Xem theo nguyên lý, phương cách nào?
Chúng ta đã biết hiện nay có nhiều cách xem ngày tốt xấu khác nhau, và khi xem ngày thường xem theo thứ tự: một là ngày Hoàng đạo, hai là được Trực tốt, ba là mệnh của ngày sinh hợp với mệnh của người, tiếp đến là đối chiếu Địa chi của ngày có xung với Địa chi của người hay không và Thiên can của ngày có khắc Thiên can của người không…
Tất cả phương pháp xem ngày theo Hoàng đạo - 12 trực hiện nay, đang là cách xem phổ thông dành cho những người hiểu biết sơ cấp có thể tra nhanh mà thôi.
Người ta đối chiếu mệnh của ngày mà không đối chiếu mệnh của năm, tháng, và giờ, mới chỉ xem Thiên can, Địa chi của ngày mà chưa xem đủ Thiên can của Tứ trụ gồm năm, tháng, ngày, giờ, mọi người tra các sao tốt và sao xấu, nhưng không biết nguyên lý hình thành sao đó từ đâu.
Xem ngày đẹp nhưng không phân biệt được ngày đẹp cho việc gì: ngày đẹp cho hôn nhân khác ngày động thổ, khác với ngày khai trương, khác với ngày chuyển nơi làm việc…
Khi ứng dụng các bộ môn lý học phương Đông thì người ta luôn luôn tuân thủ theo Tam Tài là Thiên - Địa - Nhân. Và khi xem ngày đẹp, trước hết phải xem đẹp với Thiên, tiếp đến là xem đẹp với Địa, rồi mới đối chiếu với Nhân.
Hiện nay, nhiều người đang vận hành người là lấy Nhân là tiêu chí đầu tiên để đi chọn ngày hay xem đất hoặc tính việc tốt xấu là chưa đúng.
Xem ngày đẹp theo Thiên là như nào?
Kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà cho biết, nhiều người đang hiểu là xem theo Hoàng đạo, xem theo Trực, hay lấy mệnh theo Lục thập hoa giáp, nhưng đó chỉ là một phần sơ đẳng và không cần phải học nhiều cũng có thể tra được, đương nhiên những điều không tốn nhiều công sức thì hiệu quả cũng không nhiều.
Trước hết, khi xem phải đối chiếu sự tương tác giữa các Thiên can và Địa chi của năm, tháng, ngày, giờ với nhau, xem sự sinh khắc như nào tạo ra sự tốt xấu ra sao.
Ví dụ: ngày Nhâm Thìn là ngày Hoàng đạo và Trực kiến, nhưng năm 2018 là năm Mậu Tuất có Mậu khắc Nhâm và Tuất xung với Thìn, thì ngày này chắc chắn là xấu rồi theo Thiên.
Tương tự như thế, người ta đối chiếu ngày với tháng với giờ, tiếp đến người ta sẽ đối chiếu toạn bộ các Thiên can và Địa chi tương phối với nhau tạo ra các sao tốt hay xấu:
Ví dụ năm Mậu Tuất 2018, Thiên can Mậu, gặp Địa chi Tuất, được sao Thái cực quý nhân và Khôi canh quý nhân.
Nếu chúng ta làm việc gì đó vào ngày Tuất, Địa chi của năm là Tuất, phối với Địa chi của ngày cũng là Tuất sẽ được sao Hoa Cái, nếu ngày đang xem là ngày Sửu thì sẽ có sao Quốc Ấn - Thiên Ất - Thái cực quý nhân…
Cứ như thế chúng ta sẽ tìm được tổng thể tất cả các sao gồm cả tốt và xấu, rồi xem các sao đó vượng hay suy, từng sao tốt xấu cho việc nào, từ đó kết luận ngày đó đẹp hay xấu theo Thiên thời.
Như vậy, tùy ý nghĩa của các sao và độ vượng suy của sao, thì chọn ngày đẹp khi tính động thổ khác với việc chọn ngày đẹp cho hôn nhân hay khai trương, khác với ngày đẹp để nhập trạch và nhập trạch cho nhà khác với cho cơ quan.
Ví dụ, tính ngày đẹp cho kết hôn thì sao kiêng kị nhất là sao Cô thần - Quả tú, tiếp theo là các sao: Bạch hổ, Kình dương, Tai sát, Kiếp sát,…
Tại sao khi tính nhập trạch cho nhà ở khác với cơ quan? Vì nhập trạch cho nhà thì không được thấy sao Cô Thần - Quả Tú.
Nhưng khi nhập trạch cho văn phòng, công ty và tính theo tuổi người lãnh đạo thì dù có Cô thần - Quả tú cũng không quan trọng bằng việc phải có sao Ấn và Lộc và Phúc tinh.
Bởi vì làm lãnh đạo có Ấn và Lộc thì có xuất hiện thêm sao Cô thần - Quả tú thì cũng tựa là quyền lực cũng không ảnh hưởng, cũng có nghĩa là cơ quan ít nhân sự, hoặc trong công việc người lãnh đạo tự quyết định và lo toan gánh vác là chủ đạo.
Xem ngày đẹp theo Địa và Nhân là như nào?
