Xử lý nợ xấu cần thêm giải pháp đồng bộ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại buổi tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư vừa tổ chức, bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank cho rằng, nguy cơ về nợ xấu, nợ quá hạn tăng vẫn là bài toán khó đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), nên cần thêm những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn để xử lý.
Việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn nhiều vướng mắc. Ảnh: Dũng Minh Việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn nhiều vướng mắc. Ảnh: Dũng Minh

Nghị quyết 42/QH14 về xử lý nợ xấu sẽ hết thời gian thí điểm vào ngày 15/8/2022, bà có thể chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi triển khai nghị quyết này tại LienVietPostBank?

Quá trình triển khai Nghị quyết 42 tại Ngân hàng bên cạnh cho thấy hiệu quả tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, tác động tới ý thức trả nợ của người vay..., thì còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.

Một là, chưa có quy định cụ thể về vai trò, hình thức, phương thức phối hợp giữa các cơ quan chức năng, địa phương liên quan với TCTD. Ví dụ, khi thực hiện thu giữ/xử lý tài sản bảo đảm, vai trò của chính quyền địa phương (ủy ban các cấp, công an địa phương...) trong việc hỗ trợ hoặc phối hợp với các TCTD chưa được định hình rõ ràng, hay như một số trường hợp mặc dù TCTD thu giữ tài sản đúng theo quy định pháp luật, đã đấu giá/tìm được người mua, nhưng chủ tài sản gửi đơn yêu cầu ngăn chặn giao dịch thì giao dịch vẫn bị phong tỏa…

Hai là, chưa có các văn bản hướng dẫn ở cấp độ chi tiết hơn, đồng bộ và có tính kết nối giữa các nội dung quy định tại Nghị quyết 42, chẳng hạn thiếu hướng dẫn về phương án xử lý tố tụng theo hướng rút gọn, dẫn tới khó khăn trong quá trình triển khai.

Ba là, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo do còn phụ thuộc rất lớn vào bên bảo đảm, cụ thể là trường hợp TCTD đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, mất nhiều thời gian để tiến hành thu giữ, nhưng không thành công thì phải chuyển sang biện pháp khởi kiện, dẫn tới khó xử lý dứt điểm khoản nợ.

Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank

Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank

Thậm chí, tài sản đảm bảo dù đã thu giữ thành công, nhưng chủ tài sản ngụy tạo lý do tranh chấp và khởi kiện thì tòa án vẫn thụ lý thành một vụ kiện độc lập và TCTD phải chờ kết luận của vụ việc. Bên cạnh đó là thiếu quy định về việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng của vụ việc hành chính cho TCTD (như xe vi phạm luật giao thông), khiến việc xử lý bị kéo dài.

Thực tế cho thấy, các cơ quan địa phương dù đã nỗ lực, song vẫn chưa quyết liệt và thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong công tác hỗ trợ TCTD thu giữ tài sản bảo đảm. Đó là chưa kể việc thiếu hệ thống thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm trong ngành tòa án và thi hành án, dẫn đến khó xác định các tài sản đang nằm trong diện tranh chấp hay không.

Bốn là, khó khăn trong công tác định giá, thẩm định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo, thiếu hướng dẫn đồng bộ về cơ sở xác định giá trị khoản nợ và tài sản đảm bảo.

Năm là, việc mua bán nợ xấu vẫn chủ yếu diễn ra giữa các TCTD và 2 đơn vị mua nợ là VAMC và DATC, mà thiếu đi thị trường thứ cấp, nên Ngân hàng thiếu chủ động trong công tác xử lý nợ.

Sáu là, các giải pháp quy định tại Nghị quyết 42 chủ yếu áp dụng với các khoản nợ phát sinh trước thời điểm 1/8/2017, trong khi nợ xấu là vấn đề hiện hữu thường xuyên của hoạt động ngân hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh dự báo còn kéo dài và ảnh hưởng tới nền kinh tế, nguy cơ về nợ xấu, nợ quá hạn sẽ tiếp tục là bài toán khó khăn đối với các TCTD.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khác cũng đề cập tới câu chuyện quy trình tố tụng, thi hành án hiện hành còn kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu về hiệu quả thu hồi nợ của các TCTD nên cần luật hóa Nghị quyết 42 cho đến khi tòa giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng…?

Đúng là như vậy và ở đây, tôi muốn nhấn mạnh vào câu chuyện thủ tục rút gọn tại tòa án. Hiện nay, tòa án còn hạn chế xử lý khoản nợ theo thủ tục rút gọn do việc xác nhận công nợ giữa TCTD với khách hàng nợ xấu gặp không ít khó khăn (khách hàng không hợp tác ký biên bản, không có mặt tại địa phương…). Các tài liệu chứng minh về nơi cư trú của người bị kiện, khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với TCTD để xử lý, nên việc xác nhận này rất khó thực hiện.

Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, bởi khi có văn bản luật riêng, quy định về xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, đồng bộ hơn, từ đó công tác xử lý nợ xấu sẽ hiệu quả hơn.

Liên quan đến vấn đề đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (Khoản 4, Điều 9 - Nghị quyết 42), thực tế cho thấy, trong quá trình xử lý nợ xấu, hầu hết các chủ tài sản đều chống đối, không hợp tác... Do đó, TCTD/tổ chức mua bán nợ đề xuất sử dụng Biên bản thu giữ thay cho văn bản về việc bàn giao tài sản thế chấp/văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ, nhưng không được văn phòng đăng ký đất đai chấp thuận, dẫn đến các bên liên quan không thực hiện được việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho bên mua tài sản.

Hay như việc thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm (Điều 12 - Nghị quyết 42), trong quá trình triển khai thực hiện, các TCTD đều có chung phản ánh về việc phải nộp các khoản thuế trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là TCTD đã làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD. Nhiều trường hợp số tiền bán tài sản bảo đảm không đủ thu hồi nợ cho TCTD, nhưng vẫn phải nộp thuế, gây khó khăn cho cả bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chủ nợ có bảo đảm của TCTD…

Với thực tế trên, chúng tôi cho rằng, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, bởi khi có văn bản luật riêng, quy định về xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, đồng bộ hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan quản lý có liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Như bà đề cập, mục tiêu cuối cùng là tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, tránh tạo “cục máu đông” trong nền kinh tế, vậy theo bà, cần thêm những giải pháp nào?

Trong khi chờ được luật hóa, chúng tôi đề nghị, cần kéo dài thêm Nghị quyết 42 và thực hiện một số giải pháp để đồng bộ, thống nhất với Nghị quyết như:

Thứ nhất, các bộ, ngành cần ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các TCTD triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và chỉ đạo các cấp hỗ trợ tối đa cho các TCTD trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ.

Thứ hai, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tiễn áp dụng Nghị quyết 42 liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương; bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ; cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm; quyền thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm; thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm…

Thứ ba, kiến nghị ngành tòa án, thi hành án cần thúc đẩy quá trình thụ lý và giải quyết vụ án nhanh chóng theo đúng quy định về thời hạn giải quyết vụ án tại Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Thi hành án để hỗ trợ cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ xấu.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục