Xử lý hàng nghìn héc - ta keo chết hàng loạt: Quảng Ngãi gặp khó khăn gì?

0:00 / 0:00
0:00
Quảng Ngãi chưa thể khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng chống bệnh chết héo cây keo ở những vùng có điều kiện sử dụng.

Liên quan đến hàng nghìn héc - ta keo trồng chết hàng loạt ở Quảng Ngãi, UBND tỉnh này cho biết, việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay chủ yếu là các biện pháp canh tác, thủ công nên hiệu quả chưa cao.

Đối với bệnh chết héo cây keo tại Công văn số 5503/BNN-TCLN ngày 14/8/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc khuyến cáo phòng chống bệnh chết héo cây keo có đề xuất sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh chết héo gây hại keo lá tràm, keo lai và keo tai tượng ban hành kèm theo Quyết định số 2170/QĐ/BVTV-KH ngày 22/11/2021 của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật có nêu, các thuốc bảo vệ thực vật hóa học có chứa các hoạt chất Metalaxyl, Metalaxyl M, Metalaxyl M + Mancozeb, Trisiloxane othoxylate và thuốc sinh học chứa vi sinh vật Trichoderma viride, Bacillus subtilis chỉ được khuyến cáo sử dụng sau khi đăng ký vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để phòng chống bệnh chết héo cho cây keo lá tràm, keo lai và keo tai tượng.

Đối chiếu với Danh mục thuốc bảo vệ thực vật có hiệu lực thi hành, tỉnh Quảng Ngãi chưa thể khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng chống bệnh chết héo cây keo ở những vùng có điều kiện sử dụng. Cùng với các giải pháp trước mắt, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu bổ sung các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả (kể cả giải pháp dùng thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết, khuyến cáo các doanh nghiệp đăng ký bổ sung thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây keo vào danh mục) để hướng dẫn các địa phương trong việc phòng trừ bệnh, tránh trường hợp bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng, làm thiệt hại lớn đến sản xuất.

Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, cây keo là cây lâm nghiệp chủ yếu của tỉnh Quảng Ngãi với tổng diện tích khoảng 175.549 ha. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 17/4, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 8.168,7 ha keo có biểu hiện triệu chứng chết cây. Tỷ lệ cây bị chết từ 5-10%, nơi cao từ 30-60%. Các địa phương bị thiệt hại nặng gồm Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Trà Bồng. Cây keo bị chết chủ yếu ở giai đoạn 1-3 năm tuổi.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, hiện tượng chết cây keo trên địa bàn tỉnh có 2 dạng triệu chứng. Đó là cây biểu hiện héo lá do mất nước, trên thân có những chỗ vỏ cây chuyển màu nâu, phần thân gỗ bên trong có màu xám đen, có nơi vết bệnh chảy nhựa màu cánh gián hoặc xì bọt màu trắng. Những cây bị bệnh nặng toàn thân cây bị héo khô, rụng lá, rễ cây chuyển màu xám đen. Dạng triệu chứng thứ 2 là cổ rễ cây gần mặt đất có màu nâu đen, các rễ phía dưới bị thối đen, cây sinh trưởng kém dần và chết khô.

Ngày 23/3, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đã lấy mẫu keo bị bệnh tại xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng để phân tích, giám định. Kết quả giám định cho thấy có 2 loại nấm là Ceratocystis sp và Fusarium sp trên cây keo bị bệnh.

Từ kết quả giám định cũng như khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy hiện tượng chết cây keo tại các địa phương là do tổng hợp các nguyên nhân, như bệnh chết héo do nấm Ceratocystis sp (đây là triệu chứng chết phổ biến nhất); bệnh thối rễ do nấm Fusarium sp.

Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp cây keo bị chết do đào thải tự nhiên vì nông dân trồng keo với mật độ quá dày (có nơi > 8.000 cây/ha), cây cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng không đủ, dẫn đến sinh trưởng kém và chết.

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian đến, bệnh có khả năng tiếp tục phát triển và lây lan, làm ảnh hưởng đến sản xuất keo của tỉnh, nếu không thực hiện các giải pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả.

Trước tình hình trên, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh) đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền thực hiện các giải pháp trước mắt, như chặt cây bị bệnh đi tiêu hủy, không tận thu cây bệnh vận chuyển đi nơi khác, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán, lây lan; dùng bôi nông nghiệp rãi vào vị trí gốc cây bệnh để xử lý nguồn bệnh; vệ sinh vườn keo, tỉa cành, phát dọn thực bì để tạo độ thông thoáng cho keo phát triển tốt; khơi thông mương rãnh thoát nước để tránh trường hợp đọng nước cục bộ sau mưa, thuận lợi cho bệnh lây lan.

Đối với công tác trồng mới, các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo sử dụng cây giống khỏe, sạch bệnh, chỉ mua cây giống ở những cơ sở sản xuất được cấp phép; trồng đúng mật độ khuyến cáo, thực hiện công tác chăm sóc vườn keo đúng theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; luân canh cây trồng sau tối đa 3 luân kỳ kinh doanh cây keo, đổi sang các loài cây trồng khác phù hợp với từng lập địa cụ thể.

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục