Chưa kể, có nhiều cách hiểu khác nhau về một yếu tố quan trọng trong vụ án: tiền ảo. Tiền ảo liệu có phải tiền điện tử? Và hành vi lấy tiền người sau trả cho người trước thực tế có hợp pháp như một số ý kiến tại tòa?
Từ giữa tháng 7, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa vụ án Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản ra xét xử sơ thẩm. Trong số 9 bị cáo, nhiều người là cựu giám đốc, thành viên HĐQT của các công ty du lịch.
Cơ quan tố tụng cáo buộc các bị cáo có hành vi kinh doanh bán gói sản phẩm đặt phòng du lịch 4 ngày 3 đêm dành cho 2 người ở khách sạn tiêu chuẩn từ 3-5 sao trên toàn thế giới bằng hình thức đa cấp điện tử. Gói sản phẩm là không có thật, do đối tượng nước ngoài giả mạo ký kết hợp đồng cung cấp.
Hơn 11.400 người đã dùng tiền thật (79 tỷ đồng) để mua tài khoản (ID) tham gia. Người tham gia trước lôi kéo người sau tham gia sẽ được thưởng bằng tiền ảo trong ví điện tử. Muốn nhận tiền thật, các cá nhân phải lôi kéo thêm người khác tham gia để bán tiền ảo đổi lấy tiền thật từ người tham gia sau. Tương tự như các mô hình đa cấp khác, càng lên cao người tham gia càng được trả thưởng cao.
Tranh cãi tại tòa, một số bị cáo cho rằng, cơ quan tố tụng sử dụng thuật ngữ tiền ảo là không chính xác, mà phải là tiền điện tử - electronic money để chứng minh bản thân không phạm tội.
Luật sư tham gia bào chữa đã trích dẫn các định nghĩa về tiền điện tử để minh chứng. Ví dụ, theo định nghĩa của hội đồng Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS): “Tiền điện tử là giá trị được lưu giữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu giữ trong một thiết bị thuộc sở hữu của khách hàng”. Định nghĩa này bao gồm cả thẻ trả trước (còn được gọi là ví điện tử) và các sản phẩm trả trước dưới dạng phần mềm, sử dụng các hệ thống máy tính qua internet (còn được gọi là tiền mặt điện tử - digital cash).
Sau khi lập luận nhằm phân biệt tiền ảo và tiền điện tử, luật sư Đặng Thị Dung cho rằng, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về tiền điện tử, do vậy, các bị cáo gặp khó khăn trong việc xác định chính xác yếu tố này.
Trong khi đó, luật sư Đỗ Minh Phương lập luận, tiền điện tử có giá trị thanh toán, kết hợp được thương mại điện tử và đa cấp tạo ra thanh khoản cao. Các mã ID có thể chuyển đổi tiền điện tử thành tiền mặt thông qua ngân hàng thanh toán. Trong vụ án này, các bị cáo chi trả thưởng bằng tiền điện tử, các thành viên có thể chuyển trả cho nhau. Do đó, việc lấy tiền của người sau trả cho người trước là hợp lý, hợp pháp. Theo ý kiến luật sư, các bị cáo không có hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền. Để giải quyết toàn diện, khách quan vụ án, cần phải triệu tập đối tượng người nước ngoài mới làm rõ dòng tiền chuyển đi đâu.
Đối đáp, người đại diện giữ quyền công tố lập luận, hậu quả vụ án là có thật. Hàng chục nghìn người đặt mua gói dịch vụ với mong muốn đi du lịch nhưng không đạt được. Một số người được đổi tiền thật nhưng chỉ trong một số thời điểm nhất định nên lầm tưởng giá trị của tiền điện tử được bảo lãnh, nhưng sự thực là không phải. Thực tế, đây là “tiền ảo”, rút của người này đưa cho người khác và sẽ có cá nhân chịu thiệt hại.
Cơ quan điều tra cũng xác định, việc kinh doanh của nhóm bị cáo là không có thật, vì không có gói dịch vụ đặt phòng ở nước ngoài như quảng cáo, tiền thưởng khi thoát khỏi bảng xếp hạng tại công ty đều là tiền ảo trả vào ví điện tử. Việc trả tiền thật thực chất do người Việt Nam trả với hình thức thu tiền của người sau trả cho người trước. Với hành vi quảng bá gian dối gói sản phẩm dịch vụ du lịch đặt phòng, các bị cáo đã chiếm hưởng hàng tỷ đồng từ các nạn nhân.
Vụ án vẫn đang trong quá trình xét xử, tuy nhiên, việc xác định rõ khái niệm, phương thức giao dịch “tiền điện tử” là yếu tố cần thiết mà các cơ quan chức năng phải để tâm, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh hiện nay.