Xét xử vụ án đường dây cho vay lãi nặng lên tới 2.190%/năm

0:00 / 0:00
0:00
Đường dây cho vay lãi nặng thông qua các ứng dụng do các đối tượng quốc tịch Trung Quốc lập, thuê nhiều người Việt Nam điều hành để thực hiện các hoạt động cho vay với lãi suất lên tới 2.190%/năm.
Các bị cáo trong vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, liên quan tới đường dây cho vay tiền với lãi suất cao do một số đối tượng quốc tịch Trung Quốc cầm đầu. Các bị cáo trong vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, liên quan tới đường dây cho vay tiền với lãi suất cao do một số đối tượng quốc tịch Trung Quốc cầm đầu.

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đang tiến hành xét xử vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, liên quan tới đường dây cho vay tiền với mức lãi suất cao thông qua các ứng dụng (app), do một số đối tượng quốc tịch Trung Quốc cầm đầu.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được 135 bị cáo tham gia đường dây cho vay lãi nặng, được giao quản lý hoặc làm việc tại các bộ phận khác nhau. Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 5/2020 đến ngày 24/5/2022, nhóm này đã thực hiện cho 120.780 khách vay, với tổng số tiền hơn 1.608 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 732,8 tỷ đồng.

Các bị cáo này bị đưa ra xét xử về các hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; trốn thuế; cưỡng đoạt tài sản”.

Lập đường dây cho vay lãi nặng, lên tới 2.190%/năm

Đường dây này hoạt động tại Việt Nam từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, do đối tượng Li Zhao Qiang (sinh năm 1988, quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu, thành lập và chỉ đạo các hoạt động.

Năm 2020, khi hoạt động của đường dây này dần ổn định, Li Zhao Qiang về nước, việc điều hành được đối tượng này thực hiện thông qua các nhóm trao đổi trực tuyến. Hiện đối tượng này đang bị truy nã.

Cùng với đó, Li Zhao Qiang đưa 2 người mang quốc tịch Trung Quốc gồm Zhang Min (sinh năm 1986) và Liu Dan Yang (sinh năm 1992) sang Việt Nam để cùng điều hành đường dây cho vay lãi nặng, giao phụ trách bộ phận mời chào, thẩm định, nhắc và truy thu nợ đối với các khoản vay.

Mô hình hoạt động của đường dây này được Li Zhao Qiang thành lập bao gồm “công ty tổng” là Công ty TNHH Công nghệ Newstar Việt Nam và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ngôi sao Việt, để điều hành mọi hoạt động của các công ty chi nhánh, trả lương cho nhân viên, phụ trách việc thẩm định toàn bộ hồ sơ vay của khách hàng.

Các công ty chi nhánh gồm: Công ty TNHH Phát triển tầm nhìn Metag, Công ty TNHH Dịch vụ CSKH DCS do Zhang Min được giao quản lý, có nhiệm vụ nhắc nhở, truy thu nợ, sử dụng các khoản thu nợ để duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên.

Để thực hiện hoạt động cho vay, Li Zhao Qiang nạp tiền vào các tài khoản ngân hàng của Công ty Ngôi sao Việt để “làm vốn” cho vay qua các app “Cash VN”, “Vay nhanh Pro”, “Ovay”… và để Nguyễn Quang Vũ (sinh năm 1987, ở quận Ba Đình, Hà Nội), Phó giám đốc Công ty Ngôi sao Việt điều hành. Nhóm này gồm 28 nhân viên, do Trần Thị Hằng quản lý, hướng dẫn việc mời chào khách vay.

Khi có khách đồng ý vay, các nhân viên này hướng dẫn tải app về điện thoại, đăng ký tạo tài khoản, cung cấp các thông tin cá nhân và số điện thoại của một số người thân. Sau khi thẩm định xong, hệ thống sẽ tự động phê duyệt khoản vay từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng.

Trong trường hợp khách vay chậm trả tiền, thì nhóm đối tượng làm việc tại 2 công ty do Zhang Min điều hành sẽ sử dụng các biện pháp thu nợ bằng cách dùng các số điện thoại khác nhau để nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa hoặc cắt ghép ảnh của khách vay và người thân trong danh bạ, đăng lên các trang mạng xã hội để bôi nhọ, gây sức ép.

Bị cáo Zhang Min không thừa nhận chỉ đạo “khủng bố” con nợ

Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 5/2020 đến ngày 24/5/2022, nhóm này đã thực hiện cho 120.780 khách vay, với tổng số tiền hơn 1.608 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 732,8 tỷ đồng

Quá trình thẩm vấn tại tòa, bị cáo Zhang Min (quốc tịch Trung Quốc) khai, được thuê sang làm việc tại Việt Nam từ ngày 17/10/2021, công việc chính là giúp quản lý thu hồi nợ, báo cáo kết quả công việc hàng ngày cho Li Zhao Qiang.

Zhang Min khai, bản thân quản lý bộ phận truy nợ, có 2 văn phòng tại Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Bị cáo có tài khoản để quản lý số lượng khách hàng cũng như việc khách hàng thanh toán đúng hẹn hay không.

Các khách hàng chậm trả nợ sẽ được bộ phận truy nợ nhắc nhở và chia thành nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4 để dễ quản lý; tương ứng với mỗi nhóm này có các biện pháp thu nợ khác nhau.

Tuy nhiên, bị cáo này nói, bản thân chỉ biết được giao điều hành các hoạt động bình thường trong công ty và hưởng lương 70 triệu đồng/tháng, không biết các hoạt động cho vay của Li Zhao Qiang là vi phạm pháp luật và không phải là người được giao thay mặt điều hành hoạt động phạm tội tại Việt Nam.

Thêm vào đó, với mỗi nhóm khách hàng chậm trả tiền, Zhang Min khai, chỉ yêu cầu nhân viên thực hiện gọi điện nhắc nợ với mức độ khác nhau, không lên “kịch bản” về việc chửi bới, cắt ghép ảnh bôi nhọ khách hàng hoặc đăng tải lên mạng xã hội và xung quanh nhà “con nợ” như cáo trạng quy kết.

Đối với việc các nhân viên cấp dưới gọi điện cho khách hàng trả chậm đe dọa, chửi bới để đòi tiền, bị cáo Zhang Min cho rằng, đây là hành động tự phát và ham hưởng lợi nhuận (5 - 10% khoản nợ), nên các nhân viên mới phát sinh hành vi “khủng bố”, bôi nhọ khách hàng.

Thuê người Việt Nam hỗ trợ, điều hành

Để thuận tiện trong các hoạt động tại Việt Nam, Nguyễn Quang Vũ cũng được Li Zhao Qiang thuê để phụ trách điều hành hoạt động tuyển dụng, cho vay, thu nợ.

Khai báo tại tòa, bị cáo Vũ cho biết, hoạt động cho vay nặng lãi của đường dây này được Li Zhao Qiang điều hành, thông qua việc chỉ đạo trực tiếp tại Việt Nam hoặc điều khiển từ xa. Vũ cũng được bổ nhiệm là Phó giám đốc Công ty Ngôi sao Việt để ký tên các giấy tờ, giám sát hoạt động của các bộ phận, với mức lương 40 - 50 triệu đồng/tháng.

Cũng theo bị cáo Vũ, hoạt động cho vay sẽ thẩm định và đưa ra hạn mức vay dựa trên các dữ liệu về hành vi như khách hàng có sử dụng số điện thoại để kết nối Zalo hay không, số điện thoại đã dùng lâu chưa, thiết bị khách hàng sử dụng để đăng nhập vào app là gì, khách hàng đã tải, sử dụng app gì trên điện thoại... để chấm điểm khách hàng có được vay hay không, cũng như đánh giá độ rủi ro sau này.

Nếu khách hàng không thanh toán hoặc gặp khó khăn, bộ phận thu hồi nợ sẽ hướng dẫn khách hàng thanh toán, gọi điện đến số điện thoại của người thân khách hàng để nhờ nhắc nhở thanh toán.