Tùy vào mục đích làm gì mà có cách chọn ngày phù hợp
Trên đây là cách xem ngày đẹp tổng thể theo Thiên thời, và khi xem ngày đẹp theo Địa thì phải biết được thế và hướng của ngôi nhà đó là gì? Rồi chọn ngày đẹp theo cả Thiên và đẹp cả theo Địa, tức là được cả Thiên thời và Địa lợi. Một ngày đẹp theo Thiên thì chắc chắn đẹp, nhưng không phải hướng nhà nào cũng đẹp trong ngày đó, và cũng chưa chắc đẹp cho tất cả mọi việc.
Trường hợp trong thực tế liên quan đến xem ngày tốt theo Địa là: việc xem ngày đẹp để động thổ thì việc đầu tiên là phải xem các sao của phong thủy ứng chiếu với ngôi nhà đó vượng hay suy.
Tiếp đến rồi xem đến các sao tạo ra bởi sự tương tác của năm tháng ngày giờ.
Khi được ngày giờ tốt với Thiên thời thì đồng thời ngày đó cũng là ngày đẹp theo Địa. Chúng ta có thể hiểu thực tế là cùng một ngày nhưng địa phương này có thời tiết tốt nhưng địa phương khác thời tiết xấu, nơi này mưa và nơi khác nắng, cùng một giờ hướng này có nắng chiếu vào và hướng kia không có…
Khi chọn được ngày đẹp theo tiêu trí Thiên và Địa rồi mới chọn đến Nhân, tức là người có năm, tháng, ngày, giờ sinh có bị phạm với Thiên, Địa không.
Cụ thể là có phạm Thiên khắc, Địa xung không, có phạm Lục hình, Lục hại, phạm Tam tai, Tam địa sát, phạm Hướng sát, phạm Tọa sát, Kim lâu, Hoang ốc, Thái bạch, La hầu… Nếu không được tuổi người này thì chọn người khác, khi nào được người phù hợp thì lấy người đó đứng ra khởi sự.
Vận dụng đúng về thiên, địa, nhân
Kiến trúc sư Hoàng Trà khẳng định: Nhiều người xem ngày đẹp đang bị ngược với quy luật là lấy tuổi của người khởi sự để tính cho Địa, cho Thiên. Thậm chí, chỉ xem mỗi Địa chi chứ chưa tính sâu đến Thiên can. Mà cũng chỉ dùng có Thiên can và Địa chi của năm sinh chứ ít người biết vận dụng đủ Địa chi của năm tháng ngày giờ để tính cùng với vận khí của người đó nữa.
Ví dụ, người ta hay tính người tuổi Thìn, năm nay là năm Tuất thì phạm vào Lục xung. Nhưng tuổi Nhâm Thìn khác, Canh Thìn khác.
Vì năm 2018 Thiên can Mậu thì phá Nhâm, Thìn lại xung với Tuất nên rơi vào trường hợp Thiên khắc, Địa xung, cho nên năm 2018 là năm rất xấu với người sinh năm 1952 (Nhâm Thìn).
Nhưng với tuổi Canh Thìn thì Thiên can Mậu của 2018 lại tương sinh cho Thiên can Canh, cho nên dù Địa chi có xung cũng chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ so với Thiên can và tuổi Canh Thìn (1940, 2000).
Do đó, năm 2018 tuy có xung về tuổi nhưng vẫn bình thường đối với tuổi Canh Thìn, tuy nhiên còn phải xét đủ năm tháng ngày giờ.
Một điều nữa, khi người ta xem ngày đẹp, người ta hay kiêng theo Lục xung và theo câu nói quen miệng: “Thìn - Tuất - Sửu - Mùi” và những ngày và tuổi liên quan thường là tránh hết.
Điều đó cũng chưa đầy đủ và mọi người không được cập nhật kiến thức chuẩn cho nên mọi người tránh hết cho an toàn.
Nhưng thực chất, năm nay là năm Tuất, nếu như Tuất gặp Tuất lại tốt vì tạo ra sao Hoa cái. Tuất gặp Thìn đương nhiên không tốt vì Trực xung.
Tuất gặp Sửu và Mùi tạo ra sao Quả tú và Cấu giảo, nếu là xem hôn nhân là xấu, nhưng xem động thổ hay chuyển văn phòng thì chẳng sao. Như đã nói ở trên thì còn phải đối chiếu theo Thiên can và trời chi phối đất chứ đất không chi phối được trời, cho nên Thiên can ảnh hưởng mạnh hơn Địa chi rất nhiều.
Thông qua bài này là phần 2 của bài “Xem ngày đẹp để định tốt xấu sao cho đúng?” , kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà mang lại cách nhìn tổng quát và đầy đủ hơn vể thuật xem ngày đẹp, và thấy rằng việc xem ngày đẹp cần học rất nhiều kiến thức và rất phức tạp.
Chính vì việc xem xét phức tạp, cho nên trong dân gian lưu truyền các kiến thức căn bản như Lịch Vạn Niên để mọi người cùng tra cứu và khuyến cáo các bộ Dần - Thân - Tỵ - Hợi, Thìn - Tuất - Sửu – Mùi, Tý - Ngọ - Mão - Dậu để tránh ra cho an toàn.