Xếp hạng PCI 2018: Đụng trần thể chế, các tỉnh đi đầu giảm tốc

Sự giảm tốc của các địa phương đứng đầu Bảng Xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 (PCI 2018) gửi đi thông điệp cấp bách về cải cách thể chế. Dư địa cải cách còn rất lớn nếu từng chính quyền địa phương coi trọng sự thuận lợi trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Top 5 Bảng Xếp hạng PCI 2018 gồm: Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Tuấn Top 5 Bảng Xếp hạng PCI 2018 gồm: Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Tuấn

Sức ép với nhà vô địch

Sự vững vàng của Quảng Ninh trong ngôi đầu Bảng Xếp hạng PCI 2018 đã được dự báo trước. Khi công bố PCI 2018, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đại diện nhóm nghiên cứu PCI 2018 đã nhắc đến sự có mặt dày đặc của các doanh nghiệp tư nhân, các dự án đầu tư hạ tầng lớn theo hình thức PPP tại Quảng Ninh trong những năm qua để lý giải.

“Lĩnh vực thường khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khó hài lòng như thủ tục hành chính đất đai, song có tới 65% doanh nghiệp của Quảng Ninh từng thực hiện thủ tục này trong 2 năm qua tại đây không gặp khó khăn. Quảng Ninh cũng đứng đầu cả nước về chỉ tiêu này”, ông Tuấn nói.

Có tới 80% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết, thời gian thực hiện thủ tục hành chính rút ngắn hơn so với quy định và 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản. Đây là mức cao nhất cả nước. Đặc biệt, môi trường kinh doanh của Quảng Ninh đang thay đổi theo hướng minh bạch hơn, chỉ 53% doanh nghiệp cho biết cần có “mối quan hệ” để có các tài liệu của tỉnh, là con số thấp nhất so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Tuy vậy, tất cả điểm tốt trên mới chỉ đem đến cho Quảng Ninh 70,36 điểm trên 100 điểm kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Mức điểm này giảm tới 0,33 điểm so với điểm số mà Quảng Ninh đã đạt được trong PCI 2017.

Tốc độ giảm điểm này không chỉ thấy ở Quảng Ninh, mà ở hầu hết các tỉnh có mặt ở nửa trên Bảng Xếp hạng PCI 2018. “Sự chững lại của nhóm tỉnh đứng đầu PCI là điều đáng lo ngại. Hiện tượng hội tụ điểm số PCI này phản ánh một thực tế mà chúng tôi đã đưa ra trong Báo cáo PCI 2014. Đó là hiện tượng đụng trần thể chế”, ông Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đây là hiện tượng những tỉnh đứng đầu sau khi đã triển khai nhiều sáng kiến ở những khâu dễ cải cách như đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính..., nên khó có thể triển khai các sáng kiến tăng tốc cải cách.

Soi vào những xu hướng đáng quan ngại trong điều tra PCI 2018, hiện tượng này khá rõ. Có tới 16% các doanh nghiệp cho biết phải đợi hơn 1 tháng mới hoàn tất các giấy tờ cần thiết để chính thức đi vào hoạt động, tỷ lệ này năm 2014 là 10%. Có tới 53% doanh nghiệp cho biết thỏa thuận các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh. Năm 2013, tỷ lệ này là 39%. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện lên tới 38%; tỷ lệ khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật lên tới 29%...

“Đây là những việc các bộ, ngành trung ương phải xử lý. Có lẽ chúng ta cần phải bàn tới làn sóng cải cách lần thứ hai của môi trường kinh doanh, để tạo dư địa cho các chính quyền địa phương bứt phá”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói.

Câu chuyện văn hóa hành chính

Trong xu hướng hội tụ điểm số của PCI năm 2018, các tỉnh đứng cuối bảng đang tận dụng tốt lợi thế của “người đi sau”. Nhóm cuối trong PCI 2018 là Đắk Nông, Lai Châu, Bình Phước, Bắc Kạn và Kon Tum đều có sự cải thiện rất đáng kể về điểm số PCI so với năm 2017. Thậm chí, điểm số PCI 2018 của Đắk Nông và Bình Phước đều tăng trên 3 điểm so với kết quả năm trước, mức cải thiện cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố.

Sự nổi lên của các địa phương nửa cuối bảng xếp hạng đang tạo sức ép cho các địa phương nhóm đầu, nhưng cũng là động lực để các địa phương đi sau, các địa phương có nhiều bất lợi trong thu hút đầu tư, kinh doanh tìm kiếm con đường cải cách riêng.

“Tôi muốn nhắc đến sự có mặt bền bỉ của Đồng Tháp, Long An, Bến Tre... trong top 5 Bảng Xếp hạng PCI hàng năm. Đây không phải là các trung tâm kinh tế lớn, nhưng chính quyền các địa phương đã tạo nên được một nền văn hóa hành chính thân thiện với doanh nghiệp. Chính nền tảng văn hóa này tạo nên thứ hạng bền vững của năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương”, ông Tuấn nói.

Năm nay, Đồng Tháp tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình, khi đạt 70,19 điểm và xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.  Thông điệp “Thương hiệu là cái hiệu để người ta thương, mỗi khi nhớ hay nhắc đến, đều gợi cho mọi người nghĩ về những ấn tượng tốt đẹp” mà ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp luôn nhắc đến đã được cán bộ các cấp chính quyền tận lực thực thi và được cộng đồng doanh nghiệp địa phương cảm nhận rõ.

Năm 2018, có 92% doanh nghiệp tại Đồng Tháp đánh giá cán bộ có thái độ thân thiện trong quá trình giải quyết công việc, 90% nhận thấy cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả - hai chỉ tiêu này của Đồng Tháp cao nhất cả nước. “Chúng tôi mong muốn bài học thành công của các địa phương sẽ được nhân rộng. VCCI tiếp tục phát động phong trào mỗi địa phương một sáng kiến vì doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Thay đổi về chất lượng điều hành:

Những lĩnh vực có cải thiện mạnh mẽ: cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (tăng 0,73 điểm); tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế khác (tăng 0,54 điểm); cải cách hành chính (tăng 0,46 điểm); tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự (đều tăng 0,27 điểm) và tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh (tăng 0,11 điểm).

Những lĩnh vực còn lại chưa có sự cải thiện: tính minh bạch (giảm 0,09 điểm), đào tạo lao động (giảm 0,11 điểm), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 0,17 điểm) và gia nhập thị trường (giảm 0,41 điểm).

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục