So với đề xuất năm 2014, đề nghị xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế mà Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11 có gì khác nhau, thưa ông?
Năm 2014, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế với các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014.
Đối tượng được xóa nợ gồm doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán dẫn đến phát sinh tiền phạt chậm nộp; đối tác của doanh nghiệp bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến phát sinh nợ thuế và tiền phạt chậm nộp; và doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất trên 20%/năm, gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên phát sinh tiền chậm nộp, phạt chậm nộp thuế.
Lần này, Bộ Tài chính đề nghị xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015. Đối tượng được xóa nợ thu hẹp hơn so với đề xuất năm 2014, tức là không bao gồm doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất trên 20%/năm, gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Đề xuất này chắc cũng khó, bởi lý do của việc đề nghị xóa nợ vẫn là “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”?
Quốc hội có chấp nhận xóa nợ hay không phải được coi là hết sức bình thường. Không nên đặt vấn đề là tại sao Quốc hội đã bác rồi lại còn đề nghị lần nữa.
Để quyết định có chấp thuận xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế hay không, Quốc hội phải cân nhắc nhiều khía cạnh như tác động, ảnh hưởng tới thu ngân sách, sản xuất - kinh doanh, môi trường đầu tư, tính thực thi pháp luật… Nếu thấy việc xóa nợ mang lại nhiều lợi ích hơn là không xóa, thì Quốc hội chấp thuận và ngược lại. Tôi xin nhắc lại, dù Quốc hội có đồng ý xóa nợ hay không thì đều hết sức bình thường, đừng nên suy luận rằng, Quốc hội không đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Quan điểm của ông với tư cách là một chuyên gia kinh tế?
Nếu Quốc hội chấp nhận đề nghị này thì ngân sách nhà nước bị mất một khoản tiền rất lớn (9.000 - 10.000 tỷ đồng) trong bối cảnh giá dầu thô xuất khẩu bình quân chỉ bằng 50% dự toán; thuế nhập khẩu giảm mạnh do thực hiện các cam kết thương mại tự do; ngân sách nhà nước năm nay giảm 3.900 - 4.000 tỷ đồng do thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế (chưa tính khoản 1.300 tỷ đồng ngân sách phải chi để hoàn thuế giá trị gia tăng). Trong khi đó, số doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ chính sách này rất nhỏ so với tổng số trên 530.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Vì thế, theo tôi, Luật Quản lý thuế đã có quy định tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế như gia hạn nộp thuế, xóa nợ tiền thuế, không tính tiền chậm nộp, nộp dần tiền thuế nợ đối với một số trường hợp, thì cứ thế thực hiện, không nên có trường hợp ngoại lệ.
Nhưng lý do xóa nợ là “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” rất chính đáng?
Trong cơ chế thị trường lúc nào cũng có thuận lợi và khó khăn, nên lý do “tháo gỡ khó khăn” không thuyết phục. Năm 2014, cũng với lý do này, Quốc hội đã không chấp thuận. Năm nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh khả quan hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nên lý do này càng không thuyết phục.
Với tư cách là chuyên gia kinh tế, theo tôi, nếu Bộ Tài chính muốn Quốc hội chấp thuận đề nghị xóa tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp thuế, thì phải chứng minh việc làm này tác động thế nào đến thu ngân sách, đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh, sự công bằng trong thực thi pháp luật về thuế và đặc biệt là sự ổn định của các chính sách thuế…