Chỉ một tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đã khá lớn, bằng tới 15% cả năm 2013 (hơn 60.000 doanh nghiệp). Đáng chú ý, số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh cho biết, một số ngành nghề có số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao so với tháng 12/2013, như tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 127,6%); thông tin và truyền thông (tăng 139,3%)...
Xu hướng các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng cao là dấu hiệu cho thấy kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn. Dù theo công bố mới đây của Ngân hàng HSBC, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa đã tăng mạnh, từ mức 51,8 điểm phần trăm trong tháng 12/2013, lên 52,2 điểm phần trăm trong tháng 1/2014 và việc PMI tăng cao là dấu hiệu hy vọng cho sự hồi phục của sản xuất - kinh doanh, song theo các chuyên gia kinh tế, sẽ có không ít doanh nghiệp tiếp tục lâm vào ngõ cụt.
Tuy nhiên, trên một khía cạnh khác, cũng phải thấy rằng, một cuộc sàng lọc là cần thiết, để sau đó, Việt Nam sẽ có một đội ngũ doanh nghiệp mới mạnh mẽ hơn về chất lượng.
Thực tế cho thấy, cùng với lượng không nhỏ doanh nghiệp phải ngừng cuộc chơi trên thương trường, thì cũng có không ít doanh nghiệp mới được sinh ra.
Theo số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh, trong tháng đầu năm 2014, cả nước có khoảng 6.900 doanh nghiệp được thành lập, với số vốn đăng ký trên 43.700 tỷ đồng, tăng 15,7% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với tháng 12/2013; và tăng 27,7% về số doanh nghiệp, 79,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo này, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2014 là 2.400 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Hồng (648 doanh nghiệp) và Đông Nam Bộ (951 doanh nghiệp).
Theo Cục Đăng ký kinh doanh, tại các vùng kinh tế trên cả nước đều có sự gia tăng về số doanh nghiệp thành lập mới so với tháng 12/2013. Cụ thể, Đồng bằng sông Hồng tăng 9,9%; Trung du và miền núi phía Bắc tăng 11,8%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 29,1%; Tây Nguyên tăng 6,7%; vùng Đông Nam Bộ tăng 11,6%; Đồng bằng sông Cửu Long tăng 48,6%.
Kinh tế khó khăn, sức mua còn yếu khiến doanh nghiệp chưa có được động lực mạnh mẽ để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, việc kích hoạt dòng vốn đầu tư tư nhân trong năm 2014 đã được nhắc đến như là một trong những giải pháp quan trọng để nền kinh tế có thể có tốc độ tăng trưởng cao hơn.