Xếp hạng khu du lịch, điểm du lịch theo tiêu chuẩn quốc gia

Tại dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất quy định về việc xếp hạng khu du lịch, điểm du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Luật Du lịch 2005 quy định xếp hạng, công nhận khu du lịch, điểm du lịch ở cấp quốc gia, cấp địa phương và quy định điều kiện để công nhận các khu du lịch và điểm du lịch. Đồng thời chia thành hai cấp cơ quan có thẩm quyền công nhận là Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các điều kiện đặt ra về điều kiện tự nhiên, diện tích, chất lượng dịch vụ, khả năng cung cấp các dịch vụ...

Việc quy định như vậy đang đặt ra một số tồn tại, vướng mắc trên thực tế: Không xác định khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp địa phương được định danh trước hay đến khi được công nhận mới được gọi là khu du lịch, điểm du lịch theo từng cấp độ được quy định tại Luật; khu du lịch được hưởng các ưu đãi về đầu tư như thuế đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, thuế doanh nghiệp... nhưng trên thực tế theo quy định mới tại Luật Đầu tư thì du lịch không còn được coi là ngành, nghề được hưởng ưu đãi nữa; quy định công nhận theo hai cấp quốc gia và địa phương nhưng không có tiêu chuẩn quốc gia để thẩm định đánh giá.

Nhằm bảo đảm các khu du lịch, điểm du lịch được thẩm định, xếp hạng công khai, công bằng theo đúng tiêu chuẩn quốc gia; tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hình ảnh điểm đến, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư tại khu du lịch, điểm du lịch; bảo đảm an toàn hơn đối với khách du lịch khi đi du lịch tại những khu du lịch, điểm du lịch đã được xếp hạng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dự kiến 3 phương án có thể lựa chọn cho vấn đề này: Phương án 1A: Giữ nguyên các quy định của Luật du lịch 2005; phương án 1B: Giữ nguyên các quy định của Luật du lịch 2005 và chỉ quy định các tiêu chuẩn để đánh giá, phân loại và công nhận; phương án 1C: Thay đổi toàn bộ quy định về thẩm quyền công nhận, cách thức công nhận, và xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia để làm cơ sở đánh giá, thẩm định và xếp hạng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy phương án 1A không gây xáo trộn hệ thống quy phạm pháp luật hiện hành; không phát sinh thêm chi phí cho việc công nhận khu du lịch, điểm du lịch. Tuy nhiên, nếu giữ nguyên như các quy định của Luật Du lịch 2005 thì sẽ không khắc phục được các tồn tại, bất cập như đã phân tích ở trên và dẫn tới việc không đạt được mục tiêu của chính sách.

Phương án 1B thì khắc phục được một số tồn tại, bất cập; không gây xáo trộn hệ thống cơ quan công nhận; không phát sinh thêm chi phí. Tuy nhiên, không khắc phục được các tồn tại, bất cập như đã phân tích ở trên dẫn tới việc không đạt được mục tiêu của chính sách.

Phương án 1C khắc phục được các tồn tại, bất cập như đã phân tích ở trên, cụ thể là: Phân cấp mạnh về thẩm quyền công nhận cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tuyến dưới; căn cứ dựa trên tiêu chuẩn rõ ràng để đánh giá, thẩm định và công nhận; mức độ bảo đảm an toàn cao hơn cho khách du lịch khi lựa chọn đi du lịch ở những điểm đến an toàn; đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về du lịch. Tuy vậy, áp dụng phương án này sẽ tăng chi phí và gánh nặng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đánh giá, thẩm định và công nhận khu du lịch, điểm du lịch. Đồng thời, cần phải có một lộ trình thực hiện phù hợp để tránh các xác trộn hoạt động của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

So sánh giữa các phương án, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy hiệu quả nhất để đảm bảo các quy định pháp luật được áp dụng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội là lựa chọn phương án 1C với quy định thay đổi cách thức công nhận, điều kiện và xây dựng tiêu chuẩn quốc gia để công nhận.

Khu du lịch, điểm du lịch được xếp theo 5 hạng

Vì vậy, tại dự thảo, Bộ đã đề xuất quy định về xếp hạng khu du lịch và xếp hạng điểm du lịch như sau:

Đối với việc xếp hạng khu du lịch: Khu du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn chất lượng là hạng 1 sao, hạng 2 sao, hạng 3 sao, hạng 4 sao và hạng 5 sao. Khu du lịch được xếp hạng thống nhất trong phạm vi cả nước theo Tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng khu du lịch do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Việc thu, nộp và sử dụng phí thẩm định xếp hạng khu du lịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Sau 3 năm được xếp hạng, khu du lịch phải được thẩm định để xếp hạng lại phù hợp với thực trạng cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ của khu du lịch. Trong thời hạn sáu tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, khai thác khu du lịch, Ban quản lý hoặc chủ sở hữu khu du lịch phải gửi hồ sơ đăng ký xếp hạng khu du lịch đến cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, xếp hạng cho khu du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể về hồ sơ và trình tự, thủ tục thẩm định, xếp hạng khu du lịch.

Đối với việc công nhận, xếp hạng điểm du lịch: Điểm du lịch được công nhận ở cấp quốc gia là điểm du lịch đạt tiêu chuẩn từ  hạng 3 sao đến hạng 5 sao. Điểm du lịch được công nhận ở cấp địa phương là điểm du lịch đạt tiêu chuẩn từ hạng 1 sao đến hạng 3 sao. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể về hồ sơ và trình tự, thủ tục công nhận điểm du lịch.

Dự thảo nêu rõ, Tổng cục Du lịch quyết định công nhận khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia. Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận khu du lịch, điểm du lịch cấp địa phương.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục