Xóa bỏ cơ chế xin - cho trong cấp phép xây dựng, khó nhưng phải làm

(ĐTCK) Tình trạng cơi nới, vi phạm thiết kế không còn quá xa lạ tại các dự án bất động sản trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội. Nếu cơ chế xin - cho trong cấp phép xây dựng như hiện nay không được xử lý, thì sẽ có thêm nhiều dự án 8B Lê Trực nữa xuất hiện.
Đảm bảo cơ chế minh bạch, công khai trong quy hoạch, cấp phép dự án sẽ xóa bỏ được cơ chế xin - cho. Ảnh: Dũng Minh Đảm bảo cơ chế minh bạch, công khai trong quy hoạch, cấp phép dự án sẽ xóa bỏ được cơ chế xin - cho. Ảnh: Dũng Minh

Lem nhem vì cơ chế xin - cho

Xây dựng các dự án bất động sản, khu đô thị phải gắn với quy hoạch để tính toán về chiều cao, cũng như mật độ dân cư, sao cho phù hợp với cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này chỉ đúng ở khâu lập, thẩm định và phê duyệt ở cấp độ ban đầu, tức là mới chỉ trên bản vẽ thiết kế.

Còn trong quá trình xây dựng, công tác quản lý, giám sát bị buông lỏng, dẫn tới tình trạng cách biệt khá lớn giữa quy hoạch và xây dựng. Quốc tế gọi hiện tượng này là “sự thất bại của quy hoạch” (Planning Failure).

Không những thế, theo PGS. TS Trịnh Quốc Thắng, nguyên Trưởng bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, Trường đại học Xây dựng, sau khi phát hiện các dự án xây dựng sai phép, đáng nhẽ phải xử lý nghiêm, buộc chủ đầu tư phải dỡ bỏ hoặc đình chỉ các dự án, thì tại nhiều nơi, các cơ quan quản lý lại đưa ra hình thức “phạt cho tồn tại”, tạo tiền lệ xấu để các dự án sau làm theo.

Điển hình nhất cho tình trạng vi phạm giấy phép xây dựng là Dự án 8B Lê Trực, khi chủ đầu tư đã xây dựng vượt giấy phép 16 m về chiều cao, vượt 6.000 m2 mặt sàn. Điều đáng nói, khi dự án đã xây dựng xong phần thô và bị báo chí phản ánh, thì vụ việc mới được phanh phui.

Không chỉ Dự án 8B Lê Trực, việc các chủ đầu tư cơi nới thêm tầng, xây sai giấy phép còn xảy ra ở nhiều dự án khác trên địa bàn Hà Nội, như Chung cư 93 Lò Đúc, Khu tổ hợp chung cư Đại Thanh, SkyCity 88 Láng Hạ…

Những sai phạm không được xử lý nghiêm khắc đã biến các khu đô thị, kể cả Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm thành những đô thị lem nhem, gây quá tải về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. 

Khó nhưng bắt buộc phải làm

Việc người phụ trách Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đưa ra tinh thần kiên quyết phải dỡ bỏ phần sai phạm của Dự án 8B Lê Trực, thay vì chấp nhận ý tưởng hiến phần công trình sai phạm cho Nhà nước sử dụng được coi là một ví dụ tốt để các cơ quan quản lý xử lý với các dự án sai phạm sau và là bài học để các chủ đầu tư “phải biết sợ”.

Theo ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Quản lý đô thị, Bộ Xây dựng, việc để xảy ra tình trạng vi phạm trong xây dựng tại các dự án bất động sản là do thiếu cơ quan quản lý và giám sát quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng. Cấp giấy phép là do cấp tỉnh, cấp bộ và Chính phủ, nhưng đó mới là chủ trương trên thiết kế, còn giám sát thực thi sẽ là cấp quận, cấp phường.

Trong khi đó, lực lượng giám sát, kiểm tra tại các cấp này thiếu và không đồng bộ, chưa kể kiêm nhiệm nhiều công việc và quyền hạn thực thi cũng bị hạn chế, nên khó đảm đương việc giám sát thường xuyên và liên tục các dự án sai phạm. Do đó, cần phải có một cơ quan riêng, phụ trách quản lý, điều tiết, giám sát phát triển đô thị và dự án đầu tư xây dựng đô thị, đồng thời chịu trách nhiệm về quy hoạch tổng thể các dự án đô thị trong cả một vùng.

“Để chấn chỉnh việc này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2013 và khi có thông tư liên tịch hướng dẫn, chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để siết chặt việc quản lý các dự án bất động sản theo đúng quy hoạch. Trong đó, ban quản lý khu vực phát triển đô thị và dự án đầu tư xây dựng khu đô thị sẽ có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong việc điều phối, quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm trước các cấp lãnh đạo về quy hoạch đô thị trong của cả một vùng. Quyền hạn của ban quản lý này cũng sẽ độc lập hơn để không bị tác động trong công tác quản lý và giám sát”, ông Chiến cho biết.

Đánh giá cao tinh thần của Nghị định 11/2013, nhưng luật sư Trần Anh Hùng, Công ty Luật Bross & Partners cho biết, cần phải bổ sung thêm một số điều khác để đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin - cho”.

Cụ thể, phải đảm bảo cơ chế minh bạch, công khai thông tin dự án một cách rộng rãi, công bằng trong lựa chọn nhà đầu tư. Các đơn vị có chức năng về phê duyệt, thẩm định dự án như mô hình ban quản lý theo Nghị định 11 cũng sẽ phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, giám sát của mình, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính với quy trình cấp phép.

Ngoài sự giám sát từ ban quản lý, cần có cơ chế phát huy sự giám sát của người dân, cộng đồng xã hội, muốn vậy cần đảm bảo quyền tiếp cận các thông tin của người dân nói chung và các nhà đầu tư nói riêng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục