88% doanh nghiệp vận tải, logistics chiếm thị phần nhỏ trên thị trường
Một nghịch lý được CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chỉ ra trong báo cáo những kết quả nghiên cứu về thị trường vận tải và logistics của Việt Nam vừa công bố mới đây. Theo đó, dù số lượng doanh nghiệp liên doanh và nước ngoài chỉ chiếm 12% trong tổng cộng khoảng trên 4.000 công ty Vận tải và Logistics, thị phần của doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tới 70 -80%.
Dịch vụ chủ yếu mà các doanh nghiệp kinh doanh logistics Việt Nam cung ứng cho khách hàng là các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài như dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho... Còn các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistics dù có một số doanh nghiệp cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa được quan tâm phát triển.
Ngành Vận tải và Logistics của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới. Do Chính phủ đang có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngành phát triển, cùng với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, nhiều Hiệp định thương mại được Việt Nam ký kết và sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử cùng sự phát triển của ngành công nghiệp tự động hóa, cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, ngành Vận tải và Logistics cũng có thêm nhiều cơ hội mở ra từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khi nhiều công ty Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam và Đông Nam Á.
Những nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống hạ tầng là nguyên nhân chính giúp điểm số LPI (Logistics performance index - chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể ở tất cả các chỉ số. Vị trí xếp hạng của Việt Nam năm 2018 cũng đã lên 39/160, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016.
Từ bản thân các thành viên trên thị trường, 91% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng mức tăng trưởng của ngành trong năm 2020 sẽ trên 10%, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định mức tăng trưởng đạt 14% - 16%, theo chỉ số trung bình của những năm gần đây.
Đểm số LPI (chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể ở tất cả các chỉ số
Xu hướng M&A sẽ vẫn tiếp tục ở ngành
Theo Vietnam Report, sẽ có 4 xu thế phát triển chính trong ngành Vận tải và Logistics, trong đó gần 80% các chuyên gia trong khảo sát cho rằng xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ chiếm ưu thế. Từ mức áp dụng trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, email và internet cơ bản..., nxu hướng số hóa, các doanh nghiệp trong ngành Vận tải và Logistics Việt Nam sẽ dần thích ứng, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics, nhằm chuẩn hóa quy trình vận hành, tối ưu chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp, giám sát và tăng cường khả năng quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ, và gia tăng sự trung thành của khách hàng.
Xu hướng mua sắm trực tuyến mở cơ hội cho các doanh nghiệp ngành này. Thương mại điện tử phát triển kéo theo nhiều người tiêu dùng chuyển qua mua sắm trực tuyến và sự phát triển của mô hình kinh doanh mới cho các công ty dịch vụ chuyển phát với tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn và độ phủ của dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành cũng sẽ trở thành xu thế nổi bật. Cùng đó, các chuyên gia cũng dự báo hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) tiếp tục sôi động. Trong năm 2019, đã có nhiều thương vụ M&A trị giá hàng triệu đô, như Tập đoàn Symphony International Holdings (Singapore) cổ phần của Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) từ Singapore Post với giá 42,6 triệu USD, SSJ Consulting đã chi gần 40 triệu USD để mua 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Gemadept.
Một xu hướng khác là tập trung đầu tư vào kho, trung tâm logistics và chuỗi cung ứng lạnh. Nguyên nhân bởi sự gia tăng mạnh của số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử, cùng với nhu cầu thuê mặt bằng lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng. Tính đến đầu năm 2019, trên toàn quốc có 6 trung tâm logistics lớn được khởi công xây dựng và đưa vào vận hành. Chuỗi cung ứng lạnh có sự tăng trưởng cao cũng là một xu hướng bởi số lượng kho lạnh tăng , tăng trưởng trong ngành thực phẩm chế biến và ngành dược phẩm, công nghệ.
Hoàn thiện chính sách vẫn là giải pháp ưu tiên tập trung thực hiện
Theo khảo sát các chuyên gia, ngành Vận tải và Logistics dự báo sẽ đón nhận 5 thách thức lớn nhất gồm việc cơ sở hạ tầng còn yếu kém, thiếu hụt nguồn lao động trong ngành Vận tải và Logistics được đào tạo chuyên sâu; thể chế, chính sách với ngành còn nhiều bất cập; thủ tục hành chính phức tạp; chi phí logistics cao.
Để nâng cao chất lượng ngành Vận tải và Logistics, báo cáo chỉ ra 8 yếu tố cần cải thiện đối với doanh nghiệp. Gần 73% doanh nghiệp cho rằng cần ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp đặt việc nâng cao độ tin cậy khá cao (chiếm 63,63%), sự đúng hạn của các lô hàng khi tới điểm đích (45,45%), độ đáp ứng (45,45%), chính sách hỗ trợ khách hàng và xây dựng thương hiệu (36,36%) và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (18,18%).
Các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành trong khảo sát của Vietnam Report đã đưa ra một số giải pháp khuyến nghị để phát triển ngành. Ba khía cạnh được ưu tiên tập trung gồm hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động logistics, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hải quan, cắt giảm các khoản phí, lệ phí sử dụng hạ tầng; cải thiện cơ sở hạ tầng: giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin; mở rộng đào tạo mạng lưới đào tạo nhân lực trong ngành logistics.
Doanh nghiệp có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, môi trường kinh doanh luôn có sự biến đổi, nhu cầu người tiêu dùng ngày càng tăng cao từ chỗ mong muốn về chất lượng, giá cả… đến mong muốn được đảm bảo và cam kết bởi thương hiệu, uy tín. Theo đó, các doanh nghiệp Vận tải và Logistics cần có giải pháp hiện đại hóa phương thức hoạt động, nâng cấp chất lượng dịch vụ, trình độ nhân lực, năng lực tài chính... Sự phát triển của doanh nghiệp sẽ góp phần tạo dựng và nâng cao uy tín thương hiệu, yếu tố được đánh giá như cầu nối giúp doanh nghiệp đến gần hơn với các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.