Xem xét, thông qua Luật sửa đổi 7 luật ngành tài chính
Sáng nay, ngày 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Theo chương trình họp dự kiến, kỳ họp thứ 8 được tiến hành theo 2 đợt gồm đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11/2024 và đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024. Tổng thời gian làm việc dự kiến là 29,5 ngày.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia là một trong 15 dự án luật dự kiến Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo bản dự kiến chương trình gửi trình Quốc hội xem xét, thông qua, dự án Luật sửa đổi 7 luật ngành tài chính sẽ được thảo luận ở tổ và ở hội trường sau khi có trình bày tờ trình về dự án và báo cáo thẩm tra.
Cụ thể, theo chương trình dự kiến, vào cuối tháng 10/2024, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội sau đó sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Dự kiến cùng ngày, sẽ có thảo luận ở tổ về dự án Luật này.
Đầu tháng 11/2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách sẽ được thảo luận ở hội trường. Cuối tháng 11/2024, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật.
Chuyên gia kiến nghị tập trung vào các vấn đề cấp bách
Chia sẻ tại Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tuần trước nhằm lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Quản lý thuế - 4 trong 7 luật sửa đổi, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đã nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp về một số quy định của Dự thảo mang tính tăng thêm trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Đặt trong bối cảnh luật được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, ông Đức nhấn mạnh cần hết sức cân nhắc. Bởi thời gian soạn thảo ngắn, các hoạt động đánh giá tác động, tham vấn, trao đổi, đóng góp ý kiến giữa cơ quan soạn thảo và đối tượng chịu tác động là chưa nhiều, so với soạn thảo theo thủ tục thông thường. Cũng cần xem xét việc các quy định trên đã song hành của mục tiêu của việc sửa đổi, đặc biệt lưu ý việc bổ sung các quy định có tính chất tăng nặng nghĩa vụ theo một quá trình soạn thảo rút gọn.
Nhấn mạnh những ưu điểm việc thực hiện sửa đổi 7 luật của Bộ Tài chính lần này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng nếu chờ sửa lần lượt cần nhiều công sức và thời gian với quy trình hiện tại trong khi có những khó khăn vướng mắc nếu chờ đợi thêm sẽ gây tắc nghẽn ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu vấn đề đưa vào lớn mà chưa được nghiên cứu sâu, thay đổi có thể gây tác động không mong muốn đến doanh nghiệp.
Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, quyết định sửa 7 luật của Bộ Tài chính cho thấy động thái quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên, ông cũng đồng tình đây là điều không đơn giản, nhất là khi khối lượng công việc lớn, đòi hỏi đối chiếu với các thông lệ quốc tế. Do đó, việc sửa đổi cần tập trung vào các khó khăn trước mắt, những vấn đề “nóng” cấp bách.