Xếp hạng tín nhiệm, hai doanh nghiệp "cân" cả thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ 4 công ty cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và hiện chỉ còn 2 công ty hoạt động. Tại thị trường màu mỡ này, các công ty đang kinh doanh ra sao?
Xếp hạng tín nhiệm, hai doanh nghiệp "cân" cả thị trường

FiinRatings “một mình một chợ”

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ khó thực hiện được quy định về điều kiện xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Bởi lẽ hiện nay, cả nước chỉ có 4 doanh nghiệp tư vấn đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings (FiinRatings), Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (SaigonRatings), Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV) và Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Credit).

Trong khi đó, cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 40.000 doanh nghiệp bất động sản và mới có 67 doanh nghiệp bất động sản niêm lên sàn chứng khoán, chiếm tỷ lệ 4,17% trong tổng số 1.605 doanh nghiệp niêm yết.

“Chỉ cần khoảng 10% số doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì 4 đơn vị tư vấn đánh giá xếp hạng doanh nghiệp đã không thể đáp ứng nổi”, đại điện HoREA nói.

Từ thông tin này, có thể nhận thấy nhu cầu xếp hạng tín nhiệm đã và đang tăng lên cùng với sự phát triển của thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, thực tế thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đang diễn ra như thế nào?

Theo Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, các dịch vụ xếp hạng tín nhiệm gồm xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức và công cụ nợ.

Trong số 4 công ty kể trên, hiện chỉ còn SaigonRatings (được cấp phép hoạt động vào tháng 7/2017) và FiinRatings (được cấp phép vào tháng 3/2020) là đang cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho khách hàng và ghi nhận doanh thu.

Trong đó, FiinRatings là đơn vị có công bố kết quả kinh doanh hàng năm với 4 hoạt động chính gồm cung cấp dịch vụ thông tin tài chính, thông tin và phân tích doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường và xếp hạng tín nhiệm.

Năm 2022 là thời điểm FiinRatings tiến hành cơ cấu lại hoạt động khi tách dịch vụ thông tin tài chính, dịch vụ thông tin doanh nghiệp và dịch vụ nghiên cứu thị trường sang cho Công ty mẹ là Công ty cổ phần FiinGroup Việt Nam trong lộ trình 24 tháng (bắt đầu từ cuối năm 2022). Theo đó, FiinRatings sẽ tập trung hoàn toàn vào mảng duy nhất là dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Điều này phần nào phản ánh sự tăng trưởng tích cực của thị trường xếp hạng tín nhiệm những năm gần đây cũng như tiềm năng lớn sắp tới, nhất là khi quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm được áp dụng (dự kiến vào năm 2024).

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Fiin Ratings (báo cáo gần nhất được công bố) cho thấy, năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu 74,5 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 4,6 tỷ đồng, tăng 76,9%.

Doanh thu của FiinRatings tăng trưởng liên tục trong 4 năm qua, từ mức 35,8 tỷ đồng năm 2019 lên mức 74,5 tỷ đồng năm 2022, tương đương tăng gấp đôi sau 4 năm. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng trưởng trở lại trong 3 năm gần đây, từ 1,3 tỷ đồng năm 2020 lên 4,6 tỷ đồng năm 2022, tương đương tăng gấp 3,5 lần sau 3 năm.

Trong cơ cấu doanh thu của FiinRatings, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm chiếm tỷ trọng còn khiêm tốn nhưng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng: Nếu như năm 2020 chỉ đạt 65,8 triệu đồng thì con số này tăng lên 7,7 tỷ đồng vào năm 2022. Diễn biến này phần nào cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2020-2022.

Đáng chú ý, tính tới nay, FiinRatings mới thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho 30 doanh nghiệp. Theo đó, mức phí đối với dịch vụ xếp hạng tín nhiệm có thể xem là khá hấp dẫn với FiinRatings.

Theo thông tin công bố của FiinRatings, trong năm 2021, chỉ 4 khách hàng đã đóng góp toàn bộ doanh thu dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của Công ty, cụ thể: Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (13,55%), Công ty cổ phần Kinh doanh F88 (14,91%), Công ty cổ phần Anh ngữ APAX (23,85%) và Công ty cổ phần Bamboo Capital (47,7%). Đây cũng là những doanh nghiệp tích cực hoạt động trên thị trường vốn năm 2021 với việc phát hành trái phiếu và các thương vụ nhận vốn đầu tư. Năm 2022, danh sách khách hàng của FiinRatings mở rộng lên 8 doanh nghiệp, đóng góp 100% doanh thu hoạt động xếp hạng tín nhiệm.

Miếng ngon dễ xơi?

Trên thế giới, mô hình của các tổ chức xếp hạng mang tính đa dạng, dựa trên sự kết hợp giữa mô hình nhà đầu tư trả tiền (investor - pay model) và mô hình nhà phát hành trả tiền (issuer - pays model).

Tại thị trường Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động theo mô hình nhà phát hành trả tiền, tức nguồn thu của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ đến từ phí xếp hạng do nhà phát hành chi trả. Điều này có thể tạo ra mâu thuẫn lợi ích giữa tổ chức xếp hạng và nhà phát hành, gây e ngại về tính khách quan của kết quả xếp hạng khi nguồn thu của tổ chức xếp hạng phụ thuộc vào doanh nghiệp phát hành.

Thực tế, cả SaigonRatings và FiinRatings đều đưa ra các cam kết đối với chuyên viên phân tích, thành viên hội đồng quản trị về việc không sở hữu cổ phần, cũng như không tồn tại các lợi ích liên quan đến công ty được xếp hạng.

Trong giai đoạn khởi đầu, khó khăn của công ty xếp hạng tín nhiệm chính là quy mô và chất lượng dữ liệu chuyên sâu về thị trường, doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi công ty chấp nhận chi phí cao trong giai đoạn thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu, cũng như chi phí cho “chất xám" của đội ngũ nhân sự chuyên môn.

Điều này lý giải vì sao các chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất tại FiinRatings là chi phí nhân viên, dịch vụ mua ngoài và mua dữ liệu. Chẳng hạn, năm 2022, chi phí kinh doanh là 66,9 tỷ đồng, trong đó chi phí nhân viên chiếm 52,8%, chi phí dịch vụ mua ngoài chiếm 18,7% và chi phí mua dữ liệu là 9,5%.

Hiện nay, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các thị trường khác trong khu vực, cùng với việc sớm áp dụng quy định bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như FiinRatings sẽ được hưởng lợi từ bối cảnh này.

Đáng chú ý, theo Quyết định 507/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, chỉ tối đa 5 doanh nghiệp được xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Như vậy, việc giới hạn số lượng giấy phép được phát hành và các điều kiện khắt khe trong quá trình cấp phép sẽ tạo lợi thế rất lớn đối với các tổ chức xếp hạng đã chính thức được cấp phép.

Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và Xếp hạng doanh nghiệp (Vietnam Credit): Được thành lập năm 2004 với tên gọi Công ty C&R Việt Nam, đến năm 2009 đổi tên thành Vietnam Credit và chính thức có các hoạt động trên thị trường xếp hạng tín nhiệm. Ngày 28/9/2012, Cơ quan điều tra công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự trốn thuế và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, xảy ra tại Vietnam Credit. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Công ty và từ đó, Vietnam Credit “vắng bóng” trên thị trường.

Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV): Được thành lập từ ngày 5/12/2006, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Mảng dịch vụ trọng tâm của Công ty là cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và thẩm định doanh nghiệp. Công ty gặp nhiều khó khăn trong hoạt động và đã ngừng cập nhật thông tin trên website từ năm 2013.

Trịnh Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục