Tuy nhiên, sự cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt, nên để không bị loại khỏi “cuộc chơi”, doanh nghiệp phải chú trọng việc xây dựng thương hiệu.
Thêm cơ hội, thêm thách thức
Năm 2016, nhiều hình thức bất động sản mới được đẩy mạnh như condotel, cho thuê mua, cam kết lợi nhuận…, tăng thêm tính đa dạng và thu hút sự quan tâm lớn từ khách hàng và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc có nhiều doanh nghiệp tham gia vào cuộc đua mới sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh, đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản phải nhanh chóng tiếp cận để bắt kịp với nhu cầu của thị trường nếu không muốn bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Tính đến hết năm 2016, thị trường bất động sản TP. HCM có hơn 15.255 căn hộ được chào bán, thị trường bất động sản Hà Nội có 15.400 căn hộ được chào bán. Trong năm 2016, tổng cộng cả nước có thêm 3.126 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, tăng tới 83,9% so với năm trước, đưa thị trường vào giai đoạn sôi nổi, cạnh tranh gây gắt.
Với bối cảnh cơ hội và thách thức song song, bản thân các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp mới và nhỏ, cần xác định rõ hướng đi của mình trong thời gian này, đưa ra kế hoạch ngắn hạn cụ thể và tầm nhìn chiến lược trung hạn đúng đắn, tránh hiện tượng “bình mới rượu cũ”, sử dụng những chiêu trò PR quá đà. Cùng với đó, dựa vào sự phát triển của thị trường, doanh nghiệp cũng nên tìm cho mình một hách thị trường phù hợp nhất, từng bước tạo dựng thành công cho riêng mình.
Ngoài ra, các quyết định mới liên quan đến bất động sản trong năm 2016 và năm 2017 cũng là vấn đề mà doanh nghiệp cần phải nắm bắt rõ, như việc đánh thuế căn nhà thứ 2, hạn chế tín dụng bất động sản… Bởi các quy định này tác động lớn đến tâm lý khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính thanh khoản của thị trường.
Phải nói thật, làm thật
Dù thị trường đã phát triển bền vững hơn, chuyên nghiệp hơn, nhưng năm 2016, thị trường vẫn có những lùm xùm tại một số dự án, doanh nghiệp. Tuy chỉ là thiểu số, nhưng những “con sâu” này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín chung của hoạt động kinh doanh bất động sản.
Chính vì thế, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần nhanh chóng tạo dựng thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tập trung làm thương hiệu, nhưng chỉ mới ở mức độ sơ khai và sau một thời gian ngắn, thì “đem con bỏ chợ”, khiến hiệu quả mang lại không cao, ngược lại còn gây nhiều lãng phí.
Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, theo ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu, Giám đốc khối Kinh doanh và Tiếp thị Công ty cổ phần Dự án đất nền, là do xuất phát từ tư tưởng “lối mòn”của các ông chủ doanh nghiệp.
Trên thực tế, marketing “thực dụng” (marketing ngắn hạn) đã mang lại hiệu quả đáng kể trong bước đầu kinh doanh, nên rất nhiều ông chủ lầm tưởng thương hiệu doanh nghiệp của mình rất hoàn hảo, từ đó phát sinh khái niệm “ảo tưởng thương hiệu”, dẫn đến việc chi phí marketing bị co lại, nhân lực tinh giản hơn. Ngoài ra, còn do nhân lực làm công tác marketing bất động sản không được đào tạo bài bản, nên khó làm thương hiệu tốt.
“Hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu vẫn còn là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản”, ông Hậu đánh giá.
Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản muốn tạo được đột phá cần định hình rõ thế mạnh của mình, giảm thiểu việc sử dụng ngôn ngữ “khoa trương” bằng cách nâng cao giá trị thật của từng dự án, thực hiện đúng những gì mình cam kết trước khách hàng, tạo dựng một uy tín bền vững nhất.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần đầu tư và phát triển đồng bộ đội ngũ làm marketing. Thay vì chăm chú vào phát triển số lượng nhân viên, thì nên tập trung đẩy mạnh đào tạo chất lượng, gắn kết và phát huy hết được giá trị của nguồn nhân lực mà mình đang có.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com