Xây thị trường chứng khoán phái sinh: Mong thành công sẽ song hành cùng sự nỗ lực

(ĐTCK) Hiện tại, các công việc chuẩn bị cho thị trường chứng khoán phái sinh như pháp lý, hệ thống, quy trình, quy chế vận hành… đã được UBCK, HNX và VSD hoàn tất và đề án khai mở thị trường phái sinh đang chờ Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để chốt ngày.
Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD (bên trái) và ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank (bên phải) trao đổi biên bản ký thỏa thuậ hợp tác Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD (bên trái) và ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank (bên phải) trao đổi biên bản ký thỏa thuậ hợp tác

Sau lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) ngày 15/5/2017, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng nắm chặt tay ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch VietinBank, nói: “Thị trường mới, có thể cần 3-5 năm để làm nên hiệu quả, nhưng tôi tin TTCK phái sinh Việt Nam sẽ phát triển tốt. 

Trên thị trường mới mẻ này, những nỗ lực góp sức tạo dựng nền chứng khoán phái sinh Việt Nam như tại VietinBank là rất đáng trân trọng. Tôi mong sẽ đến ngày VietinBank thành công cùng TTCK phái sinh, cùng ngành chứng khoán Việt Nam”.

Hiện thực hóa một tầm nhìn chiến lược

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quyết định 366 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam. Tại Quyết định này, lộ trình xây dựng nền chứng khoán phái sinh được xác lập trên nền tảng thực tế, thị trường cơ sở sau hơn 10 năm vận hành đã có những đóng góp thiết thực cho nền kinh tế.

Sau quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), VSD và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) xây dựng và triển khai Đề án phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam và đến nay, như chia sẻ của ông Vũ Bằng, mọi công tác chuẩn bị cho thị trường này đã hoàn tất để sẵn sàng cho ngày khai mở.

Trong việc xây dựng TTCK phái sinh - thị trường hoàn toàn mới và rất phức tạp, ông Vũ Bằng chia sẻ, khâu khó nhất nằm ở việc xây dựng một hệ thống bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh. Đây là khâu trọng yếu để đảm bảo sự vận hành thành công của một thị trường nhiều cơ hội, nhưng rất rủi ro này.

Bên cạnh khối công việc của UBCK, HNX và VSD, năm 2015, UBCK đã quyết định chọn lựa VietinBank làm ngân hàng chỉ định thanh toán trên TTCK phái sinh Việt Nam.

“Chúng tôi nhận được nhiều hồ sơ của các đối tác lớn khi đó, nhưng đã quyết chọn VietinBank bởi đây là một định chế tài chính lớn, uy tín và có bề dày hoạt động vững vàng, có tỷ lệ an toàn tài chính cao và đặc biệt là có hệ thống công nghệ thông tin cùng đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, khát vọng”, ông Bằng nói.

Sau 3 năm chứng kiến sự phối hợp nghiên cứu, triển khai công việc với VSD, Chủ tịch UBCK cho rằng, VietinBank là sự lựa chọn đúng đắn. Mấu chốt làm một dự án hay xây một thị trường mới thành công là ở con người.

VietinBank đã mang đến cho ngành chứng khoán không chỉ là sự phối hợp với VSD, cùng sáng tạo, cùng “lăn xả” xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ cho TTCK phái sinh, mà còn là một niềm tin: niềm tin vào sự bền bỉ và nỗ lực xây một thị trường có ích cho đất nước trong dài hạn.

Mong thành công sẽ song hành cùng sự nỗ lực

TTCK Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/7/2000 với khởi điểm là 2 mã cổ phiếu niêm yết và 6 công ty chứng khoán.

Sau 17 năm hình thành và phát triển, TTCK đã khẳng định vị thế, tầm quan trọng của thị trường tài chính bậc cao khi thu hút trên 1.200 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn, quy mô vốn hóa thị trường đang hướng đến mốc 100 tỷ USD.

Thị trường không chỉ tạo nên một kênh huy động vốn mới cho Chính phủ và các doanh nghiệp, mà văn hóa minh bạch, bắt đầu từ doanh nghiệp niêm yết, đã và đang lan tỏa đến mọi loại hình doanh nghiệp, mọi chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong dịp kỷ niệm 15 năm hoạt động của ngành chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành như TS. Trần Du Lịch, TS. Vũ Viết Ngoạn, TS. Vũ Thành Tự Anh hay các doanh nhân tiên phong tham gia TTCK từ ngày đầu như Nguyễn Thị Mai Thanh, Nguyễn Duy Hưng… đều chia sẻ, họ đã không thể hình dung TTCK có thể lớn mạnh như vậy trên nền tảng non nớt những ngày đầu.

Câu chuyện TTCK phái sinh Việt Nam sắp khai mở tới đây, cũng trên nền tảng còn non nớt với 3 sản phẩm đầu tiên (hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai chỉ số HNX 30) và chưa đầy 10 thành viên giao dịch, liệu có bước phát triển như thị trường cơ sở hay không? Thời gian sẽ mang đến câu trả lời chính xác.

Tuy nhiên, niềm tin nền chứng khoán phái sinh sẽ thành công và thành công sớm hơn thị trường cơ sở là rất lớn, bởi TTCK phái sinh hôm nay được xây dựng trên nền một TTCK cơ sở đã định hình, câu chuyện về chứng khoán Việt Nam đã được biết đến trên toàn cầu, với hàng nghìn nhà đầu tư quốc tế đang rót vốn vào chứng khoán Việt Nam…

Như chia sẻ của Chủ tịch VietinBank Nguyễn Văn Thắng, lễ ký kết giữa VSD và VietinBank là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu của quá trình triển khai, vận hành TTCK phái sinh Việt Nam.

Không chỉ làm ngân hàng thanh toán, Chủ tịch Vietinbank cho biết, trong thời gian tới, VietinBank và các công ty thành viên như Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam và Công ty Quản lý quỹ Vietinbank sẽ tiếp tục tham gia sâu rộng hơn vào TTCK phái sinh.

Hiện tại, các công việc chuẩn bị cho thị trường này như pháp lý, hệ thống, quy trình, quy chế vận hành… đã được UBCK, HNX và VSD hoàn tất và đề án khai mở thị trường phái sinh đang chờ Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để chốt ngày.

Thị trường mới mở ra, tạo cơ hội cho tất cả, nhưng ở vị trí “người thuyền trưởng” ngành chứng khoán, Chủ tịch Vũ Bằng chia sẻ, ông mong rằng, những nỗ lực xây thị trường sẽ lan tỏa đến nhiều chủ thể, góp sức và hướng đến mục tiêu cùng thành công trong tương lai.          

VietinBank đã vượt qua thách thức để xây dựng một giải pháp tổng thể, linh hoạt, đáp ứng nhiều phương thức kết nối với các công ty chứng khoán

Xây thị trường chứng khoán phái sinh: Mong thành công sẽ song hành cùng sự nỗ lực ảnh 1

 Ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch VietinBank

Xây dựng và phát triển TTCK phái sinh là một mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả của TTCK, thu hút thêm vốn, tăng giá trị giao dịch và thanh khoản thị trường; đồng thời cung cấp thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư - nhất là rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro vỡ nợ tín dụng.

Ngay khi được UBCK lựa chọn là ngân hàng thương mại duy nhất làm Ngân hàng thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh, VietinBank đã xác định đây là vinh dự và trọng trách lớn của toàn hệ thống. Với tính chất không chỉ là một dự án lớn của VietinBank mà còn là dự án trọng điểm của UBCK, VietinBank đã ưu tiên dành nguồn đầu tư về nhân sự cũng như hệ thống kỹ thuật tốt nhất để đảm bảo quá trình phối hợp hiệu quả và thành công.

Thực tế, TTCK phái sinh lần đầu tiên được xây dựng và triển khai tại Việt Nam với yêu cầu phải xây dựng một hệ thống kết nối giao dịch, bù trừ, thanh toán hoàn toàn mới giữa HNX, VSD, VietinBank và các công ty chứng khoán.

Do điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị có nhiều khác biệt, nên việc tích hợp và đồng nhất hệ thống là thách thức rất lớn đối với VietinBank.

Tuy nhiên, với sức mạnh vượt trội, VietinBank đã vượt qua thách thức này để xây dựng một giải pháp tổng thể, linh hoạt, đáp ứng nhiều phương thức kết nối với các công ty chứng khoán, đồng thời đảm bảo tuân thủ bộ quy chế điều tiết thị trường về giao dịch và thanh toán chứng khoán của các cơ quan quản lý.

Đến nay, VietinBank đã hoàn thành và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan quản lý cũng như các công ty chứng khoán triển khai TTCK phái sinh tại Việt Nam theo đúng lộ trình. 

Chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo cho hệ thống thanh toán chứng khoán quốc gia vận hành an toàn

Xây thị trường chứng khoán phái sinh: Mong thành công sẽ song hành cùng sự nỗ lực ảnh 2

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam 

Trong 20 năm hoạt động của ngành chứng khoán Việt Nam, một trong những đề án phức tạp nhất và có sự chuẩn bị mất nhiều thời gian nhất cho việc hình thành một thị trường mới đó là Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam.

Bởi lẽ, đây là sản phẩm tài chính có hiệu ứng đòn bẩy cao, lơi ích lớn, nhưng rủi ro cũng nhiều, nếu không có cơ chế giám sát thì có thể dẫn đến sự đổ vỡ của cả hệ thống. Tại Việt Nam, việc quyết định xây dựng TTCK phái sinh trong bối cảnh TTCK cơ sở hoạt động được 17 năm là một tiến bộ rất lớn, bởi trên thế giới, TTCK phái sinh thường ra đời rất muộn so với chứng khoán cơ sở và nhiều quốc gia trong khu vực mất hàng thập kỷ để nghiên cứu, xây dựng hình mẫu cho thị trường này.

Tại VSD, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK, VSD đã tập trung mọi nguồn lực, phối hợp cùng đối tác VietinBank, triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ  giao dịch chứng khoán phái sinh.

Chúng tôi đã và sẽ không ngừng nỗ lực để cung cấp một cách hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ sau giao dịch; đảm bảo cho hệ thống thanh toán chứng khoán quốc gia vận hành an toàn, bảo mật, giúp TTCK cơ sở cũng như thị trường phái sinh hoạt động thông suốt, hiệu quả, hướng tới các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục