Dự án cũ điều chỉnh nâng công suất
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Công văn 2711/BXD-VLXD gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng, cho ý kiến về đề xuất điều chỉnh Dự án Nhà máy Xi măng Chinfon.
Trước đó, dự án này được đề xuất điều chỉnh quy mô sản xuất xi măng với công suất 3,696 triệu tấn/năm, lên 4,2 triệu tấn/năm, tăng thêm 500.000 tấn/năm so với công suất hiện tại.
Dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 7636888570 lần đầu ngày 24/12/1992, lần thứ tám ngày 25/5/2018, trong đó quy mô của dự án có công suất 3,696 triệu tấn/năm.
Dự án Nhà máy Xi măng Chinfon nằm trong Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011, trong đó gồm 2 dây chuyền, mỗi dây chuyền có công suất 1,4 triệu tấn/năm.
Không như nhiều dự án trước đây xin điều chỉnh nâng công suất bằng việc đầu tư thêm dây chuyền mới, trường hợp của Xi măng Chinfon lại khác. Trong báo cáo giải trình, lý do điều chỉnh thay đổi công suất do áp dụng quy định mới về tỷ lệ phối trộn phụ gia, theo đó tăng tỷ lệ sử dụng phụ gia là chất thải công nghiệp làm nguyên liệu thay thế clinker.
Căn cứ vào Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, quy định: “Tỷ lệ sử dụng clinker trong sản xuất xi măng trung bình toàn ngành tối đa ở mức 65%, phụ gia cho xi măng sử dụng tối thiểu 35%”, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, việc đầu tư để tăng tỷ lệ sử dụng phụ gia cho xi măng, không tăng sản lượng khai thác mỏ khoáng sản làm xi măng của Dự án là phù hợp với Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam.
Theo đánh giá của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), điều chỉnh nâng công suất thông qua phương thức áp dụng quy định mới về tỷ lệ phối trộn phụ gia, theo đó tăng tỷ lệ sử dụng phụ gia là chất thải công nghiệp làm nguyên liệu thay thế clinker là cách làm có nhiều lợi thế với doanh nghiệp sản xuất cũng như với ngành xi măng.
Áp lực tiêu thụ đè nặng
Cầu tại thị trường trong nước có hạn, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc xuất khẩu xi măng để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, xuất khẩu lại đang chứng kiến sự giảm tốc thấy rõ do các thị trường trọng điểm giảm nhập khẩu.
Tính đến thời điểm này, ngành xi măng có 90 dây chuyền, với tổng công suất 110 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất tăng thêm hàng chục triệu tấn nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia.
Riêng trong năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức rất cao do trong kế hoạch sẽ có thêm 3 dự án lớn đi vào hoạt động với công suất khoảng 8,8 triệu tấn. Đáng chú ý, 3 dây chuyền mới được đặt tại Hà Nam và Thanh Hóa, hai tỉnh có công suất thiết kế lớn nhất Việt Nam, qua đó càng làm tăng cạnh tranh tại khu vực miền Bắc.
Cung - cầu xi măng nhiều năm nay luôn trong trạng thái mất cân bằng, trạng thái dư cung luôn ở ngưỡng vài chục triệu tấn, trong khi tiêu thụ xi măng trong nước dự kiến 63 - 64 triệu tấn, khiến các nhà sản xuất càng chật vật trong khâu bán hàng.
Kể cả các thương hiệu lớn như Hoàng Thạch, Bỉm Sơn… cũng khó tiêu thụ. Ông Lê Xuân Khôi, Giám đốc Vicem Hoàng Thạch thừa nhận, tiêu thụ nội địa chậm, doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp, nhưng bán hàng rất vất vả.
Cầu tại thị trường trong nước có hạn, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc xuất khẩu xi măng ra nước ngoài để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, xuất khẩu lại đang chứng kiến sự giảm tốc thấy rõ do các thị trường trọng điểm giảm nhập khẩu.
Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, xuất khẩu xi măng, clinker trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 16,2 triệu tấn, trị giá 740 triệu USD, giảm 22% về lượng, giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ (nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu gần 21 triệu tấn xi măng và clinker, trị giá 812 triệu USD).
Dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu xi măng tiếp tục sụt giảm, bởi Trung Quốc, thị trường lớn nhất của ngành xi măng, vẫn duy trì chính sách Zero Covid, sẽ giảm nhập khẩu xi măng, clinker từ Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường Philippines, Bangladesh đang gia tăng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Đơn cử, Philippines áp thuế chống bán phá giá với xi măng, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu mức thuế trên 10 USD/tấn.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng gặp khó ở thị trường xuất khẩu clinker và xi măng. Tổng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ qua kênh xuất khẩu của Vicem nửa đầu năm nay đã giảm gần 20% so với 6 tháng đầu năm 2021. Lợi nhuận của Vicem giảm gần 14%, còn hơn 1.000 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp họ Vicem là Hà Tiên 1 cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan. Doanh thu đạt 4.343 tỷ đồng, tăng 8,5%, song lợi nhuận sau thuế lại giảm một nửa so với cùng kỳ, tụt xuống 160 tỷ đồng.
Tình hình xuất khẩu trong năm tới dự báo cũng không mấy khả quan. Theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP, thuế xuất khẩu clinker dự kiến tăng từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023 nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản. Xuất khẩu clinker giảm sẽ càng làm tăng áp lực cạnh tranh lên thị trường trong nước.