Xử lý nhiều vụ vi phạm buôn bán khẩu trang từ đầu tháng 2

(ĐTCK) Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát hiện và xử phạt nhiều vụ vi phạm liên quan đến mua bán khẩu trang không rõ nguồn gốc.
Xử lý nhiều vụ vi phạm buôn bán khẩu trang từ đầu tháng 2

Theo báo cáo cập nhật của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ở các siêu thị, cửa hàng, chợ tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, những ngày qua lực lượng chức năng vẫn tiếp tục xử lý hàng loạt các vụ vi phạm tại các địa phương.

Một số vụ việc kiểm tra, xử lý tại các địa phương những ngày qua tiếp tục gia tăng. Cụ thể tại Hưng Yên, ngày 25/03/2020, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hưng Yên ( PC03) khám phương tiện là xe ô tô BKS 29H-26355 do ông Cao Xuân Dũng, thường trú tại Thôn Phố Phủ,  Khoái Châu  lái xe. Tại thời điểm khám phát hiện trên xe có 5.000 chiếc khẩu trang không có nhãn mác, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số khẩu trang trên.

Quá trình làm việc với ông Dũng, Đội tiếp tục ra quyết định khám tại Kho chứa hàng của ông Dũng, địa chỉ: Thôn An Bình, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu và tạm giữ 1.500 chiếc khẩu trang không có nhãn mác, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng số hàng hóa bị tạm giữ là 6.500 chiếc khẩu trang.

Sáng ngày 26/3/2020, Đội đã tiến hành xác minh làm việc với ông Cao Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại đầu tư phát triển HD Việt Nam, địa chỉ: Thôn Phố Phủ, Khoái Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Qua quá trình làm việc ông Dũng thừa nhận toàn bộ 6.500 chiếc khẩu trang ông mua không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Phạt tiền: 11 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; tịch thu 6.500 chiếc khẩu trang để xử lý theo quy định.

Tại Quảng Ngãi, ngày 26/3/2020, Cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi đã xử lý 3 vụ việc, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 2,25 triệu đồng đối với hành vi không niêm yết giá.

Ngoài ra, trong công tác triển khai phòng, chống dịch Covid-19, các đội quản lý thị trường đã tổ chức ký cam kết với 706 cơ sở về việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng,….

Tại TP.HCM, ngày 26/3/2020, Đội Quản lý thị trường số 15 kiểm tra điểm sản xuất khẩu trang địa chỉ E13/22N đường Phạm Văn Sáng, ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Trên thực tế tại đây là Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và sản xuất thiết bị Vinapro T&T (địa chỉ E23/23H đường Phạm Văn Sáng, ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh).

Tại thời điểm kiểm tra Chi nhánh này đang sản xuất thành phẩm gồm 92.500 cái khẩu trang 4 lớp, hiệu VinaPro (50 cái/hộp) có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc (không ghi thành phần); trên nhãn hàng hóa có in thông tin: sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 13485” và biểu tượng chữ thập y tế nhưng không có giấy tờ chứng minh thông tin.

Ngoài ra, tại đây còn sử dụng mã số vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng mã số vạch. Đội lập biên bản để xử lý các hành vi vi phạm về ghi nhãn hàng hóa.

Ngày 25/3/2020, Đội Quản lý thị trường số 09 kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất dụng cụ y tế Đông Pha địa chỉ 88/11 quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức. Tại đây đang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn hiệu Dophamask, 3 lớp, loại 50 cái/hộp (gồm 3.200 hộp = 160.000 cái) có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc (thiếu thông số kỹ thuật). Đội lập biên bản để xử lý hành vi vi phạm về quy chế ghi nhãn hàng hóa.

Trong công tác triển khai phòng, chống dịch Covid-19, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chuyển giao tang vật tịch thu gồm 18.837 cái khẩu trang y tế cho Ủy ban nhân dân quận 10 nhận để phục vụ công tác phòng, chống dịch của Thành phố.

Trong ngày 26/3, Cục Quản lý thị trường TP.HCM tiến hành xử phạt cơ sở sản xuất khẩu trang thương hiệu Nice Star do ông Phạm Văn Quang làm chủ, có địa chỉ tại 121A Lê Cao Lãng, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, phạt tiền 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng là trang thiết bị y tế.

Đồng thời, buộc tiêu hủy 27.550 chiếc khẩu trang được xác định là hàng giả, không có giá trị sử dụng và không phải là khẩu trang y tế.

Số khẩu trang này được cơ quan quản lý thị trường phát hiện, tịch thu từ ngày 12/2/2020 vừa qua. Tổng số khẩu trang được tịch thu tại thời điểm này là 27.850 chiếc, trong đó, có 300 chiếc được gửi đi kiểm nghiệm. Kết quả được ghi nhận và trả về trong chiều ngày 23/3 cho thấy, toàn bộ số khẩu trang tịch thu đều là giả.

Trước đó, ngày 12/02/2020, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3  đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang thương hiệu Nice Star này đang chứa trữ khẩu trang y tế các loại, thành phẩm gồm 540 hộp khẩu trang y tế cao cấp hiệu Nice Star loại 4 lớp (50 cái/hộp) tương đương 27.000 chiếc, HSD 01/2025 (màu xanh) và 17 hộp khẩu trang y tế cao cấp hiệu Nice Star loại 4 lớp (50 chiếc/hộp) tương đương 850 chiếc, HSD: 01/2025, toàn bộ chưa qua sử dụng, có giá niêm yết 28.000 đồng/hộp.Toàn bộ số khẩu trang trên được gia công theo yêu cầu của khách đặt hàng dùng giấy thường thay cho lớp giấy lọc kháng khuẩn (tức 3 lớp vải không dệt và 1 lớp giấy thường thay vì 3 lớp vải không dệt và 1 lớp giấy lọc) nhằm giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra, do máy móc cơ sở đã bị hư nên cơ sở không còn sản xuất nữa, không còn nguyên liệu để để sản xuất chỉ còn thành phẩm. Trung tâm kiểm nghiệm tiến hành lấy mẫu 02 loại khẩu trang y tế cao cấp hiệu Nice Star loại 4 lớp, mỗi loại lấy 3 hộp (50 chiếc/hộp); đến thời điểm báo cáo chưa nhận được kết quả kiểm nghiệm. Đội Quản lý thị trường số 3 đã lập biên bản tạm giữ số khẩu trang y tế nêu trên để tiếp tục làm rõ, tiến hành niêm phong dây chuyền sản xuất khẩu trang giao chủ bảo quản

Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục