Xử lý nhiều dự án để đất đai hoang hóa, lãng phí vẫn giậm chân tại chỗ

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ cho biết sẽ giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án không hiệu quả hoặc lãng phí.
Một trong các dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí. Một trong các dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí.

Vẫn còn tới hơn một nửa trong số 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí vẫn chưa hề nhúc nhích sau 1 năm Quốc hội yêu cầu xử lý.

Tình hình thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là báo cáo vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.

Tại Nghị quyết 74, Quốc hội yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến hàng trăm dự án, trong đó có 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí.

Kết quả rà soát, xử lý được Chính phủ tóm tắt là đang triển khai thực hiện 2 dự án; gia hạn tiến độ sử dụng đất 3 dự án; chấm dứt hoạt động 2 dự án; xem xét giao đất 1 dự án; còn lại đang thực hiện rà soát, xử lý theo quy định.

Chi tiết thực hiện nhiệm vụ này (được thể hiện tại phụ lục VI) cho thấy còn 6 dự án chưa có chút thông tin nào. Gồm cả hai dự án của TP.HCM là Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa và Dự án Khu đô thị Nam TP.HCM.

Tương tự, cả hai dự án của Bình Dương cũng chưa có động tĩnh gì, là các dự án Khu dân cư Thương mại Dịch vụ Đông Bình Dương; Dự án Khu đô thị dịch vụ Thương mại Lai Hưng. Tỉnh Kiên Giang có dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương cũng ở tình trạng tương tự. Dự án Khu đô thị Công nghiệp Dung Quất ở Quảng Ngãi cũng chưa có thông tin gì về xử lý.

Một số dự án khác mới nằm trong kế hoạch triển khai thực hiện như Dự án xây dựng Khu nhà ở đô thị Kim Hoa, Dự án Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Vàng (Hà Nội).

Trong số 2 dự án đang triển khai thực hiện có Dự án Khu phức hợp Vịnh Đầm - Công ty cổ phần Toàn Hải Vân (Kiên Giang). Thông tin được nêu là Công ty cổ phần Toàn Hải Vân được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Khu phức hợp Vịnh Đầm tại Công văn số 1123/KTCN ngày 12/10/2009, trong đó có mục tiêu đầu tư là xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ công cộng.

Về tiến độ thực hiện, đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án khoảng 289,88 ha, tổng vốn đầu tư là 3.111,49 tỷ đồng (đã điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 12.664 tỷ đồng).

Vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án Công ty đã giải ngân là 1.769 tỷ đồng đạt tỷ lệ 100 %; vốn đầu tư giai đoạn 2 của dự án, Công ty đã giải ngân tính đến tháng 6/2023 là 3.836 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,15 %. Tổng vốn đầu tư đã giải ngân của dự án tính đến tháng 6/2023 cho 2 giai đoạn là 5.605 tỷ đồng, đạt 44,26%; dự án đang được tiếp tục triển khai.

Bên cạnh 19 dự án này, Quốc hội còn yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Thẩm tra nội dung này khi Chính phủ gửi báo cáo lần đầu vào tháng 9/2023, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nội dung thông tin, số liệu báo cáo chưa rõ ràng, chưa làm rõ được việc phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án, cụm dự án này. Thông tin, số liệu báo cáo vẫn là tình hình chung, một số dự án thông tin cơ bản là các thông tin đã báo cáo Đoàn giám sát năm 2022.

Khi đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc phân loại và kế hoạch, lộ trình thực hiện theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội.

Tại báo cáo vừa chính thức gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết sẽ giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án không hiệu quả hoặc lãng phí, chậm tiến độ, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng nêu tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án tránh thất thoát, lãng phí.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục