Xóa rào cản “ngôn ngữ” tài chính cho doanh nghiệp Việt

(ĐTCK) Đánh giá được đưa ra từ nhiều định chế tài chính quốc tế và giới chuyên môn, khác biệt giữa hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và hệ thống chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) còn tương đối lớn. Điều này đang tạo ra một số rào cản trong tiếp cận cũng như làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dự kiến đến năm 2020, các đơn vị có lợi ích công chúng sẽ là đối tượng bắt buộc phải lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS Trong ảnh: Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh vinh danh 10 doanh nghiệp niêm yết có điểm cao nhất trong Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất mùa giải 2016

Trong giai đoạn 2001 - 2005, Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành 26 chuẩn mực kế toán dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế tại thời điểm đó.

Sau hơn 10 năm áp dụng, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đã có đóng góp rất lớn trong việc nâng cao tính minh bạch và độ trung thực của báo cáo tài chính, cung cấp những thông tin có chất lượng, phù hợp với trình độ quản lý và đặc thù của nền kinh tế. Nhưng cùng với sự vận động của nền kinh tế, sức ép từ việc cải cách thể chế cũng như yêu cầu quản lý, hệ thống chuẩn mực này ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế.

Một số nội dung chưa phù hợp với các giao dịch của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh thị trường vốn phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều loại công cụ tài chính phức tạp.

ThS. Trịnh Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán Bộ Tài chính 

Theo đánh giá của các định chế tài chính quốc tế và giới chuyên môn, sự khác biệt giữa VAS và IFRS hiện nay còn tương đối lớn. Sự khác biệt này đã và đang tạo ra một số rào cản, khiến nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin tài chính của doanh nghiệp Việt, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một trong những khác biệt lớn nhất giữa hai hệ thống là nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính cần được đánh giá lại theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu hồi theo IFRS, nhưng vẫn được hạch toán theo nguyên tắc giá gốc theo VAS. Điều này làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp chưa phản ánh đúng như diễn biến trên thực tế của thị trường.

Việc chưa ban hành một số chuẩn mực quan trọng như công cụ tài chính, tổn thất tài sản… khiến các doanh nghiệp chưa có căn cứ pháp lý để ghi nhận các khoản tổn thất một cách kịp thời, các công cụ tài chính phái sinh chưa được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa rủi ro cho hoạt động kinh doanh. Và một đất nước có tỷ trọng nông nghiệp còn chiếm phần lớn trong cơ cấu nền kinh tế như Việt Nam, lại chưa có chuẩn mực kế toán cho lĩnh vực nông nghiệp.

Hướng đến việc thực hiện Chiến lược kế toán, kiểm toán đến 2030, Bộ Tài chính đang triển khai nghiên cứu các nội dung của IFRS, xem xét sự khác biệt giữa VAS và IFRS, đánh giá các tác động, tính khả thi, lợi ích cũng như khó khăn, thách thức có thể gặp phải khi áp dụng IFRS, từ đó, xây dựng lộ trình và định hướng cho Việt Nam trong việc tiếp cận IFRS.

Một trong những câu hỏi lớn đặt ra cho Việt Nam hiện nay là: Có nên áp dụng nguyên mẫu IFRS hay không? Nếu có, thì đối tượng nào nên áp dụng nguyên mẫu, đối tượng nào nên áp dụng từng phần có chọn lọc? Và có cần phải ban hành một bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc gia (VFRS) tương tự như VAS trước đây hay không?

Khi áp dụng IFRS, chất lượng của báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính nhiều thông tin hữu ích cho việc ra quyết định quản lý, điều hành và đầu tư. Mặc dù cần nguồn lực đầu tư trước mắt, nhưng về lâu dài, việc áp dụng IFRS sẽ làm giảm chi phí lập báo cáo tài chính cho doanh nghiệp, thu hút được các nguồn lực từ công chúng trong và ngoài nước, huy động vốn với chi phí thấp.

Ngoài ra, việc áp dụng IFRS cũng là một yếu tố để quốc tế công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường đầy đủ, từ đó, khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ các nhà đầu tư và tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ việc áp dụng IFRS tại Việt Nam không chỉ hoàn toàn thuận lợi. Thách thức, khó khăn nhất trong việc áp dụng IFRS là vấn đề nguồn nhân lực. Các trường đại học, nơi cung cấp nguồn nhân lực đầu ra cho xã hội, chưa đưa vào chương trình đào tạo các nội dung của IFRS, dẫn đến hầu hết sinh viên khi ra trường chưa được trang bị kiến thức về IFRS.

Những người làm công tác kế toán tại các doanh nghiệp cũng chưa được đào tạo IFRS, do thiếu các cơ sở đào tạo có đủ trình độ hiểu biết chuyên sâu về IFRS. Hiện chỉ có một vài tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ACCA, ICAEW, CPA Australia có chương trình đào tạo, nhưng số lượng người tham dự chưa nhiều, phạm vi phổ biến chưa rộng.

Một khó khăn nữa là thị trường hoạt động (active market) của Việt Nam chưa đủ mạnh, các căn cứ phục vụ cho việc xác định giá trị hợp lý của một số tài sản và nợ phải trả chưa thực sự đáng tin cậy, nhất là trong bối cảnh tính tuân thủ luật pháp của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao, dẫn đến tình trạng cố tình bóp méo các thông tin được công bố theo ý định chủ quan của người quản lý, điều hành phát sinh từ việc thực hiện các ước tính kế toán một cách không trung thực.

Do IFRS yêu cầu một số kỹ thuật cao, như việc thực hiện các ước tính về giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, tổn thất tài sản, xác định giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai… nên về cơ bản, IFRS chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô lớn, công tác kế toán được thực hiện bài bản, nề nếp.

Qua khảo sát cho thấy, các quốc gia trên thế giới thường chỉ bắt buộc các đơn vị có lợi ích công chúng áp dụng nguyên mẫu IFRS, còn các doanh nghiệp khác chỉ khuyến khích vì có thể không có đủ nguồn lực cần thiết để áp dụng. 

Kể cả trong trường hợp như vậy, VAS cũng cần phải được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tiếp cận với thông lệ quốc tế như: ban hành thêm một số chuẩn mực còn thiếu so với IFRS; bổ sung các mô hình kế toán như đánh giá lại tài sản cố định, kế toán phòng ngừa rủi ro, kế toán giá trị hợp lý, tổn thất tài sản; cập nhật thay đổi của IFRS vào các chuẩn mực đã ban hành, như hợp nhất kinh doanh, kế toán thuê tài sản, trình bày báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất; bổ sung các kỹ thuật xác định giá trị có thể thu hồi, giá trị hợp lý; cho phép thực hiện các ước tính tương lai về dòng tiền, về các khoản lỗ của hợp đồng có rủi ro lớn…

Cùng với xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế, phạm vi hoạt động của các nhà đầu tư trải rộng trên toàn thế giới, kế toán không còn là vấn đề mang tính nội tại của từng quốc gia. IFRS đang ngày càng được thừa nhận rộng rãi, đến năm 2016, đã có 117 quốc gia áp dụng hệ thống chuẩn mực này; trong đó, gần 100 quốc gia áp dụng nguyên mẫu, mà không có bất cứ sự sửa đổi nào. Ngay cả Hoa Kỳ, quốc gia có truyền thống áp dụng riêng các nguyên tắc kế toán được chấp nhận (US GAAP) cũng đang trong quá trình hợp nhất hệ thống các nguyên tắc kế toán này với IFRS.

Mười năm trước, ý tưởng về việc áp dụng nguyên mẫu IFRS tại Việt Nam từng được đề cập nhưng còn khá xa vời, vì những hạn chế trong nhận thức và cách tiếp cận. Ngày nay, nhu cầu thực tiễn đòi hỏi phải xúc tiến quá trình hài hòa, thống nhất chuẩn mực kế toán quốc gia với chuẩn mực kế toán quốc tế nhằm tạo ra một ngôn ngữ chung về kế toán, giúp thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng đề án và lộ trình cụ thể để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, đảm bảo vừa mang tính hội nhập, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý và đặc thù của nền kinh tế. Theo đó, dự kiến đến năm 2020, các đơn vị có lợi ích công chúng sẽ là đối tượng bắt buộc phải lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS.

Để triển khai lộ trình này, Việt Nam sẽ phải thực hiện rất nhiều công việc, như đánh giá tác động của việc áp dụng IFRS tại Việt Nam, lựa chọn một số đơn vị có đủ điều kiện áp dụng thí điểm IFRS, tuyên truyền, phổ biến IFRS đến công chúng, xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng, tạo dựng hành lang pháp lý về IFRS…

ThS. Trịnh Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán Bộ Tài chính
Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục