Xoay quanh câu chuyện “trần lãi suất”

(ĐTCK-online) Câu chuyện áp dụng "trần lãi suất" trong huy động vốn của các ngân hàng thời gian vừa qua đã dấy lên nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia trong ngành, từ các ngân hàng thương mại (NHTM) về tác động của nó tới thị trường tiền tệ. Vậy "lãi suất trần", bản chất của nó cần hiểu thế nào?
Cần phải duy trì trần lãi suất trong ngắn hạn, ít nhất là hết năm 2008. Cần phải duy trì trần lãi suất trong ngắn hạn, ít nhất là hết năm 2008.

Giải pháp cần thiết!?

Hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước mở cửa thị trường tài chính là xu hướng tất yếu của Việt Nam khi trở thành thành viên  của WTO. Theo đó, việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác là phải sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết thị trường. Tuy nhiên, khi thị trường hoặc nền kinh tế gặp phải những diễn biến bất thường, nhiều cân đối vĩ mô không đảm bảo do tác động bởi cú sốc bên ngoài hoặc/và những cú sốc bên trong thì để tạo sự bình ổn, đôi khi vẫn cần phải có những biện pháp hành chính mạnh tay để ngăn cản những cú sốc, đưa thị trường/nền kinh tế vào quỹ đạo của nó. Đây là giải pháp tình huống mà hầu hết các quốc gia trên thế giới phải áp dụng trong những trường hợp cần thiết (kể cả những nước có nền kinh tế thị trường lâu năm).

Chẳng hạn như Thái Lan, lạm phát mới có xu hướng gia tăng, Chính phủ nước này đã thực hiện những biện pháp hành chính nhằm góp phần ổn định giá cả, như đưa 4 mặt hàng lương thực, rượu, sữa, bình ắc-quy vào danh sách những mặt hàng bắt buộc chịu sự quản lý về sản xuất - kinh doanh, bất cứ việc tăng giá nào của những mặt hàng này đều phải được sự cho phép của Bộ Thương mại...

Đối với tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính nói riêng, trong quý I vừa qua có nhiều dấu hiệu kém khả quan: lạm phát gia tăng mạnh 19,36% so với cùng kỳ, thâm hụt thương mại lớn bằng khoảng 70% mức thâm hụt cả năm 2007, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản diễn biến không bình thường, các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục mở rộng tín dụng…

Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thực hiện CSTT thắt chặt. Nếu như một nền kinh tế thực sự thị trường, thì thắt chặt tiền tệ có nghĩa là NHNN phải thắt chặt cung tiền đến mức gây áp lực tăng lãi suất thị trường, qua đó hạn chế nhu cầu vay vốn của nền kinh tế, hạn chế tăng trưởng tín dụng của các định chế tài chính, từ đó tác động làm giảm tổng cầu nền kinh tế và sẽ có tác động giảm lạm phát trong trung hạn. Hầu hết các nước có nền kinh tế thị trường, các thành viên trên thị trường, các doanh nghiệp, cá nhân đều đồng thuận hiểu như vậy. Và khi có dấu hiệu thắt chặt CSTT, các thành viên trên thị trường đều thay đổi hành vi của mình theo cùng một hướng thắt chặt. Do vậy, việc thực thi CSTT của Ngân hàng Trung ương các nước đó thuận lợi hơn nhiều.

Tuy nhiên đối với Việt Nam , việc thực hiện CSTT thắt chặt của NHNN không được thuận chiều như vậy: hạn chế cung tiền, hạn chế tăng trưởng tín dụng nhưng phải ổn định lãi suất. Bài toán này thật khó giải bằng các công cụ tiền tệ gián tiếp. Hơn nữa, khi NHNN thắt chặt tiền tệ bằng cách hạn chế cung tiền, nhưng các NHTM vẫn đua nhau tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng trưởng huy động vốn và hậu quả là thiếu thanh khoản, trên thị trường tiền tệ thì "cá lớn nuốt cá bé" với mức lãi suất liên ngân hàng cao ngất ngưởng.

Cú sốc trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng vào cuối tháng 2/2008 không chỉ là vấn đề thiếu thanh khoản, mà ẩn sâu trong đó là tính bất ổn của bảng cân đối và khả năng chống đỡ yếu kém của hệ thống ngân hàng mà NHNN đã bỏ ngỏ vai trò thanh tra giám sát từ trước đến nay. Trước tình hình đó, để ổn định thị trường tiền tệ, thực hiện chủ trương ổn định lãi suất thị trường, NHNN đã lại phải hạ lãi suất trên thị trường mở ở mức 9% (thấp hơn nhiều mức lãi suất huy động) và đưa ra hạn mức trần lãi suất 12% đối với huy động tiền gửi.

Nhiều ý kiến ca ngợi giải pháp này đã tạo được sự bình ổn thị trường khi xảy ra cú sốc. Nhưng cũng có những ý kiến chỉ trích, cho rằng, NHNN đã sử dụng biện pháp hành chính đi ngược với xu hướng của nền kinh tế thị trường, cơ quan này phải sử dụng các biện pháp thị trường, hay là các công cụ tiền tệ gián tiếp để ổn định thị trường mà cần phải bỏ ngay trần quy định hiện nay.

 

Vậy ý kiến nào là đúng?

Trên thực tế, NHNN sau gần 20 năm đổi mới, thành công nhất là đã chuyển điều hành CSTT từ công cụ tiền tệ trực tiếp, như hạn mức tín dụng, trần lãi suất cho vay sang công cụ gián tiếp, như bỏ hạn mức tín dụng, bỏ quy định trần lãi suất cho vay, thực hiện tự do hoá lãi suất, sử dụng nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết thị trường...

Tuy nhiên, với thực trạng thị trường nêu trên, cùng với những yêu cầu đặt ra cho NHNN trong thực thi CSTT thì liệu các giải pháp gián tiếp có đạt được mục tiêu hay không? Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã nâng từ mức 5% đối với các loại tiền gửi từ 24 tháng trở xuống từ trước tháng 6/2007 tới mức 11%/năm đối với tất cả các loại tiền gửi từ tháng 2/2008 và tung ra lượng tín phiếu bắt buộc hơn 20.000 tỷ đồng từ ngày 17/3/2008, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn gia tăng mạnh, nhất là trong quý I/2008, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2007.

Điều đó cũng đặt ra câu hỏi, liệu bỏ quy định trần lãi suất 12% trong lúc này, thị trường tiền tệ có diễn biến ổn định và hạn chế được tăng trưởng tín dụng như mong muốn hay không? Đây là một đáp số ẩn, đòi hỏi các cơ quan quản lý có những lựa chọn sáng suốt và bản lĩnh.

Trong trường hợp bỏ trần lãi suất, để hạn chế tác động phụ bởi sự bất cập của thị trường, đòi hỏi NHNN phải có những giải pháp hỗ trợ kèm theo, như cần thắt chặt các chuẩn mực cho vay một cách hợp lý và tăng cường quản trị rủi ro. Đồng thời, phải đưa ra mức lãi suất thị trường mở một cách hợp lý, hạn chế cung tiền, nhằm tác động đến lãi suất cho vay  của các NHTM ở mức có thể  hạn chế được tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu.

Tuy nhiên, thực hiện những giải pháp này không đơn giản và  khó có thể tạo hiệu ứng ngay trong năm 2008. Vì vậy, để đạt được mục tiêu kiểm soát cung tiền, kiểm soát tín dụng mà Chính phủ chỉ đạo trong năm 2008, thì cần phải duy trì trần lãi suất trong ngắn hạn, ít nhất là hết năm 2008. Điều này, không phá vỡ mục tiêu trung hạn là từng bước tự do hoá thị trường tài chính. Đồng thời, trong những trường hợp cần thiết, lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng, các cân đối vĩ mô không được cải thiện và khi các NHTM không tự điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng để hạn chế thâm hụt cán cân thương mại, giảm áp lực lạm phát thì cần thiết phải áp dụng công cụ hạn mức tín dụng theo từng bước, với từng lĩnh vực đầu tư và hạn mức hợp lý để giảm dần tăng trưởng tín dụng hiện nay. Chẳng hạn như kiềm chế mức tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, như linh kiện điện tử, phụ tùng xe máy, ô tô, ô tô nguyên chiếc… Làm như vậy vừa hạn chế được tốc độ tăng trưởng chung, vừa hạn chế được thâm hụt cán cân thương mại.             

Tú Anh
Tú Anh

Tin cùng chuyên mục