Dừng dự án do không đồng thuận
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa chính thức đề nghị Công ty TNHH Trùng Phương (nhà đầu tư lập đề xuất dự án) dừng việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14B đoạn Túy Loan - cầu Hà Nha, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam theo hình thức Hợp đồng BOT.
Lý do dẫn đến việc dự án bị tạm dừng, lùi đến thời điểm thích hợp, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã nhận được nhiều ý kiến chưa đồng thuận với chủ trương đầu tư Dự án trong giai đoạn hiện nay của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, HĐND tỉnh Quảng Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Quảng Nam.
“Bộ GTVT sẽ xem xét việc tiếp tục đầu tư Dự án vào thời điểm thích hợp, khi có đủ điều kiện”, ông Thọ cho biết.
Đây là đầu tiên một công trình hạ tầng giao thông bị dừng triển khai do vấp phải ý kiến phản đối của chính quyền, người dân vùng dự án.
Trước đó, Bộ GTVT đã có tham vấn Thành ủy Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, HĐND TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam… về chủ trương đầu tư Dự án cho hai nội dung: phạm vi, quy mô đầu tư dự kiến và phương án hoàn vốn.
Theo đó, Dự án BOT Quốc lộ 14B đoạn Túy Loan - cầu Hà Nha dự kiến mở rộng nâng cấp tuyến đường từ 2 làn xe lên 4 làn xe cơ giới, với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Nhà đầu tư hoàn vốn trong vòng 21 năm bằng việc lập trạm thu phí tại Km 28+500 thuộc địa phận xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng với mức thu phí dự kiến là 35.000 đồng/xe loại I/lượt.
Ông Trần Thanh An, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam cho biết, Quốc lộ 14B có lưu lượng phương tiện không lớn, quy mô cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tốc xe chạy trung bình đạt 60 km/giờ, chưa xảy ra ùn ứ hay tắc nghẽn giao thông.
“Mở rộng chiều dài 26 km với quy mô 4 làn xe ô tô có cải thiện điều kiện giao thông, tuy nhiên mức độ không lớn, tốc độ xe chạy khó tăng thêm, chi phí vận tải tiết kiệm không đáng kể. Ngược lại, việc phải mua phí cầu đường làm tăng chi phí vận tải rất lớn. Do vậy, Hiệp hội không đồng tình với đề xuất đầu tư theo hình thức BOT trong giai đoạn này”, ông Trần Thanh An nói.
Chung quan điểm với lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam, ông Phan Xuân Quang, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc (Quảng Nam) cho rằng, địa phương rất mừng vì có thêm hạ tầng giao thông, nhưng BOT như thế sẽ không ổn vì chi phí tăng lên, trong khi đời sống người dân trong vùng còn đang rất khó khăn. “Nếu được, chúng tôi kiến nghị dùng nguồn ngân sách để đầu tư, còn vẫn sử dụng BOT thì lùi thời gian cho hợp lý”, ông Quang nói.
Không còn đầu tư kiểu lấy được
Không chỉ Dự án BOT Quốc lộ 14B, một công trình BOT giao thông khác cũng đang đứng trước nguy cơ bị hủy là Dự án tuyến tránh TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) theo hình thức Hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư khoảng 980 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Long, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án An toàn giao thông (PMU ATGT) cho biết, việc triển khai Dự án đang bế tắc do các nhà đầu tư tiềm năng không chấp thuận phương án đưa trạm thu phí hoàn vốn dự kiến đặt tại tuyến chính Quốc lộ 6 về đoạn tuyến tránh.
“Việc thay đổi vị trí đặt trạm thu phí sẽ khiến phương án tài chính không khả thi, nên các nhà đầu tư thống nhất dừng Dự án”, ông Long cho biết.
Được biết, Dự án tuyến tránh TP. Sơn La theo hình thức Hợp đồng BOT, được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3464/QĐ-BGTVT ngày 12/9/2014, trong đó trạm thu phí hoàn vốn cho dự án dự kiến đặt trên QL6 hiện hữu tại Km285+300.
Việc thay đổi vị trí đặt trạm thu phí sẽ khiến phương án tài chính không khả thi, nên các nhà đầu tư thống nhất dừng Dự án
Để đảm bảo đúng quan điểm, định hướng đầu tư theo hình thức PPP, vào cuối tháng 11/2016, Bộ GTVT đã yêu cầu PMU ATGT chủ động đàm phán với nhà đầu tư theo hướng dừng triển khai dự án hoặc nếu tiếp tục triển khai thì phải chuyển trạm thu phí vào trong phạm vi tuyến tránh.
Theo một lãnh đạo Ban quản lý dự án PPP (Bộ GTVT), kể từ tháng 9/2016 trở đi, các dự án BOT sẽ chỉ được triển khai nếu như có được sự đồng thuận của người dân và chỉ được thu phí hoàn vốn trên chính tuyến đường mà nhà đầu tư bỏ vốn.
Trước đó, trên cơ sở ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trong Hội nghị tổng kết đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức Hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan điểm, định hướng đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới.
Trong đó, đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, cần đảm bảo quyền lựa chọn khi tham gia giao thông của người dân và người sử dụng dịch vụ, hay nói cách khác là không triển khai các dự án theo hình thức BOT đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu; trường hợp đối với các dự án cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu thực sự cấp bách, không thể cân đối được nguồn vốn phải triển khai quy trình tham vấn ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Hiệp hội Vận tải và chỉ triển khai khi có sự đồng thuận của các bên.
“Đây là chu trình bắt buộc, không thể đảo ngược, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân vùng dự án, các doanh nghiệp sử dụng”, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định.