Xi măng La Hiên: vì sao Tòa án chối đơn kiện?

(ĐTCK)Theo tìm hiểu của ĐTCK, vừa qua, cổ đông của CTCP Xi măng La Hiên (XMLH) đã đệ đơn lên TAND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Tòa án tuyên bố hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2013 của Công ty.  
XMLH đã bị UBCK xử phạt hành chính vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin và quản trị công ty
XMLH đã bị UBCK xử phạt hành chính vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin và quản trị công ty

Xi măng La Hiên: vì sao Tòa án chối đơn kiện? ảnh 1

XMLH đã bị UBCK xử phạt hành chính vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin và quản trị công ty

Theo quy định tại Điều 107 Luật DN 2005 về yêu cầu hủy bỏ quyết định của ĐHCĐ thì cổ đông, thành viên HĐQT, Giám đốc, Ban kiểm soát có quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài xem xét, huỷ bỏ quyết định của ĐHCĐ nếu (1) trình tự và thủ tục triệu tập họp không thực hiện đúng theo quy định của Luật DN và Điều lệ công ty hoặc (2) trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.

Theo đơn khởi kiện của cổ đông, XMLH có nhiều vi phạm về trình tự, thủ tục triệu tập họp. Bởi trước ngày ĐHCĐ diễn ra, Công ty chỉ gửi giấy mời họp và mẫu ủy quyền, mà không gửi các tài liệu khác theo quy định.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 100 Luật DN về mời họp ĐHCĐ, thì người mời họp phải gửi kèm thông báo mời họp những tài liệu gồm: mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp.

Ngoài ra, trong đơn khởi kiện cổ đông cũng phản ảnh, thông báo mời họp có nêu ĐHCĐ sẽ xem xét và quyết định 5 vấn đề, nhưng thực tế cuộc họp lại thông qua 8 nội dung mà không được bổ sung đúng trình tự, thủ tục. Các nội dung được bổ sung thêm vào gồm sửa đổi điều lệ công ty, tờ trình đề nghị công ty mẹ bảo lãnh cho vay vốn…

Theo cổ đông, đây là các nội dung quan trọng, nên khi tổ chức ĐHCĐ, người mời họp cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, gửi tài liệu đầy đủ để cổ đông có thời gian, điều kiện xem xét.

Được biết, trước đó, cổ đông rất bức xúc vì tình trạng thiếu minh bạch thông tin của XMLH. Trên thực tế, Công ty đã bị UBCK xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, vào tháng 7/2013, sau khi kiểm tra, giám sát theo đơn kiến nghị của cổ đông, UBCK xử phạt XMLH 20 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định về Nghị quyết HĐQT, Nghị quyết ĐHCĐ, Báo cáo tình hình quản trị công ty, đồng thời phạt tiền 5 triệu đồng vì lý do không tuân thủ các quy định pháp luật về quản trị công ty. Tuy nhiên, cho đến nay, mức độ minh bạch của XMLH vẫn chưa được cải thiện, nhiều thông tin không được công bố theo quy định.

Trong khi đó, tình trạng hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty kém hiệu quả. Năm 2012, XMLH có doanh thu 646 tỷ đồng nhưng lỗ 9,96 tỷ đồng. Theo giải trình của Ban lãnh đạo Công ty là do khó khăn chung của nền kinh tế, sức tiêu thụ mặt hàng xi măng chậm, chi phí đầu vào tăng… nên thua lỗ dù doanh thu tương đối cao.

Theo đó, Công ty không chia cổ tức năm 2012 dù kế hoạch là 5%. Năm 2011, XMLH cũng khất cổ tức vì chỉ đạt lợi nhuận 14 triệu đồng. Không chỉ vậy, để đầu tư dây chuyền số 2, XMLH đã phải vay nợ khoảng 700 tỷ đồng, đến nay, theo BCTC năm 2012, Công ty có nợ ngắn hạn là 246,8 tỷ đồng, nợ dài hạn là 394 tỷ đồng.

Trở lại với đơn khởi kiện của cổ đông, sau khi xem xét, TAND tỉnh Thái Nguyên đã từ chối thụ lý với lý do cổ đông/nhóm cổ đông khởi kiện không sở hữu đủ 1% vốn điều lệ công ty. Sau đó, cổ đông có đơn kháng cáo vì cho rằng, TAND tỉnh Thái Nguyên áp dụng không đúng pháp luật.

Theo quy định tại Điều 107 Luật DN, mọi cổ đông đều có quyền khởi kiện đề nghị hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ. Tỷ lệ 1% chỉ áp dụng với trường hợp khởi kiện trách nhiệm cá nhân Tổng giám đốc, thành viên HĐQT theo quy định tại Điều 25 Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật DN. Đến thời điểm hiện tại, TAND tỉnh Thái Nguyên chưa có trả lời đối với kháng cáo của cổ đông.

Như vậy, đối với yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ, vẫn chưa có sự áp dụng pháp luật thống nhất. Thực tế, nhiều TAND cấp tỉnh vẫn thụ lý và giải quyết các vụ kiện đề nghị hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ mà chỉ cần một cổ đông nộp đơn, bất kể tỷ lệ sở hữu là bao nhiêu. Trong khi đó, vẫn có Tòa án như TAND tỉnh Thái Nguyên từ chối thụ lý đơn, theo quy định tại Luật DN có thể làm hạn chế quyền lợi của cổ đông.

>>Xi măng La Hiên bị phạt 25 triệu đồng

>>Xi măng La Hiên tiếp tục khất cổ tức

>>Xi măng La Hiên lỗ 9,9 tỷ đồng

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục