ĐỊNH VỊ TẦM NHÌN “MỘT TRUNG TÂM, BA HÀNH LANG” CHO TP.HCM
Thưa ông, TP.HCM lâu nay luôn được xem là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông nhìn nhận vai trò liên kết vùng của TP.HCM hiện nay thế nào?
Trước thời kỳ đổi mới, dấu ấn của các nhà lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí... rất sâu đậm. Các nhà lãnh đạo này đã đưa ra những quyết sách phù hợp với thực tiễn, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa TP.HCM dần ổn định và sau đó trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Những bậc lão thành này như một tấm gương không chỉ cho TP.HCM, mà còn cho toàn miền Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, từ sau đổi mới đến nay, TP.HCM vẫn chưa thực sự thể hiện được vai trò của “anh hai Nam Bộ”, thậm chí trở thành “đối thủ cạnh tranh” của các địa phương xung quanh. Điều đó được thể hiện rất rõ bằng các đường kết nối, chẳng hạn Quốc lộ 13, phần đường thuộc Bình Dương rộng rãi, hiện đại, trong khi phía TP.HCM lại là “nút thắt cổ chai”.
Rõ ràng, vai trò dẫn dắt và liên kết vùng của TP.HCM sau đổi mới còn yếu. Việc liên kết thì rời rạc, thiếu gắn kết do cách tiếp cận cạnh tranh nhiều hơn hợp tác.
TP.HCM xác định công nghiệp là một trong những mục tiêu phát triển trọng tâm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mà Thành phố phải cạnh tranh trực tiếp với các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, hay Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM lại không lớn.
Điều này dẫn đến một nghịch lý, thay vì tập trung phát triển ngành dịch vụ - lĩnh vực đang chiếm tới 75% cơ cấu kinh tế, thì Thành phố lại đang ưu tiên cho công nghiệp.
Nếu TP.HCM đóng vai trò là trung tâm dịch vụ, đồng thời tạo kết nối và hỗ trợ các tỉnh, thành phố xung quanh phát triển công nghiệp, thì mô hình liên kết vùng sẽ hiệu quả và bền vững hơn nhiều.
Vậy, TP.HCM cần làm gì để thể hiện đúng chất “anh hai Nam Bộ”, thưa ông?
Trong nội địa, chúng ta phải giải được bài toán Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ, đó là những vùng trũng về phát triển. Còn ở tầm quốc tế, Việt Nam phải khẳng định được vai trò trong khu vực ASEAN. Trong bối cảnh đó, cần xây dựng một tầm nhìn phát triển dài hạn với cấu trúc “một trung tâm, ba hành lang”, trong đó TP.HCM đóng vai trò dẫn dắt.
Việc sáp nhập 3 địa phương TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương là rất thích hợp cho xây dựng tầm nhìn này. Hơn thế, không chỉ giới hạn trong TP.HCM, mà cả các địa phương trong vùng, đặc biệt là một phần của Đồng Nai.
Cụ thể, “một trung tâm” là TP. Thủ Đức - đô thị chiến lược nằm trên trục Đông và Đông Bắc, hướng ra biển và đóng vai trò hội nhập quốc tế. Khi kết nối với các vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Thủ Đức sẽ trở thành “trái tim” hướng ra biển để hội nhập và vươn dài theo hướng Đông Bắc để kết nối với các tỉnh Nam Trung Bộ.
TP.HCM cần xác định là trung tâm kinh tế quan trọng nhất, đóng góp lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam và là động lực chính trong 100 năm tới. Nếu TP.HCM có thể duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với mức trung bình của cả nước, thì trong 20 năm nữa, vùng TP.HCM sẽ trở nên rất mạnh mẽ.
Đây sẽ là động lực phát triển chính cho vùng TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung trong tầm nhìn 100 năm tới. Việt Nam sẽ tạo dựng một Singapore trong vòng 3 - 5 thập niên như Trung Quốc đã làm được với Phố Đông Thượng Hải, Hàn Quốc làm được với Gangnam ở thập niên 1970 và Incheon từ những năm 2000.
Đối với hành lang Tây Nam kết nối Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hướng chiến lược đã được Trung ương ưu tiên đầu tư hạ tầng. Việc đưa hành lang này vào tầm nhìn không chỉ hỗ trợ kinh tế, mà còn tạo dựng niềm tin và kỳ vọng rõ ràng hơn cho cả vùng Tây và Đông Nam Bộ.
Hành lang phía Tây - kết nối với Campuchia qua Tây Ninh, tuyến này có vai trò thúc đẩy liên kết quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong ASEAN và hiện thực hóa sáng kiến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ năm 2015.
Còn với hành lang kết nối Tây Nguyên. Hướng Tây Bắc qua Bình Dương và Bình Phước sẽ là chìa khóa giải quyết bài toán Tây Nguyên vẫn chưa có lời giải trong nhiều thập niên qua.
Với vị trí địa chính trị đặc biệt, Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội, giảm thiểu rủi ro và đặt ra chiến lược phát triển 100 năm cho TP.HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế, mà là hình mẫu phát triển khu vực.
Với tầm nhìn tạo ra một “Phố Đông” hay “Incheon” mới, đâu là mô hình phù hợp để xây dựng “một trung tâm”?
Trong các chiến lược phát triển kinh tế và chính trị toàn cầu, khi thế giới chia cực, một “vùng đệm” thường xuất hiện. Khu vực không nghiêng hẳn về phía nào, mà giữ vai trò trung gian. Vùng đệm này có thể đóng vai trò như cầu nối trong các mối quan hệ thương mại, chính trị, thậm chí là an ninh.
Do đó, cần xây dựng chiến lược phát triển TP.HCM dựa trên việc trở thành một “vùng đệm” giữa các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực. Cũng giống như các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác, TP.HCM có thể tận dụng vị thế của mình để kết nối các thị trường, thúc đẩy hợp tác quốc tế mà không bị rơi vào sự phân cực quá mạnh.
Trong đó, TP.HCM cần đề xuất với Trung ương một mô hình đặc khu hoặc chính sách đặc biệt để phát triển phía Đông sông Sài Gòn (với diện tích tương đương với Singapore hoặc 10% diện tích TP.HCM sau khi sáp nhập) trở thành động lực chiến lược cấp quốc gia.
Khi TP. Thủ Đức được thành lập, tôi đã kỳ vọng rằng, Việt Nam có thể đi theo hướng mà Hàn Quốc đã từng thực hiện. Sau khi trở thành thành viên của OECD (nước có thu nhập cao) vào đầu thập niên 1990, Hàn Quốc đã đưa ra tầm nhìn phát triển mới để củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh. Incheon là một phần của chiến lược này. Đó là hệ thống đô thị hiện đại và một thể chế riêng biệt, linh hoạt. Hay như Thượng Hải đã biến Phố Đông thành một “Singapore mới”, chỉ sau 30 năm từ vùng bãi bồi ven sông trở thành biểu tượng phát triển của Trung Quốc.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính trong thời gian tới chính là cơ hội lớn để TP.HCM mở rộng không gian phát triển. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng, không thể phát triển đồng đều trên toàn bộ diện tích hàng chục ngàn km2 với mười mấy triệu người. Nên tập trung vào các khu vực có tiềm năng cao để làm điểm đột phá. Tiếp cận này có thể tập trung phát triển và tránh được các xáo trộn không cần thiết.
Với mô hình đơn vị hành chính đặc biệt, chúng ta có thể hình thành thể chế vận hành tiên tiến (như Singapore chẳng hạn) và vận dụng một cách sáng tạo một số mô hình huy động nguồn lực khác như hợp tác công - tư hay phí phát triển. Nếu cơ chế này được thực thi thì Thành phố có thể sử dụng những chính sách trong phạm vi địa giới hành chính của mình nhằm gia tăng nguồn thu ở những đơn vị hành chính đặc biệt và nguồn chi vào những công trình hạ tầng có tính chất “kết nối”.
CƠ CHẾ HUY ĐỘNG VỐN ĐỂ TP.HCM TĂNG TỐC
Trở lại với câu chuyện hạ tầng liên kết vùng. Kết nối thiếu đồng bộ giữa TP.HCM và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn là điểm nghẽn lớn khiến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa phát huy được hết tiềm năng. Để có “ba hành lang” thì “lộ” phải thông, thưa ông?
Trước mắt, việc hình thành các hành lang kết nối với Tây Nam Bộ là hết sức quan trọng và giải quyết bài toán vùng trũng của cả nước. Thành phố cùng với các địa phương ở Tây Nam Bộ thúc đẩy tiến trình xây dựng hệ thống đường bộ và đường sắt kết nối. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc TP.HCM kết nối với cửa khẩu Mộc Bài; TP.HCM kết nối với Tây nguyên. Đồng thời, làm bằng được các tuyến đường vành đai để tạo ra các vành đai phát triển chung.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến TP.HCM phát triển chậm là do cơ chế tài chính hiện hành chưa phù hợp. Thành phố thiếu các công cụ để tạo nguồn thu phục vụ cho hạ tầng và dịch vụ công - những yếu tố sống còn cho một đô thị lớn, bởi thế cần một chính sách đột phá trong phân bổ ngân sách.
Do vậy, Thành phố cần có chính sách táo bạo về phân bổ ngân sách. Ví dụ, ngân sách cả nước hiện tại là khoảng 2 triệu tỷ đồng, TP.HCM chỉ được giữ lại khoảng 21% theo công thức cũ. Trong khi đó, phần tăng thêm từ tăng trưởng hàng năm (ví dụ 10%), nếu được phân chia theo công thức mới, cho phép TP.HCM giữ lại nhiều hơn, thì chỉ sau khoảng 7 năm, ngân sách tăng thêm sẽ tương đương ngân sách cũ.
Nếu được đảm bảo phần tăng thêm này, TP.HCM có thể chủ động lập kế hoạch tài chính dài hạn. Ví dụ, với dòng tiền ổn định để trả nợ hàng trăm tỷ USD, Thành phố hoàn toàn có thể huy động trước số vốn tương đương để đầu tư hạ tầng như một bước nhảy vọt, thay vì chờ đợi ngân sách tích lũy như hiện nay.
Bên cạnh tài chính, TP.HCM cũng cần đẩy mạnh cơ chế khai thác giá trị gia tăng từ đất, nhất là trong các dự án hạ tầng đô thị gắn với phát triển theo mô hình TOD. Nghị quyết 98/2023/QH15 đã mở ra cơ hội cho Thành phố thử nghiệm các cơ chế này. Mỗi đồng vốn ngân sách nếu khai thác hiệu quả có thể huy động thêm 4-8 đồng từ các nguồn lực xã hội hóa - một công thức đã được Trung Quốc áp dụng rất hiệu quả.
Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Để tiếp tục dẫn dắt với vai trò đầu tàu kinh tế, TP.HCM cần định vị mình thế nào trên bản đồ kinh tế khu vực và toàn cầu?
TP.HCM cần xác định mình là trung tâm kinh tế quan trọng nhất, đóng góp lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam và là động lực chính trong 100 năm tới. Với cơ chế hợp lý, cả vùng sẽ phát triển mạnh mẽ. Nếu TP.HCM có thể duy trì tốc độ tăng trưởng vượt trội so với mức trung bình của cả nước, thì trong 20 năm nữa, vùng TP.HCM sẽ trở nên rất mạnh mẽ.
Cuộc đua cạnh tranh giữa các quốc gia thực chất là cuộc cạnh tranh giữa các siêu đô thị và các trung tâm đô thị. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng một vùng đô thị trung tâm và hiện nay, vùng TP.HCM đang có lợi thế lớn để trở thành một đô thị cạnh tranh sòng phẳng với các thành phố khác trong khu vực.
Tóm lại, muốn cạnh tranh với các nước đi đầu như Singapore chẳng hạn, thì chúng ta cần phải có môi trường kinh doanh và các điều kiện tương tự. Cách thức khả thi là tạo ra một “Singapore”, mà ở đó trong giai đoạn đầu, về mặt kinh tế và kinh doanh có thể thuê người Singapore hoặc nhân sự các nước phát triển để vận hành các thể chế, trong khi các vấn đề về an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam.