“Xây lụi” nhà xưởng trong Cụm công nghiệp Phước Tân: Vụ việc lớn, song chỉ có 11 cán bộ cấp dưới bị xử lý

0:00 / 0:00
0:00
Vụ việc hàng chục công trình, nhà xưởng công nghiệp quy mô lớn “xây lụi” trên khu đất 72 ha không thuộc diện quy hoạch cụm công nghiệp được cho là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhưng TP. Biên Hòa chỉ xử lý kỷ luật cán bộ ở cấp phòng và cấp phường, khiến dư luận phải đặt nhiều dấu hỏi.
Nhiều nhà xưởng mọc trái phép trong khu hơn 72 ha của Cụm công nghiệp Phước Tân Nhiều nhà xưởng mọc trái phép trong khu hơn 72 ha của Cụm công nghiệp Phước Tân

Cách chức ở cấp xã, khiển trách ở cấp phòng

UBND TP. Biên Hòa vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai báo cáo xử lý trách nhiệm cán bộ theo Kết luận thanh tra số 2804/KL-UBND, ngày 18/3/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai về sai phạm tại Cụm công nghiệp Phước Tân.

Theo đó, UBND TP. Biên Hòa đã xử lý 11 cán bộ có liên quan trong công tác quản lý đất đai, xây dựng.

Cụ thể, ở cấp thành phố, đã áp dụng hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Lê Văn Trung, nguyên Chánh văn phòng HĐND - UBND TP. Biên Hòa; ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị; ông Trần Huỳnh Sơn, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị; bà Lý Mỹ Hậu, chuyên viên Văn phòng HĐND - UBND TP. Biên Hòa.

Kỷ luật bằng hình thức khiển trách với ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường; ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Phòng Quản lý đô thị; ông Trần Quang Huấn, nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đô thị.

Ở cấp phường, kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Mai Tấn Tài, nguyên Chủ tịch UBND phường Phước Tân và ông Huỳnh Thành Phương, nguyên Phó chủ tịch UBND phường Phước Tân. Hạ bậc lương với ông Nguyễn Hiếu Cường, cán bộ địa chính phường Phước Tân; khiển trách ông Nguyễn Trí Nhân, nguyên cán bộ địa chính phường Phước Tân.

Thanh tra sao, thì xử lý vậy

Trước đó, theo Kết luận thanh tra số 2804/KL-UBND, ngày 18/3/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai, thì khu vực rộng hơn 72 ha thuộc đất trồng rừng chỉ mới được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho chủ trương quy hoạch làm Cụm công nghiệp Phước Tân. Dù mới có chủ trương, nhưng tại khu vực này đã có 41 trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh hoặc đất thương mại dịch vụ.

Có 7 trường hợp được UBND TP. Biên Hòa ký quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng (9 thửa đất) từ đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ không phù hợp với quy hoạch, vi phạm Điều 58, Luật Đất đai năm 2013; Điều 14, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Có 45 trường hợp xây dựng các công trình, nhà xưởng công nghiệp với quy mô lớn trên đất không được phép xây dựng, xây dựng không phép để sản xuất, kinh doanh hoặc cho thuê; 34 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; 22 cơ sở đang sử dụng điện nhưng không ký hợp đồng mua bán với công ty điện lực; 37 cơ sở chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy...

Kết luận thanh tra của tỉnh Đồng Nai cho rằng, các trường hợp vi phạm nêu trên là hộ gia đình, cá nhân đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, tự ý xây dựng nhà xưởng, nhà kho, các công trình xây dựng khác trên đất nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh hoặc cho thuê.

Còn các đơn vị quản lý nhà nước liên quan thì chỉ là… chưa kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, đăng ký kinh doanh, đầu tư, sử dụng điện, phòng cháy, chữa cháy, kê khai nộp thuế; chưa kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai các biện pháp để chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Thế nên, những sai phạm trên thuộc trách nhiệm của UBND phường Phước Tân, UBND TP. Biên Hòa, như thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng kéo dài; chưa kịp thời kiểm tra, xử lý hoặc có kiểm tra, xử lý nhưng chưa quyết liệt trong việc ngăn chặn; chưa kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra trong việc xử phạt vi phạm hành chính...

“Con voi” có dễ lọt “lỗ kim”?

Lật lại hồ sơ, hơn 72 ha nêu trên nằm ở địa bàn xã Phước Tân là đất quy hoạch loại đất rừng sản xuất theo Quyết định số 4133/QĐ-UBND, ngày 18/10/2006 của UBND huyện Long Thành.

Tới năm 2009, UBND huyện Long Thành ban hành Quyết định số 4514/QĐ-UBND về việc xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết đến năm 2010, kế hoạch sử dụng đất chi tiết 2006 - 2010 xã Phước Tân. Theo đó, trong hơn 72 ha trên, có 31,4 ha đất quy hoạch đất cơ sở sản xuất, kinh doanh và 40,6 ha đất quy hoạch đất rừng sản xuất.

Khi xã Phước Tân được chuyển giao về TP. Biên Hòa, theo Quyết định số 304/QĐ-UBND ngày 23/1/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai (duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015 của xã Phước Tân, TP. Biên Hòa), thì hơn 72 ha này có chức năng quy hoạch cụ thể như sau: 6,7 ha đất quốc phòng; 31,25 ha đất thương mại dịch vụ; 33,55 ha đất cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Năm 2015, theo Quyết định số 734/QĐ-TTg, ngày 27/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, thì khu vực hơn 72 ha nêu trên không thuộc diện quy hoạch cụm công nghiệp.

Báo cáo mới đây của UBND TP. Biên Hòa thể hiện, về chủ trương thành lập cụm công nghiệp, ngày 13/2/2015, Bộ Công thương có Văn bản số 1748/BCT-CNĐP đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Đề án bổ sung Cụm công nghiệp Phước Tân vào Quy hoạch Phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sau đó, ngày 1/4/2015, UBND TP. Biên Hòa có Văn bản số 2085/UBND-XDCB kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xin ý kiến của Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Biên Hòa từ đất công viên rừng trồng và quy hoạch đất ở dự án sang chức năng quy hoạch đất công nghiệp.

Tới tháng 11/2015, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai có Báo cáo số 3434/BC-SCT kiến nghị UBND tỉnh này giao UBND TP. Biên Hòa cập nhật Cụm công nghiệp Phước Tân vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất hàng năm để trình cấp thẩm quyền phê duyệt; đồng thời giao UBND TP. Biên Hòa lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố từ đất công viên rừng trồng sang chức năng quy hoạch đất công nghiệp.

Tiếp đó, tháng12/2015, UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 10053/UBND-KT chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch đất công viên rừng trồng và quy hoạch đất ở dự án sang chức năng quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân và giao UBND TP. Biên Hòa lập các thủ tục liên quan theo quy định.

Cũng trong tháng 12/2015, UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 10634/UBND-KT xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương về bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân và nhận được sự thống nhất vào đầu năm 2016 từ 2 bộ này.

Đến tháng 2/2017, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 4738/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 TP. Biên Hòa, quy hoạch hơn 72 ha là đất cụm công nghiệp.

Nhưng tới tận tháng 1/2022, UBND tỉnh Đồng Nai mới có Quyết định số 89/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 TP. Biên Hòa; trong đó, diện tích 72,08 ha đất phường Phước Tân được quy hoạch là đất cụm công nghiệp.

Lật lại diễn biến trên để thấy, từ năm 2016, tức là mới ở giai đoạn các bộ, ngành có ý kiến về bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân, thì một doanh nghiệp bất động sản đã có văn bản đề nghị thỏa thuận địa điểm đầu tư và thành lập Cụm công nghiệp Phước Tân. Mặc dù các thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện, nhưng công ty này đã phân lô cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp thuê đất tại đây để rồi từ đó hình thành tới 45 công trình, nhà xưởng công nghiệp với quy mô lớn, hoạt động rầm rộ.

Từ diễn biến trên, câu hỏi đặt ra là: Việc chuyển đất rừng thành đất cụm công nghiệp thời điểm năm 2016 mới chỉ nằm trong trao đổi lấy ý kiến giữa các cơ quan nhà nước qua văn bản hành chính, vậy mà ai đã “bật xi-nhan” cho doanh nghiệp, để ngay trong năm 2016, nhiều cá nhân đã tiến hành xây nhà xưởng công nghiệp?

Vào tháng 1/2019, sau khi vụ việc đã bùng lên và Đoàn Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc, một số doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phước Tân đã kiến nghị Đoàn Công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho các công trình này tồn tại. Lý do các doanh nghiệp đưa ra là họ đã bỏ vốn lớn để đầu tư nhà xưởng, tuyển dụng nhiều công nhân, nếu tháo dỡ sẽ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến người lao động.

Sự việc này lại khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: Với doanh nghiệp, “đồng tiền” luôn “liền khúc ruột” và ai cũng muốn ổn định, phát triển. Nên nếu không được “tạo điều kiện” hoặc “biết trước” khu vực đó sẽ là cụm công nghiệp, thì doanh nghiệp có dễ dàng đổ “núi tiền” ra đầu tư để rồi phải gánh chịu thiệt hại?

Giữa TP. Biên Hòa, người dân xây cái nhà nhỏ không phép trong hẻm còn có thể phát hiện. Vậy hàng chục nhà xưởng trái phép hình thành và hoạt động rầm rộ suốt nhiều năm trời thì kết luận cán bộ “chưa phát hiện kịp thời” hoặc “chưa quyết liệt, thiếu đôn đốc”… liệu có thuyết phục?

Theo báo cáo của UBND TP. Biên Hòa, cơ quan này đã chỉ đạo UBND phường Phước Tân (xã Phước Tân cũ) quản lý chặt chẽ, giữ nguyên hiện trạng khu vực đất 72 ha và vùng giáp ranh, không có phát sinh mới; 48 doanh nghiệp trong khu vực Cụm công nghiệp đã lập bản cam kết giữ nguyên hiện trạng, cam kết không phát sinh vi phạm.

Cơ quan chức năng TP. Biên Hòa cũng đã hoàn thiện kế hoạch di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, vi phạm trong lĩnh vực đất đai (đã được xử lý vi phạm hành chính trước đây) hoặc không phù hợp quy hoạch tại phường Phước Tân.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo UBND TP. Biên Hòa bắt đầu từ năm 2023 phải xây dựng lộ trình di dời các nhóm doanh nghiệp này, đến năm 2025 là hạn chót cho phép tồn tại tại Cụm công nghiệp Phước Tân. Sau đó, TP. Biên Hòa tham mưu để có quy hoạch theo đúng định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục