Phần thảo luận của Ðại hội kéo dài khoảng 2 tiếng mới thông qua được các nội dung tờ trình, biên bản và Nghị quyết Ðại hội. Một số ý kiến cổ đông yêu cầu Công ty thực hiện đúng quy định tại Ðiều 139, Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, tài liệu sử dụng trong cuộc họp phải gửi cho cổ đông trước 10 ngày và trước 15 ngày theo Ðiều lệ Công ty. Các cổ đông cho rằng, đến ngày Ðại hội mới phát tài liệu là hợp đồng quan trọng, giá trị hàng trăm tỷ đồng thì cổ đông không có thời gian nghiên cứu, đánh giá để góp ý và biểu quyết.
Hợp đồng quy định giá mua bán là hơn 1,4 triệu đồng/tấn, khối lượng mua bán khoảng 90.000 tấn, nhưng khi TKV có quyết định thay đổi giá bán than thì giá mua bán trong hợp đồng cũng thay đổi theo.
“Mọi quyết định thay đổi giá bán của bên bán (TKV) là một phần không tách rời của hợp đồng này”. Về chất lượng than, khi có bất thường thì hai bên sử dụng mẫu lưu hoặc lấy mẫu mới phân tích tại phòng thí nghiệm của bên bán.
Một cổ đông cho rằng, hợp đồng như vậy thì quá bất lợi cho Xi măng La Hiên và cổ đông yêu cầu Công ty phải đấu thầu 1/3 khối lượng nguyên liệu than cần dùng mỗi năm.
Cổ đông nhấn mạnh, không phản đối chuyện mua bán từ TKV, có thể đấu thầu thì vẫn là TKV hoặc một đơn vị trong TKV trúng thầu, nhưng dù sao cũng đa đạng nguồn cung và minh bạch thông tin.
Sau nhiều tranh luận, phía Ban tổ chức Ðại hội thừa nhận có sự sơ suất khi gửi tài liệu có tờ trình về việc thông qua hợp đồng với bên liên quan nhưng lại không gửi tài liệu. “Có sơ suất trong Ban tổ chức, vì vậy, xin ý kiến các cổ đông để hài hòa mục đích chung, nếu cổ đông không thông qua thì nhất trí để lại” - một vị trong Ban lãnh đạo Công ty nói.
Trao đổi lại với cổ đông, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Xi măng La Hiên cho biết, hiện có 3 nguồn cung cấp than chính từ TKV, Công ty Ðông Bắc và nhập khẩu.
Công ty đang mua than từ TKV, từ mỏ Khánh Hòa, chất lượng ổn định và giá rẻ hơn so với giá than mua ngay tại Quảng Ninh. Các khoản chưa hợp lý trong hợp đồng, Công ty tiếp thu và sẽ điều chỉnh.
Về đấu thầu, chia sẻ tại Ðại hội, một lãnh đạo Công ty cho biết, sau khi nhiều cổ đông có ý kiến về việc đấu thầu trong năm 2019, từ đầu năm 2020, Công ty đã tổ chức đấu thầu rộng rãi toàn bộ nguyên nhiên vật liệu có giá trị lớn.
Một số cổ đông cũng yêu cầu đây là hợp đồng với bên có liên quan, TKV nắm 51% vốn điều lệ Xi măng La Hiên nên theo quy định tại Ðiều 162, Luật Doanh nghiệp, trường hợp hợp đồng phải được ÐHÐCÐ, Hội đồng quản trị chấp thuận thì “thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết”.
Sau này, trong các hoạt động của Công ty, đề nghị Ban Kiểm soát, đại diện vốn Nhà nước giám sát các cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị có liên quan không được bỏ phiếu trong các giao dịch với bên liên quan.
Tại Ðại hội, các cổ đông biểu quyết thông qua hợp đồng mua bán than với TKV và đại diện cổ đông TKV không được tham gia biểu quyết do là bên liên quan. Ðồng thời, cổ đông thống nhất giao cho Ban điều hành xem xét thực hiện đấu thầu mua than từ 5 - 10% sản lượng thực hiện.
Về kế hoạch đầu tư 38,8 tỷ đồng, các cổ đông đề nghị Công ty phải tăng đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu, đề nghị cung cấp tài liệu dự án để cổ đông được biết và thảo luận.
Trao đổi với cổ đông, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, 10 năm nay, Công ty rất hạn chế đầu tư, nhiều máy móc thiết bị hiện đã cũ, hỏng, cần mua dự phòng vì việc sửa chữa có thể kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất. Công ty luôn cẩn trọng và tuân thủ Luật Ðấu thầu trong quá trình thực hiện.
Ðược biết, năm 2019, Xi măng La Hiên đạt doanh thu 695,2 tỷ đồng (vượt 10% kế hoạch) và lợi nhuận trước thuế 47,97 tỷ đồng (vượt 37% kế hoạch).
Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có 42 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Năm 2019, Công ty trả cổ tức 40%, trong đó 20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Năm 2020, Công ty dự kiến kế hoạch doanh thu 642,86 tỷ đồng, lợi nhuận 36,5 tỷ đồng và cổ tức 15%.