Xu hướng ngắn hạn đã gãy, cần cảnh giác với những phiên hồi phục kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ 1 phiên giảm điểm cuối tuần qua, chỉ số VN-Index đánh mất 2 mốc hỗ trợ quan trọng là MA20 tại 1.220 điểm và mốc tâm lý 1.200 điểm.
Xu hướng ngắn hạn đã gãy, cần cảnh giác với những phiên hồi phục kỹ thuật

Kỳ vọng hồi phục tại khu vực 1.170 điểm

Tuần giao dịch với phiên đáo hạn phái sinh vừa qua, VN-Index đóng cửa tại 1.177,99 điểm, giảm 54,22 điểm (4,4%). Khối lượng giao dịch dâng lên mức cao nhất trong gần 9 tháng trở lại gần đây, cho thấy lực cung áp đảo trên toàn thị trường.

Sau những phiên neo giữ chỉ số quanh khu vực 1.230 -1.240 điểm, phiên giao dịch cuối tuần đã tạo khoảng trống (Gap) giá xuống đầu phiên và liên tục hứng chịu lực bán mạnh. Tới cuối phiên, VN-Index ghi nhận 170 mã giảm sàn và 480 mã giảm đỏ. Trên đồ thị kỹ thuật tuần, chỉ số tạo cây nến gãy gập ngay sau cây nến Doji với thanh khoản cao vào tuần trước.

Đồ thị ngày của chỉ số chung cũng không tích cực khi tạo mô hình 2 đỉnh (mô hình đảo chiều) với cột khối lượng 1,6 cổ phiếu (tương đương hơn 36.000 tỷ đồng), mức kỷ lục trong lịch sử giao dịch. Chỉ số còn liên tục mất mốc hỗ trợ quan trọng là MA20 tại 1.220 điểm và mốc tâm lý 1.200 điểm.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Với quán tính hiện tại, VN-Index có xác suất cao là giảm điểm vào những phiên đầu tuần mới, nhưng kỳ vọng sẽ có sự hồi phục kỹ thuật tại khu vực 1.170 điểm. Những mã cổ phiếu mang tính chất “tâm lý thị trường” và ảnh hưởng đến chỉ số như VIC, VHM, HPG, hay nhóm ngân hàng cần sớm tìm kiếm điểm cân bằng để không gây sức ép lên thị trường chung. Khi xu hướng ngắn hạn đã gãy, nhà đầu tư cần cảnh giác với những phiên hồi phục kỹ thuật.

Tiêu điểm ngành chứng khoán

Ngành chứng khoán luôn là tiêu điểm đáng chú ý từ đầu sóng tăng của VN-Index. Tuần giao dịch vừa qua, đây tiếp tục là nhóm cổ phiếu có đà tăng bùng nổ nhất trên thị trường, trước khi VN-Index có phiên lao dốc. Điều này đến từ thông tin về việc họp bàn triển khai đưa vào vận hành hệ thống KRX từ ngày 21/8 này.

KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) vào năm 2012 và dự kiến vận hành trong năm nay sau nhiều lần trì hoãn. Các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới như giao dịch trong ngày, bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán, quyền chọn dự kiến có tác động sâu rộng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vận hành hệ thống KRX cũng là điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, từ đó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Dự báo, 3,5 - 4 tỷ USD mua mới cổ phiếu Việt Nam sẽ diễn ra khi thị trường được nâng hạng. Chỉ số chính cũng được dự đoán sẽ tăng trung bình khoảng 23,2% từ ngày thông báo sẽ nâng hạng đến ngày có hiệu lực.

Theo đó, hệ thống KRX là câu chuyện mang nhiều kỳ vọng đối với toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và các cổ phiếu chứng khoán vốn hóa lớn, chiếm nhiều thị phần trong ngành nói riêng.

Bên cạnh đó, khối tự doanh của các công ty chứng khoán dự kiến sẽ ghi nhận lãi cao khi bán ra danh mục cổ phiếu có giá tăng mạnh trước đó. Tiêu biểu có thể kể đến SHS nắm giữ cổ phiếu EIB, VDS nắm giữ cổ phiếu DBC, VIX nắm giữ cổ phiếu EIB và GEX…

Với 2 câu chuyện kể trên, ngành chứng khoán liên tục thu hút sự chú ý của dòng tiền nhà đầu tư. Tuy nhiên, DSC đánh giá, các mã cổ phiếu trong ngành đang được giao dịch ở mức giá đắt so với giá trị. Trong đó, cổ phiếu SSI có mức định giá P/B là 2,04 lần, cao hơn nhiều so với P/B dự phóng 1,6 lần của DSC cho năm 2023. Hay cổ phiếu VIX có mức định giá P/B dự phóng là 1,37 lần, nhưng đang được giao dịch ở mức 1,47 lần, khiến dư địa tiếp tục tăng giá hầu như không còn.

Bài viết được cung cấp bởi CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN DSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục