UBND TP Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên làm việc với các bộ ngành trung ương để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Qua đó, TP Đà Nẵng đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, thống nhất cho phép thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án được dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, xung quanh nhà ga mới, 2 bên hành lang tuyến đường sắt cũ và quỹ đất của thành phố theo quy định sử dụng tài sản công, để thanh toán thực hiện dự án BT.
Theo đó, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án trên các khu đất hoàn trả theo đúng quy hoạch của thành phố.
Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng, dự án di dời ga đường sắt đã kéo dài từ nhiều năm nay và TP Đà Nẵng đã nhiều lần đề nghị các bộ, ngành Trung ương giải quyết sớm thủ tục để dự án được triển khai thực hiện. Việc UBND TP gửi văn bản xin chủ trương của Thủ tướng chính phủ, cũng nhằm đốc thúc cho tiến độ của dự án được nhanh hơn. “Hiện thành phố đang chờ đồ án quy hoạch chung do nhà tư vấn Singapore thực hiện. Khi đồ án quy hoạch xong, thành phố mới xem xét rồi mới quyết định địa điểm mới đặt dự án. Chúng tôi cũng đã có tổ giám sát, lấy ý kiến của người dân xung quanh khu vực nằm trong quy hoạch” – ông Trung nói.
Theo Ban xúc tiến và đầu tư TP Đà Nẵng, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị đầu tư theo hình thức BT gồm 2 tiểu dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 12.000 tỉ đồng. Trong đó, tiểu dự án 1 gồm: phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và xung quanh nhà ga mới; tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng. Tiểu dự án 2 gồm đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố.
Trước đó, từ năm 2004, thành phố đã công bố quy hoạch dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng, từ vị trí hiện tại ở đường Hải Phòng (quận Thanh Khê) sang vị trí mới tại phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Từ khi công bố quy hoạch đến nay, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thiếu vốn nên dự án đã bị treo 16 năm.
Được biết, đầu tháng 4/2020 Văn phòng Chính phủ đã có Phiếu chuyển số 551/PC-VPCP chuyển Bộ GTVT đề nghị xem xét, xử lý đề xuất của UBND thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, mới đây Bộ GTVT cũng đã có văn bản (số 4316/BGTVT-ĐTCT) gửi lên Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc sớm di dời đường sắt quốc gia ra khỏi trung tâm thành phố là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng nhằm giảm thiểu ùn tắc, phát triển đô thị, ổn định đời sống.
Hiện nay, với đề xuất mới của UBND thành phố, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định đây là một giải pháp phù hợp và sớm triển khai mục tiêu xây dựng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao qua khu vực thành phố.