Xét xử phúc thẩm đại án Agribank: Triệu tập Công ty Dệt 19/5

(ĐTCK) Tòa án đã triệu tập Công ty Dệt 19/5 để làm rõ về số nguyên phụ liệu đã bán cho Liên doanh Lifepro bằng nguồn tiền vay từ Agribank.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Agribank đã đề nghị Tòa án làm rõ nguồn gốc của số nguyên phụ liệu do Liên doanh Lifepro Việt Nam dùng tiền vay từ Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội để mua của Công ty Dệt 19/5.

Xét xử phúc thẩm đại án Agribank: Triệu tập Công ty Dệt 19/5 ảnh 1

 Phiên phúc thẩm đại án Agribank (ảnh chụp qua màn hình tại Tòa)

Số nguyên phụ liệu này đã được Cơ quan điều tra trưng cầu giám định và xác định giá trị 20,4 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã ban hành quyết định xử lý vật chứng, trả lại cho Công ty Dệt 19/5.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội đã khai, toàn số nguyên phụ liệu này được mua từ nguồn vốn vay của Ngân hàng. Do đó, Agribank đề nghị Tòa án cấp cao đưa Công ty Dệt 19/5 vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc người làm chứng để đối chứng xác định rõ nguồn gốc số nguyên phụ liệu, tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Agribank.

Về nội dung này, HĐXX làm rõ bằng việc thẩm vấn bị cáo Phạm Thị Bích Lương và đại diện của Công ty Dệt 19/5. Theo đó, từ cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 2012, Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam đã mua một số lượng nguyên liệu của Công ty Dệt 19/5. Do việc thanh toán chưa hoàn tất, nên khi xảy ra vụ án, cơ quan điều tra đã giao hàng hóa cho Công ty Dệt 19/5.

Thẩm phán chủ tọa yêu cầu đại diện Công ty Dệt 19/5 cung cấp tài liệu hóa đơn liên quan trong giao dịch này.

Được biết, ngoài nội dung này, Agribank còn yêu cầu Tòa án làm rõ một số vấn đề để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Agribank đề nghị Tòa án buộc các doanh nghiệp Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, CTCP Enzo Việt, CTCP Lifepro Việt Nam, CTCP Vietmade có trách nhiệm trả nợ cả gốc và lãi cho Ngân hàng.

Đây là các doanh nghiệp nhận và trực tiếp sử dụng tiền vay từ ngân hàng và các doanh nghiệp này phải có nghĩa vụ khắc phục thiệt hại. Việc tuyên buộc các bị cáo là cán bộ ngân hàng phải bồi thường thiệt hại đồng nghĩa với việc loại bỏ trách nhiệm của người vay. Điều này có thể tạo thành tiền lệ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến Agribank cũng như hoạt động cấp tín dụng nói chung của hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng cũng đề nghị Tòa án tính đúng, tính đủ số tài sản bị lừa đảo theo các hợp đồng tín dụng, các bản phụ lục hợp đồng cùng lãi phát sinh. Từ đó, tuyên buộc phải trả các khoản nợ gốc và lãi theo nguyên tắc pháp luật dân sự và pháp luật về tín dụng.

Sau này, khi bắt được nhóm bị can nước ngoài lừa đảo, Agribank có căn cứ từ bản án để yêu cầu bồi thường.

Ngân hàng cũng đề nghị Tòa buộc Lê Minh Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam phải trả lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính cho Agribank.

Việc tuyên buộc các bị cáo là cán bộ ngân hàng phải bồi thường thiệt hại đồng nghĩa với việc loại bỏ trách nhiệm của người vay. Điều này có thể tạo thành tiền lệ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến Agribank cũng như hoạt động cấp tín dụng nói chung của hệ thống ngân hàng.

Theo tài liệu truy tố, Liên doanh Lifepro đã hợp tác với các công ty gồm CTCP Lifepro Việt Nam, CTCP Vietmade (cùng do Lê Minh Hiếu làm giám đốc) đã ký hợp đồng liên kết nhập khẩu phụ liệu may mặc cho dự án là, các đối tượng tạo lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang. Sau đó đưa vào hồ sơ vay vốn để ngân hàng giải ngân. Lê Minh Hiếu được chia 19 tỷ đồng cho phi vụ này và lại quả cho Phạm Thị Bích Lương 3 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm không buộc Lê Minh Hiếu trả lại khoản tiền này.

Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phạm Thị Bích Lương và bị cáo Chử Thị Kim Hiền, nguyên Phó giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội đã khai về số tiền 80 triệu USD đang bị phong tỏa ở tài khoản nước ngoài.

Đây là số tiền Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội đã giải ngân để mua 6 thương hiệu liên quan đến vụ án này. Agribank đề nghị Tòa án xem xét và tuyên trả cho Agribank để xử lý thu hồi nợ giảm thiệt hại.

Theo tài liệu vụ án, Công ty cổ phần Enzo Việt thành lập tháng 7/2007. Năm 2011, Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam. Dự án Nhà máy Dệt - nhuộm - may công nghiệp của doanh nghiệp này cũng được đổi tên thành Luxfashion.

Thông qua hai công ty ký hợp đồng liên kết nhập khẩu phụ liệu may mặc cho dự án là Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam và Công ty cổ phần Vietmade (cùng do Lê Minh Hiếu làm giám đốc), các đối tượng tạo lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang nhằm vay tiền của Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội.

Hậu quả là Agribank bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền gần 2.500 tỷ đồng.

Bùi Trang - Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục