Xây Luật mới cho kinh doanh bảo hiểm

(ĐTCK) Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 4, thị trường đang có hơn 10 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn hiệu lực, tương đương với gần 10% dân số Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm.
Xây Luật mới cho kinh doanh bảo hiểm

Nhiều người kỳ vọng, sự tăng trưởng mạnh của tầng lớp trung lưu trong xã hội sẽ là yếu tố tốt nhất để thúc đẩy ngành bảo hiểm nhân thọ phát triển. Để góp phần khai thác sự phát triển của thị trường này trong giai đoạn mới, theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, Bộ Tài chính đang xây dựng và dự kiến đề xuất Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2021 một bộ luật kinh doanh bảo hiểm mới hoàn toàn cho phù hợp xu thế phát triển hiện tại. 

“Luật kinh doanh bảo hiểm mới kỳ vọng giải quyết được tất cả những vướng mắc mà luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi những năm trước còn chưa tháo gỡ được. Ngoài ra, để công tác thống kê dữ liệu khách hàng được phối hợp tốt hơn, Hiệp hội Bảo hiểm cũng đã đề nghị Bộ Y tế khi sửa luật khám chữa bệnh sẽ bổ sung chặt chẽ hơn về các quy định chia sẻ thông tin”, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết. 

Bảo hiểm là ngành có đặc thù phải làm việc trực tiếp với số liệu, dựa trên nền tảng của "luật số lớn" và vận dụng xác suất thống kê, tính toán thẩm định, dự báo… Những năm gần đây, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra một hệ cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý ngành một cách nhanh chóng, thuận tiện và thống nhất… Tuy nhiên, các ứng dụng di động này vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa thể giải quyết yêu cầu về dữ liệu lớn của ngành bảo hiểm hiện nay như dự đoán chính xác nhu cầu mỗi nhóm khách hàng để xây dựng gói sản phẩm thích hợp…, cũng như quản lý tốt vấn đề trục lợi bảo hiểm đang ngày càng phức tạp.

“Dù hợp đồng bảo hiểm hiện nay, trong phần bảng câu hỏi, các doanh nghiệp bảo hiểm bao giờ cũng có một câu: Khách hàng mua hợp đồng bảo hiểm đồng ý chia sẻ thông tin với bên thứ 3 nhằm mục đích quản trị rủi ro…, cũng như doanh nghiệp bảo hiểm được quyền tiếp cận dữ liệu khách hàng với bên thứ 3 như bệnh viện để có thông tin khách hàng. Tuy nhiên, để tiếp cận thông tin của khách hàng từ phía bệnh viện cũng không hề dễ”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Với vấn đề trục lợi bảo hiểm, theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, để bảo vệ lẫn nhau, các công ty bảo hiểm có phối hợp kiểm tra chéo trong khi giải quyết bồi thường để xem có trục lợi hay không. Tuy nhiên, khi thẩm định phát hành hợp đồng thì khó phối hợp với nhau vì nguyên tắc bí mật thông tin khách hàng và yếu tố cạnh tranh. Để giải quyết những bất cập này cùng với việc xây dựng một luật kinh doanh bảo hiểm mới, được biết hiện nay, cơ quan quản lý bảo hiểm là Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đang có dự án xây dựng cơ sở dữ liệu chung.

Theo ông Dũng, về góc độ Chính phủ, trước đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Y tế phối hợp chia sẻ dữ liệu giữa bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm y tế thương mại. Bảo hiểm y tế đang làm rất sát về mặt hệ thống dữ liệu (90% dân số đã có bảo hiểm y tế). Nếu hai bên kết nối với nhau thì sẽ đảm bảo thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về việc phủ rộng bảo hiểm tới mọi người dân.

“Nếu có sự kết nối giữa bảo hiểm y tế (hơn 90% khách hàng) và bảo hiểm thương mại  (hơn 10% khách hàng) thì sẽ dễ dàng sàng lọc được tỷ lệ trùng bảo hiểm là bao nhiêu… Hiện nay, có khách hàng có cả bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm y tế thương mại nên không bao giờ sử dụng bảo hiểm y tế xã hội. Vậy khi có dữ liệu chúng ta có thể suy nghĩ về việc phát triển một sản phẩm bảo hiểm tích hợp: Bảo hiểm nhân thọ chỉ bảo hiểm những phần quyền lợi cao bên trên, còn những quyền lợi cơ bản thì bên bảo hiểm y tế xã hội sẽ chi trả. Ngoài ra, khi xây dựng được hệ dữ liệu chung các công ty bảo hiểm và bảo hiểm y tế thì cũng sẽ có cơ sở dữ liệu để phân tích chính xác hơn nhu cầu bảo hiểm của người dân”, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhìn nhận.

Gia Linh ​

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục