh tế?
Vấn đề nợ xấu không phải đến thời điểm này mới bắt đầu gây lo ngại, mà đã xuất hiện từ trước. Con số nợ xấu thực tế của ngành ngân hàng cao hơn so với mức công bố. Đồng thời, khi VAMC không đẩy mạnh mua nợ xấu như trước, thì tỷ lệ nợ xấu ắt sẽ tăng lên ở các ngân hàng. Mặc dù các ngân hàng đã nỗ lực, nhưng không dễ đẩy mạnh việc xử lý, vì những khó khăn nhất định từ thị trường, cũng như chính sách phát mãi tài sản còn nhiều rào cản trong việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng.
Ngoài vấn đề nợ xấu khó đẩy mạnh xử lý, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam còn những gì, thưa ông?
Bên cạnh nợ xấu, thách thức đối với nền kinh tế còn là vấn đề thâm hụt về ngân sách ngày càng cao, thâm hụt tài khóa luôn cao hơn so với mục tiêu đề ra. Nợ công của Việt Nam gia tăng, trong khi việc phát hành trái phiếu chính phủ đã gần chạm trần. Nợ công là rủi ro lớn, vì vậy chúng ta cần phải giảm tỷ lệ nợ công xuống mức thấp. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này là không dễ, do đó, chỉ còn một cách là thắt chặt chi tiêu công. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong năm nay, nhưng nếu chúng ta giải quyết được các thách thức trên, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo.