Xé rào cản, thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nếu họ dám nghĩ, dám làm.
Phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nếu họ dám nghĩ, dám làm.

Thay đổi tư duy

Tại cuộc đối thoại chính sách “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên - Vai trò của nhà trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và địa phương” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, nhiều ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp được nêu ra.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, trong bối cảnh cạnh tranh về nhân lực do hội nhập quốc tế ngày cao vấn đề lao động, việc làm, khởi nghiệp của sinh viên khi ra trường và việc tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh đã và đang là chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.

Trên cơ sở đó, các Bộ, Ban, ngành, địa phương đã chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách để triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đối với nhiều nhóm ngành.

Thực tiễn hoạt động của các quốc gia khởi nghiệp trên thế giới cũng như báo cáo của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ về hoạt động khởi nghiệp đều đề cao vai trò của ngành Giáo dục nói chung và trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Trước hết, có thể thấy, nếu chia khởi nghiệp thành 3 giai đoạn gồm truyền cảm hứng; ý tưởng, giải pháp khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp thì trong cả 3 giai đoạn đó, giáo dục đều có vai trò hết sức quan trọng.

Nói về yếu tố nhằm thúc đẩy khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên ông Phạm Thành Huy, Thành viên HĐQT Tập đoàn Phenikaa, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho hay, hoạt động khởi nghiệp phải lấy yếu tố con người làm hàng đầu.

Muốn làm được như vậy các trường đại học phải xây dựng mô hình trường đại học đổi mới sáng tạo, tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư trực tiếp vào thành lập các doanh nghiệp với phần vốn của nhà trường và các nhà khoa học cùng đóng góp.

Chẳng hạn, như tại Phenikaa, nhà trường dành một phần kinh phí để sinh viên có thể tiến hành các nghiên cứu để bắt đầu quá trình khởi nghiệp.

Nhà trường cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho các thầy cô tham gia các hoạt động khởi nghiệp cùng các em được tính giờ như giảng dạy.

Còn đối với khối phổ thông, theo ông Huy, các nhà trường không nên đặt bài toán các em làm gì ra tiền mà quan trọng thay đổi cách suy nghĩ, định hướng tương lai của chính các em.

Ý kiến của ông Võ Xuân Hoài, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia thì cho rằng, hiện nay vấn đề khởi nghiệp còn có khó khăn về chất lượng nhân lực khởi nghiệp, sự kết nối các nhà trường, cơ chế cho các chuyên gia hướng dẫn khởi nghiệp.

Để khắc phục những hạn chế cố hữu tồn tại liên quan công tác khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Đào tạo Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Trung Nguyên Legend cho hay, việc xây dựng ý chí khởi nghiệp là một trong những nội dung quan trọng.

Bên cạnh đó, cần tránh khuynh hướng đánh đồng khởi nghiệp và kiếm tiền, cần mở rộng tiêu chí đánh giá khởi nghiệp như các nhà khoa học, các nhà văn, các lĩnh vực khác.

Các nhà trường cũng cần khuyến khích học sinh, sinh viên đọc sách liên quan tới các kiến thức như kinh tế, chính trị, đạo đức học, ngôn ngữ học, võ học, y học là những nền tảng cần thiết cho khởi nghiệp.

Mỗi cơ sở giáo dục cần là vườn ươm tài năng

Theo ý kiến của bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo (FIIS), Trường Đại học Ngoại thương để thúc đẩy khởi nghiệp cần lấy giáo dục làm nền tảng, khơi dậy khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần người làm chủ, dám nghĩ, dám làm.

Đối với sinh viên cần xác định rõ rằng không phải ra khỏi cuộc thi là sẽ thành doanh nghiệp mà mỗi sinh viên phải xác định rằng quá trình nuôi dưỡng ước mơ, biến tinh thần thành hành động, đưa môn học sáng tạo khởi nghiệp trong học chính quy, đào tạo ngoại khóa.

Triển khai các hoạt động cụ thể về đào tạo tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong toàn bộ giảng viên, xây dựng theo nhiều cấp độ khác nhau.

Ngoài ra, các nhà trường cần có cơ chế ghi nhận cho hoạt động của sinh viên như nghiên cứu khoa học, hay công nhận giảng dạy của giảng viên.

Ở một khía cạnh khác, ông Bùi Thành Đô, Giám đốc Quỹ ThinkZone II, Quỹ đầu tư nội địa lớn nhất Việt Nam, cần đẩy mạnh việc khơi thông nguồn vốn đầu tư để thúc đẩy nguồn lực tài chính cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, các trường học, cơ sở giáo dục giữ vai trò quan trọng, các vườn ươm là nền tảng cho các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

“Đối với các em học sinh, sinh viên tham gia các dự án khởi nghiệp không đặt nặng vấn đề kinh doanh, thương mại, cần tập trung vào các mục tiêu thực tế, không mang tính lý thuyết”, ông Đô nêu.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần khuyến khích hoạt động khởi nghiệp trên nhiều phương diện, ví dụ như chính sách tuyển sinh đại học, ưu tiên xét tuyển; phát triển khung trình độ khoa học công nghệ kỹ thuật cao, nông lâm thủy sản, đưa thêm kỹ năng, kiến thức mới cho sinh viên;

Bà Thủy cũng cho rằng, các cơ sở giáo dục cần xây dựng bộ tiêu chí đề xuất cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời phát triển mô hình đổi mới sáng tạo quan trọng, như mô hình đại học số.

Còn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nêu quan điểm, với các trường phổ thông, nhà trường cần cung cấp cho học sinh các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng về tư duy sáng tạo và khởi nghiệp, thông qua các môn học, hoạt động đào tạo và hệ thống tài liệu.

Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm thực tế để học sinh được chứng kiến cụ thể các hoạt động về nghề nghiệp, việc làm từ đó định hướng đúng về năng lực sở trường, bản thân và hình thành các ý tưởng khởi nghiệp.

Tạo môi trường để học sinh được tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, STEM các hoạt động thực hành, sản xuất thử thông qua môi trường doanh nghiệp.

Các trường đại học, trước hết, phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên.

Cung cấp những kiến thức cơ bản, xây dựng những chương trình đào tạo tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, cung cấp kiến thức cần thiết để thế hệ trẻ có thể đối mặt với các vấn đề của thực tiễn một cách tích cực nhất, nhìn thấy trong các khó khăn những cơ hội mang tính thách thức, có niềm tin và động lực để giải quyết khó khăn, mang lại giá trị cho bản thân, cộng đồng và doanh nghiệp...

Ngoài ra, trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có tinh thần doanh nhân, kiến thức, kỹ năng và thái độ lao động tích cực, là nguồn tài nguyên lớn giúp doanh nghiệp, trong đó, có các doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng trưởng một cách bền vững.

D.Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục