Sáng nay, 22/1, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo của 18 bị cáo trong vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” liên quan tới Công ty Phú Hưng Phát.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Hùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng để “bảo kê” sách lậu.
Đây cũng là bị cáo duy nhất kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng mình không phạm tội nhận hối lộ; không nhận bất cứ khoản tiền nào từ Công ty Phú Hưng Phát để can thiệp, tác động bỏ qua hành vi buôn bán sách lậu.
Các bị cáo khác chủ yếu kháng cáo xin xem xét giảm nhẹ hình phạt, hoặc xin được hưởng án treo.
Trước đó, tại tòa sơ thẩm, Trần Hùng bị tuyên án 9 năm tù, buộc nộp lại 300 triệu đồng là số tiền nhận hối lộ; đồng thời phạt bổ sung 80 triệu đồng.
Cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, thời điểm bị cáo buộc phạm tội, bị cáo đang giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ công tác 304, thuộc Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, do đó không có quyền hạn chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội hoặc Đội Quản lý thị trường số 17 để tha cho hành vi vi phạm của Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát.
Tuy nhiên, lời khai của Thuận và của Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) đều khẳng định, sau khi bị Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 cuốn sách “lậu”, đã liên hệ tới Trần Hùng để nhờ và được hướng dẫn thay đổi theo hướng đây là sách ký gửi.
Cùng với đó, Lê Việt Phương, cựu Đội phó Đội Quản lý thị trường số 17 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng khai nhận, sau khi tiếp nhận thông tin số sách lậu trên từ Trần Hùng và đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã tổ chức kiểm tra, thu giữ số sách trên.
Cũng theo lời khai của Phương, sau đó Trần Hùng đã gọi điện can thiệp, đề nghị theo hướng xử lý hành chính, thay vì xử lý hình sự theo quy định, do đó đã thay đổi hồ sơ, lời khai của một số người liên quan về nguồn gốc số sách lậu này.
Tại tòa sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, dù không thừa nhận việc nhận hối lộ, tuy nhiên, căn cứ thực nghiệm, tài liệu liên quan, có đủ căn cứ xác định bị cáo Trần Hùng phải chịu trách nhiệm về việc đã nhận hối lộ 300 triệu đồng.
Viện Kiểm sát đánh giá, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng cho xã hội, cần phải tuyên phạt mức án nghiêm khắc để đủ tính răn đe.
Trước đó, cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 quyển sách giáo khoa không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát biết bị cáo Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, nên liên hệ đề nghị giúp đỡ để được xử lý nhẹ.
Bị cáo Trần Hùng đồng ý với đề nghị của bị cáo Thuận, nhưng yêu cầu phải chỉ điểm một số cơ sở in lậu sách khác. Sau đó, bị cáo Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) để gặp Hùng, bày tỏ muốn chi 400 triệu đồng để xin bỏ qua vụ việc.
Tiếp đó, Hùng đã hướng dẫn các bị cáo thay đổi lời khai về nguồn gốc, chuyển từ sách do Thuận mua thành sách do người khác mang đến ký gửi. Ngoài ra, bị cáo Trần Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương, thời điểm này là Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, tạo điều kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính.
Đến sáng 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đến phòng làm việc của bị cáo Trần Hùng. Tại đây, Hải đã gọi điện để bị cáo Hùng nói chuyện với bị cáo Thuận, hướng dẫn viết lại bản tường trình thay đổi lời khai nguồn gốc sách bị thu giữ.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Hùng không thừa nhận cáo buộc nhận hối lộ. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng căn cứ lời khai của Hải cùng nhiều dữ liệu điện thoại và lời khai của những người khác, đủ cơ sở chứng minh bị cáo Hùng đã nhận 300 triệu đồng của Thuận thông qua Hải để xử lý nhẹ vụ buôn sách lậu.