Đây là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 6/4 tại TP.HCM.
Cụ thể, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, tuy câu chuyện xây dựng thương hiệu nông thủy sản đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn bởi chưa có sự hành động mạnh mẽ từ cả Nhà nước, doanh nghiệp và cả người nông dân.
GS.TS Xuân nêu ví dụ việc lãnh đạo Malaysia đi đâu cũng quảng bá về giống sầu riêng Musang King ngon nhất thế giới. Trong khi đó với Việt Nam, dù gạo ST25 đã được công nhận là giống gạo ngon nhất nhưng người ngoài ít ai biết giống lúa nào ngon nhất của Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân dẫn chứng như ông Hồ ông Hồ Quang Cua , "cha đẻ" của giống lúa ST25 chưa tổ chức được việc trồng trên diện tích rộng, nguyên liệu đồng nhất, bao bì tốt, đẹp...
Tuy nhiên, việc làm dự án lớn, trồng lúa trên diện tích 10.000 ha đất là không dễ khi đồng ruộng phân mảnh. Muốn tập hợp người nông dân lại rất khó bởi họ không muốn phá bờ thửa ruộng của mình. Ngay cả Vinafood là công ty lương thực mạnh nhất Việt Nam nhưng cũng không có nguồn nguyên liệu.
“Nếu chúng ta có thể giải quyết những khó khăn đó thì việc xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn. Mọi người đều có trách nhiệm trong chuỗi thương hiệu đó, ngay cả người lái xe nếu không làm đúng cũng ảnh hưởng đến thương hiệu”, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood, xây dựng thương hiệu không chỉ có vùng sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Thay vào đó, cần xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, vào hệ sinh thái đó.
Ông Minh dẫn chứng về việc phát triển công nghệ, xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp thực phẩm chuyên nghiệp về sữa tại Ireland.
“Một lít sữa bán giá 10.000 đồng không thể gánh nổi chi phí công nhân, bao bì, marketing, vận chuyển nên không thể cạnh tranh được. Thay vào đó, sữa mà người dân thu hoạch được đưa vào nhà máy chế biến hiện đại, sản xuất thành nhiều loại sản phẩm thành phẩm với giá trị rất cao. Khi đó, các thành phần nguyên liệu đã hút hết nước nên chi phí vận chuyển rẻ và xuất khẩu thoải mái. Từ lít sữa 10.000 đồng, đầu ra thành mấy trăm ngàn”, ông Minh nói.
Cũng chính vì vậy, người tham gia chuỗi giá trị rất hạnh phúc, không bao giờ bỏ và muốn làm sữa tốt nhất để cạnh tranh khắp thế giới. Cùng với đó, Ireland truyền đi câu chuyện làm nông nghiệp nhưng không lấy đi giá trị tốt đẹp của nguồn nước, không khí mà bồi đắp môi trường để thế hệ sau có được môi trường còn tốt hơn môi trường ông cha để lại, khiến người tiêu dùng thêm tin, yêu sản phẩm hơn.
Từ đó, ông Minh khẳng định quan trọng nhất là sản phẩm phải làm ra lợi nhuận lớn để tất cả thành phần tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi. Nếu sản phẩm đầu ra không có giá trị gấp 5 - 7 lần thì không bao giờ thành thương hiệu.
“Tất cả mọi đối tượng tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi, đều có lợi nhuận, đều muốn bỏ tiền vào đầu tư thì lúc đó nông sản Việt Nam mới có được thương hiệu", ông Trần Bảo Minh nhấn mạnh.