Đó là chia sẻ của ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam tại Talkshow Chọn Danh mục (phần II) số 5 với chủ đề "Thích ứng trong hành động" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 25/11.
Kỳ vọng nhà đầu tư đang thay đổi và khắt khe hơn
Ông Mohmamad Mudasser đánh giá Việt Nam vẫn là luôn là điểm đến lý tưởng ở châu Á. Vì vậy, nhiều công ty đang tìm cách đầu tư mới vào Việt Nam thông qua mua bán - sáp nhập (M&A). Các doanh nghiệp lớn đang phát triển rất tốt nhưng dù có nhiều doanh nghiệp lớn thì huyết mạch của nền kinh tế vẫn sẽ là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục nhận được các nguồn đầu tư từ nước ngoài và sẽ chuyên nghiệp hóa hơn, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thích nghi với cách làm việc mới. Hiện nay, đang có sự chênh lệch giữa hai đối tượng trong nền kinh tế.
Xu hướng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cùng dòng tiền nước ngoài chảy vào trong nước là tốt nhưng trong tương lai, các doanh nghiệp hãy lưu ý, kỳ vọng của các nhà đầu tư đang thay đổi và khắt khe hơn với cách thức hoạt động của doanh nghiệp.
Ví dụ, đối với hoạt động M&A, nhà đầu tư sẽ không muốn đầu tư vào một công ty sẽ "đốt tiền" trong vài năm và chờ có lãi. Thay vào đó, họ muốn xem công việc kinh doanh của doanh nghiệp đó kiếm tiền như thế nào, mang lại lợi ích ra sao, sau đó sẽ quyết định đầu tư .
“Năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là thiếu tín dụng. Chúng ta thường bàn luận về nguồn vốn từ trái phiếu, nhưng có 90% các công ty ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí không sử dụng chúng. Họ có thể tham gia vay từ khu vực phi chính thức với lãi suất rất cao. Vì vậy, tôi cho rằng sự tồn tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa và sự phát triển của nhóm này ở một khía cạnh nào đó là trách nhiệm của Chính phủ”, ông Mohammad Mudasser nhận định.
Ông kiến nghị, một trong những việc nên làm hiệu quả hơn là chuyển hướng để đa dạng hóa hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến nay, kể cả so với Hàn Quốc, Nhật Bản, không có thị trường nào khác có tiềm năng thực sự thay đổi những gì Việt Nam đang sản xuất. Vì vậy, Chính phủ, các Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương nên hỗ trợ một số doanh nghiệp vừa và nhỏ này trong việc đánh giá thị trường, bởi vì họ sẽ không thể tự mình đi đến thị trường mới.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ dữ liệu và nền kinh tế kỹ thuật số nên được chú trọng hơn, bởi vì có rất nhiều thông tư đề cập đến điều này, nhưng không có loại tài liệu hướng dẫn tổng thể nào về khía cạnh đó. Ngoài ra, cần rõ ràng hơn về những gì các ngân hàng thực sự nên làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ này về mặt nhận tín dụng, từ góc độ pháp lý.
Năm 2023 đối mặt rủi ro về thị trường
Thế giới hiện nay đang chứng kiến những biến động không thể báo trước, ví dụ như COVID-19, ngay sau đó là xung đột Nga - Ukaine. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến giá xăng dầu và lương thực thực phẩm.
Ông cũng cho rằng, năm 2023, lãi vay sẽ không thể giảm xuống như thời COVID, nên những doanh nghiệp tập trung vào hàng hóa như dầu mỏ, xuất khẩu gạo, thức ăn đều có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao như hiện nay.
Đối với các doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặc dù tình trạng thanh khoản không quá quan trọng do mức độ luân chuyển nhanh của hàng hóa, nhưng trong 3 năm qua họ bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Dự đoán trong thời gian tiếp theo, doanh nghiệp sẽ cẩn thận hơn về rủi ro về thị trường hơn là chỉ tập trung vào tăng trưởng trong tương lai gần.
"Chúng ta đang ở trong thế giới toàn cầu, vì vậy không nền kinh tế nào có thể "miễn dịch" được với nền kinh tế toàn cầu, nhất là châu Á và Việt Nam với tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Đặc biệt hơn nữa, Việt Nam tập trung nhiều vào xuất khẩu, nên rất dễ bị ảnh hưởng. Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam chưa ảnh hưởng ngay, nhưng nếu thương mại quốc tế bị ảnh hưởng thì sẽ dẫn đến nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo", ông Mohammad Mudasser nhận định.