Nhiều bị cáo thừa nhận hành vi cho vay nặng lãi, khủng bố khách hàng

Trong quá trình xét hỏi của Hội đồng Xét xử, nhiều bị cáo đã thừa nhận tội danh, đồng thời khai báo rõ về hành vi truy thu nợ không đúng quy định của pháp luật, khủng bố, đe dọa khách hàng nếu chậm trả.

Bị cáo Nghiêm Đức Giang, phụ trách nhóm nhân viên trong bộ phận truy thu nợ khai, với các khách hàng chậm trả thuộc nhóm 1 và 2, nhân viên bộ phận này sẽ gọi điện cho khách hàng nhắc nhở trả nợ đúng hạn, Công ty có kịch bản để hướng dẫn từ trước.

Đối với nhóm 3 và 4, một số nhân viên tự nghĩ ra cách thức gây sức ép, buộc khách hàng phải trả nợ như: cắt ghép hình ảnh để bôi nhọ, gọi điện cho người thân, đăng tải thông tin bôi nhọ lên mạng xã hội hoặc tại địa bàn khách hàng sinh sống...

Cũng theo bị cáo Giang, người quản lý là Zhang Min biết rõ những việc này; đồng thời nhiều bị cáo khác trong nhóm truy nợ khai, kịch bản đòi nợ theo 4 cấp được Zhang Min đưa ra, yêu cầu các nhân viên thực hiện để đảm bảo thu hồi được khoản nợ.

Thêm vào đó, một số nhân viên cũng khẳng định, được huấn luyện các “chiêu thức” đòi nợ bằng cách đe dọa, khủng bố tinh thần, cắt ghép hình ảnh để bôi nhọ rồi gửi cho khách hoặc người thân trong danh bạ của khách hàng.

Trước đó, Viện Kiểm sát cáo buộc, để thu hồi các khoản nợ, nhóm bị cáo làm việc tại Công ty Metag và Công ty TNHH Dịch vụ CSKH DCS đã đưa ra quy trình “khủng bố” khách hàng để thu hồi nợ theo các nhóm, tương ứng với các mức độ, thủ đoạn thu hồi khác nhau.

Cụ thể, đối với nhóm khách hàng nợ quá hạn từ 1 đến 3 ngày, các đối tượng sẽ gọi điện trực tiếp cho khách để yêu cầu trả nợ; nếu nợ quá hạn từ 4 đến 9 ngày, các đối tượng sẽ gọi điện chửi bới, lăng mạ, đe dọa yêu cầu khách hàng phải trả tiền. Cùng với đó, nhóm này gọi điện cho số người thân của khách (như bố, mẹ, vợ hoặc chồng... đã được khách kê khai danh bạ) để yêu cầu thông báo, gây sức ép buộc khách trả nợ.

Với nhóm nợ quá hạn từ 10 đến 17 ngày, các đối tượng sẽ dùng ảnh của khách hàng để gửi bình luận (comment) vào các bài đăng có liên quan đến tài khoản Facebook của khách hàng, kèm nội dung nhắc trả nợ, hoặc ghép ảnh mặt khách hàng với các hình ảnh rồi gửi cho khách hàng để đe dọa sẽ phát tán các hình ảnh kèm thông tin của khách lên các mạng xã hội, tại khu vực khách hàng đang sinh sống, mục đích nhằm bôi xấu danh dự của khách, gây áp lực buộc khách hàng phải trả tiền.

Đối với nhóm nợ quá hạn từ 18 đến 25 ngày, các đối tượng sẽ đăng các ảnh phản cảm đã cắt ghép của khách hàng lên các trang mạng xã hội, tại khu vực quanh nhà của khách hàng. Đồng thời, trực tiếp đến địa chỉ nhà riêng của khách hàng để đe dọa gây thương tích, buộc khách hàng phải trả tiền vay cùng tiền phạt do nợ quá hạn.

Huệ Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục